Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức về vụ chìm tàu thảm khốc nhất Cà Mau

Chuyến tàu đưa khách ra Hòn Khoai 11 năm trước, đã trở thành hải trình tang thương của 49 người dân Cà Mau. Tàu Diễm Tính giờ như bộ xương cá, nằm ven sông Ông Trang.

Tai nạn đường thủy nghiêm trọng nhất ở Cà Mau xảy ra hơn chục năm, nhưng người dân vùng cực nam Tổ quốc vẫn còn ám ảnh khi nhắc lại con tàu mang tên Diễm Tính. Hàng chục gia đình ở huyện Ngọc Hiển và Năm Căn (Cà Mau) mất đi 49 người thân. Song, chỉ 39 người tìm được xác, còn lại mất tích.

Trở về từ cõi chết

Là một trong hai cô giáo sống sót sau vụ chìm tàu Diễm Tính ngày 30/4/2004, chị Cao Thị Quế (giáo viên trường THCS Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) đã lấy chồng là đồng nghiệp cùng đơn vị. Người còn lại là chị Phạm Thị Đào, chuyển công tác về tỉnh Khánh Hòa.

1
Xác tàu Diễm Tính như bộ xương cá nằm ven sông Ông Trang. Ảnh: Việt Tường.

Đã hơn mười năm, nhưng mỗi khi nghe ai đó nhắc lại chuyện chìm tàu, chị Quế lại rùng mình vì nhớ lại ký ức khủng khiếp nhất trong đời. Khi đó, cô giáo này 29 tuổi, cùng ba đồng nghiệp nữ mới về trường công tác không lâu, đón tàu Diễm Tính ra đảo Hòn Khoai tham quan trong kỳ nghỉ lễ.

Chị Quế đón tàu tại vàm Nhưn Miên, ven sông Ông Trang vào buổi trưa. Gần 3 giờ sau, hơn 150 người đi cùng cô giáo bỗng nhốn nháo, khi hay tin tàu bị phá nước vì thủng đáy ở vị trí lắp ống láp chân vịt máy.

Lúc này, chủ tàu Trần Văn Khải kéo chiếc máy bơm ra khởi động nhiều lần nhưng không nổ. Nhiều thanh niên hoảng hốt, cởi áo và quần dài trám vào lỗ thủng vẫn không hiệu quả, nên nháo nhào tìm thùng xốp, can nhựa... để làm phao cứu sinh.

"Tàu chìm nhanh, tôi nghĩ mình khó sống được giữa biển khơi, nhưng may mắn bám được vào cột cờ nhô lên mặt nước, cho đến khi được vớt vào bờ cùng với Đào. Hai đồng nghiệp còn lại thiệt mạng, một người chôn trong chùa Ông Tình, người kia đã được gia đình đưa về Nam Định", cô giáo quê Thanh Hóa kể.

Hôm xảy ra tai nạn, Nguyễn Hoàng Giao (30 tuổi, ngụ xã Viên An) cùng 6 người bạn đón tàu Diễm Tính tại chợ Ông Trang, khi thấy ông Khải dán thông báo chở khách ra Hòn Khoai chơi. Sau khi xuống tàu, bà Trần Ánh Tuyết (vợ ông Khải) thu mỗi người 60.000 đồng và vài thanh niên mua rượu của người phụ nữ này uống để giết thời gian.

"Uống được vài ly thì tụi tôi ngưng, vì rượu bà Tuyết bán hôi mùi khét. Hôm đó nếu nhậu nhiều, tôi với bạn bè có thể khó thoát nạn vì say xỉn", anh Giao nói.

Theo anh Giao, tàu Diễm Tính được ông Khải sử dụng nhiều năm, chủ yếu đi bơm nước mặn ngoài Hòn Khoai, mang về bán lại cho các cơ sở sản xuất tôm giống. Trong buồng máy có một động cơ hiệu D6 dùng để bơm nước, nhưng khi xảy ra sự cố, không ai khởi động được chiếc máy dầu này.

"Giúp chủ tàu quay máy bơm nhiều lần nhưng không được, bạn tôi là Thái Nguyên lột áo trám vào lỗ thủng cũng không xong. Thái Nguyên đập thùng xốp đựng nước đá vỡ thành nhiều mảnh để chia cho bạn bè làm phao, rồi chúng tôi nhảy khỏi tàu. Khi ngoái lại, tôi thấy nhiều cánh tay giơ lên khỏi mặt nước rồi chìm mất", thanh niên sống sót kể lại. 

Đến gần tối cùng ngày, Giao với tất cả các bạn đi cùng được tàu cá của ngư dân cứu giúp.

2
Anh Giao kể lại lúc chìm tàu Diễm Tính. Ảnh: Việt Tường.

Anh Cao Hoàng Lâm là một trong những người khách cuối cùng được tàu Diễm Tính rước tại thị trấn Năm Căn, trước khi ông Khải tìm cách né trạm biên phòng để lái tàu về phía biển. Năm đó, anh Lâm 15 tuổi, được lực lượng cứu hộ đưa vào đất liền sau 18 giờ đánh vật với sóng to, gió lớn.

Theo cán bộ địa chính 26 tuổi này, khi tàu chìm anh Lâm kịp với lấy miếng xốp của thùng nước đá chỉ to bằng bàn chân. Sau khi nhảy khỏi tàu, một tay anh Lâm cầm mảnh xốp, tay kia bơi cho đến tối và đụng phải cột đáy. Vậy là thanh niên này ôm cứng cột đáy cho đến sáng hôm sau, trước khi được đưa về đồn biên phòng ở xã Đất Mũi cấp cứu và thoát nạn.

Nỗi đau dần nguôi ngoai

Chỉ căn nhà lá của mình vừa bị sập gần chợ Ông Trang, bà Nguyễn Thị Mỏng (65 tuổi) cho biết, tài sản này được hình thành từ tiền hỗ trợ nạn nhân trong vụ chìm tàu Diễm Tính. Đó là chị Tăng Kim Khía, vợ anh Lê Huy Bằng - con trai bà Mỏng.

Theo người mẹ, chị Khía quê xã Tân Phong, huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Sau nhiều năm theo các chuyến đò khách để bán kẹo và bánh mì, 15 năm trước chị Khía gặp anh Bằng, rồi cưới nhau.

"Năm đó, thằng Bằng bắt được con rắn trun bán 60.000 đồng, nên rủ vợ đi chơi lễ. Thấy vợ chồng nó nghèo, chủ tàu chỉ lấy một nửa giá tiền, nhưng không ngờ đó là chuyến đi định mệnh của con dâu tôi", bà Mỏng tâm sự.

Vợ mất, anh Bằng hụt hẫng suốt hai năm nhưng nỗi buồn cũng dần nguôi ngoai. Sau đó, anh lấy vợ lần nữa và vợ chồng dắt nhau đi Bình Dương làm thuê đến nay.

Đối với anh Trần Quốc Khởi (ngụ xã Viên An), tàu Diễm Tính chìm là lúc anh đưa vợ mới cưới ra Hòn Khoai tham quan. Tàu gặp nạn đã cướp đi sinh mạng của người bạn đời, đồng thời là bạn cùng trường đại học với nguyên cán bộ địa chính này.

Sau khi vợ mất, anh Khởi suy sụp tinh thần, nghỉ việc một thời gian. Vài năm trước, anh này "đi bước nữa" và trở lại UBND xã Viên An làm việc, nhưng nay đã nghỉ.

Tại chợ Ông Trang, nhiều gia đình nạn nhân của tàu Diễm Tính đã bỏ xứ đi nơi khác làm ăn, để mong vơi bớt đau buồn. Trong đó, anh Thanh Phong (thợ sạc bình ăc quy) và anh Trần Công Tây, cùng chung hoàn cảnh khi vợ với hai con bỏ mạng ngoài khơi.  

3
Máy tàu Diễm Tính trở thành sắt vụn và không ai dám đánh cắp. Ảnh: Việt Tường.

Cách chợ Ông Trang khoảng 2 km, bên kia sông thuộc ấp Xóm Biển có xác tàu Diễm Tính, nằm cạnh rặng cây mắm. Con tàu tải trọng khoảng 30 tấn sau khi chìm, được nhà chức trách kéo về nơi xuất bến đầu tiên để phục vụ điều tra. Hơn 10 năm trôi qua, tàu mang tên hai người con của ông Khải đã mục, trơ khung như bộ xương cá và đống sắt vụn là máy chính của tàu.

Theo người dân nơi dây, hàng đêm, nơi neo tàu Diễm Tính đều có người tới thắp hương. Người dân Ông Trang, mỗi khi đi ngang chiếc tàu đều có cảm giác rờn rợn nên máy tàu nằm phơi nắng phơi mưa nhiều năm mà không ai dám đánh cắp.

Tháng 1/2005, TAND tỉnh Cà Mau tuyên ông Khải 21 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn. Với vai trò đồng phạm, bà Tuyết lĩnh 12 năm tù. Sau đó, vợ chồng ông Khải kháng cáo, xin giảm án. Cuối tháng 4/2005, cấp phúc thẩm xử y án sơ thẩm.

"Ông Khải đang chấp hành án, vợ ra tù vào đầu năm nay nhưng bà Tuyết không về lại Ông Trang. Hai đứa con của chủ tàu là Diễm và Tính cũng về ngoại ở, sau khi cha mẹ vướng lao lý", một người dân ở chợ Ông Trang nói.

Gặp lại người lái chuyến đò tang thương ở miền Tây

Hơn chục năm đưa đò, anh Triều không có giấy phép chuyên môn và thường chở quá tải. Lần đưa con đến trường cùng hàng chục học sinh khác, đò lật úp, khiến 6 người thiệt mạng.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm