Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến với tử thần của thợ lặn tàu Sewol

Vùng biển sâu, nước chảy siết khiến thợ lặn tìm kiếm nạn nhân tàu Sewol, Hàn Quốc vật lộn, thậm chí ngất xỉu hoặc thiệt mạng.

1
Thợ lặn Hàn Quốc tìm kiếm nạn nhân tàu Sewol. Ảnh: Reuters

Thợ lặn làm việc trong vùng biển nguy hiểm

Khu vực Sewol chìm có dòng chảy mạnh và nhanh thứ 2 trong số các vùng nước ven bờ của Hàn Quốc. 58 vụ tai nạn đã xảy ra tại đây từ năm 2002. Các dòng hải lưu có khi di chuyển với vận tốc lên đến 11 km/h, gấp 2 lần so với mức an toàn cho các thợ lặn, theo Korea Herald.

Shin Hang-sub, cựu thuyền trưởng tàu tuần tra, cho biết các tàu quân sự cũng tránh qua vùng nước mà Sewol gặp nạn vì ngại rủi ro.

Trước nhiều khó khăn, những người tham gia chiến dịch cứu hộ vẫn đặt cược cả tính mạng vào cuộc tìm kiếm để xoa dịu nỗi đau của người nhà nạn nhân.

“Tôi cũng là cha nên hiểu họ cảm thấy thế nào khi vượt qua thảm kịch này”, Kang In-kyoo nói, nhắc đến gia đình hành khách tàu Sewol. Ông Kang cùng nhiều thợ lặn khác dấn thân dù nguy hiểm rình rập.

Sau khi tàu Hàn Quốc chở 470 người chìm, lực lượng cứu hộ không ngừng tìm kiếm. Họ bơi qua mê cung các cabin, hành lang và trong tàu lộn ngược để tìm thi thể. Thậm chí, họ phải dùng chính đôi tay để cảm nhận và xác định xác hành khách thiệt mạng.

“Chúng tôi được đào tạo để ứng phó với môi trường khắc nghiệt nhưng vẫn rất khó giữ can đảm khi nhìn thấy các thi thể dưới làn nước đục”, Reuters dẫn lời Hwang Dae-sik, thành viên của đội tìm kiếm, cho biết.

Điều kiện khắc nghiệt đã cướp sinh mạng của thợ lặn tên Lee. Nhiều đồng nghiệp khác ngất xỉu vì giảm áp. Đây là loại bệnh nguy hiểm thường tấn công thợ lặn biển sâu khi họ nổi lên mặt nước quá nhanh hoặc ở dưới nước lạnh quá lâu.

“Bàng hoàng và đau xót” khi phát hiện thi thể nạn nhân

Một thợ lặn kỳ cựu với 35 năm kinh nghiệm đã khóc khi phát hiện thi thể của 2 học sinh, gồm một nam, một nữ buộc vào nhau bằng dây áo phao trong thảm kịch Sewol. Hai tử thi nằm tại cầu thang đi lên ở phía bên phải tàu. Mỗi em mặc áo phao riêng. Dây dưới của 2 áo phao được cột lại với nhau, theo Korea Times.

“Các em đã trải qua sự sợ hãi tột cùng. Có thể 2 học sinh đã buộc dây lại để cùng vượt qua nỗi sợ và cứu sống nhau”, thợ lặn chia sẻ.

Ngày 22/4, 6 ngày sau khi tàu Sewol gặp nạn khi đang trên đường từ thành phố Incheon tới đảo Jeju, người thợ lặn ngụp xuống nước lần thứ 3 để tìm kiếm nạn nhân thảm kịch. Ông vượt qua dòng nước tối tăm để lách mình vào thân tàu và phát hiện xác một nam sinh, mặc quần bò và áo phao. Người đàn ông gần 60 tuổi định kéo thi thể lên nhưng không thành. Sợi dây của áo pháo nối với một thứ gì rất nặng. Ông cố lôi lên và phát hiện một tử thi nữ, không còn giày dép.

Vì chỉ còn 10 phút dưới nước và ông không thể kéo cả 2 thi thể lên cùng lúc nên người thợ lặn cẩn thận gỡ 2 dây. Sau đó, ông nhờ đồng nghiệp trợ giúp.

“Tôi trải qua khoảnh khắc bàng hoàng và đau xót nhất trong cuộc đời dưới làn nước kia. Tôi khóc khi nghĩ rằng bọn trẻ không muốn rời xa nhau”, thợ lặn ngậm ngùi kể.

Một nhân viên cứu hộ khác thấy ngón tay các thi thể dập nát. Có thể hành khách đã cố víu vào vật gì đó trước giờ phút định mệnh cho đến khi họ bất lực buông xuôi.

Người nhà nạn nhân tàu Sewol đụng độ với cảnh sát

Ngày 11/4, người nhà các nạn nhân thảm họa tàu Sewol đã đụng độ với cảnh sát ở thủ đô Hàn Quốc khi diễu hành đến phủ tổng thống để biểu tình.

 

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm