Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp lại người lái chuyến đò tang thương ở miền Tây

Hơn chục năm đưa đò, anh Triều không có giấy phép chuyên môn và thường chở quá tải. Lần đưa con đến trường cùng hàng chục học sinh khác, đò lật úp, khiến 6 người thiệt mạng.

Chuyến đò tang thương chìm xuống sông Thạnh Mỹ ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã 7 năm, nhưng nhiều người còn nhớ rõ. 

Từ ngày xảy ra tai nạn khiến chị Đinh Thị Ngọc Minh (vợ chủ đò Nguyễn Văn Triều, 42 tuổi) với 5 nữ sinh thiệt mạng, nơi đây không còn người nào đưa đò. Những hàng đáy dùng để bắt cá trên sông, được cho là các chướng ngại vật gây cản trở giao thông, lần lượt bị dỡ bỏ theo yêu cầu của chính quyền.

Thiệt mạng khi chưa kịp mặc áo mới

Anh Triều là một trong những chủ đò đưa rước học sinh nhiều năm ở ấp Hòa Tần, xã Ngọc Tố. Gần mười năm trước, học sinh vùng này muốn đến trường phải lụy đò, vì đường bộ bị ngăn cách bởi kênh, rạch chằng chịt, nhưng không có cầu.

Anh Triều đượm buồn khi nhớ lại chuyến đò tang thương. Ảnh: Việt Tường.
Anh Triều đượm buồn khi nhớ lại chuyến đò tang thương. Ảnh: Việt Tường.

Gần 11h ngày 24/1/2008, anh Triều chở con gái học lớp 7 (cháu Như) với hơn 30 học sinh và những phụ nữ cùng quê ra chợ Cổ Cò. Trên đò lúc này có 40 người, vợ anh Triều đi theo mỗi ngày, để thu tiền.

Đò chạy được nửa đường, anh Triều ghé đón một phụ nữ, cách ấp Hòa Lý khoảng 1 km, để kiếm thêm 2.000 đồng. Khi lui ra, chiếc đò chỉ được phép chở 12 người theo quy định, đã vướng dây neo của một hàng đáy, nên lật úp.

Nhiều thanh niên nhà gần hiện trường lao xuống sông cứu người. Một người trong đó dùng can nhựa làm phao, bơi ra gần giữa sông túm được tóc người lái đò. Kéo lên tới bờ, anh Triều ngất xỉu, được lực lượng cứu hộ đưa vào Phòng khám Đa khoa khu vực xã Ngọc Tố cấp cứu, gần một giờ sau mới tỉnh.

Lúc này, anh Triều được người thân báo tin, vợ và con gái mất tích cùng bốn học sinh lớp 7. Đến tối hôm sau, 6 nạn nhân lần lượt được tìm thấy xác, trong đó có một nữ sinh trôi rất xa, đến gần sông Mỹ Thanh.

Nửa năm sau, anh Triều bị TAND tỉnh Sóc Trăng phạt 5 năm tù, về tội Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Bị cáo mất đi cùng lúc hai người thân này, đã thừa nhận chở người quá tải và không có giấy phép lái tàu thủy, nên gây ra thảm họa.

Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đại diện Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đề nghị mức án của anh Triều 7-9 năm tù, nhằm răn đe những ai xem thường các quy định về an toàn giao thông đường thủy. 

Tuy nhiên, cha mẹ của những học sinh tử nạn xin tòa giảm nhẹ cho người lái đò nghèo, để anh Triều sớm về nhà nuôi con trai còn nhỏ.

Khu vực này 7 năm trước, đã xảy ra chìm đò khiến 6 người chết. Ảnh: Việt Tường.
Khu vực này 7 năm trước đã xảy ra chìm đò, khiến 6 người chết. Ảnh: Việt Tường.

"Anh Triều tốt bụng lắm, đứa nào đi đò mà nghèo khó, không có tiền trả cũng được anh ấy đưa đón mỗi ngày. Tai nạn này không ai muốn, trong 5 học sinh thiệt mạng có con gái của tôi là Thu Lan. 

Trước ngày Lan mất, vợ tôi dành dụm tiền làm thuê, mua cho chị em nó mỗi đứa một bộ đồ mới, chờ mặc chơi Tết. Đứa cháu ở xóm bên kia cũng vậy, chưa kịp mặc áo mới mẹ mua thì đã ra đi", ông Bảy Mông, ở ấp Hòa Tần ngậm ngùi.

Nỗi đau dần nguôi ngoai

Mất con gái, mẹ của Lan buồn, sinh bệnh rồi qua đời sau đó vài năm. Số tiền của các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình được gần 100 triệu đồng, ông Mông đầu tư nuôi tôm, nhưng thua lỗ liên tiếp, nên không thoát nghèo. Giờ đây, người đàn ông ngoài 50 tuổi sống cảnh "gà trống nuôi con" và em gái Lan đang học lớp 8.

Đối với anh Triều, sau nhiều năm dành dụm tiền từ nghề đưa đò, người đàn ông gầy yếu này chưa kịp cất nhà thay căn chòi lá ven sông, thì vợ con ra đi cùng lúc. Được cha, mẹ các nạn nhân thông cảm, nên ngoài tiền mai táng phí, chủ đò chỉ bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình mỗi nữ sinh thiệt mạng 15 triệu đồng.

"Nhớ lại chuyến đò năm ấy tôi vẫn còn rùng mình, toát mồ hôi. 40 người ngồi chật đò, nước chảy quá mạnh khiến tôi trở tay không kịp. Lúc đó, thấy vợ con chấp chới, lặn ngụp kêu cứu nhưng không thể nào giúp được và tôi suýt bỏ mạng. Sợ quá, ra tù tôi bỏ luôn nghề đưa đò. Mấy năm nay, tôi nuôi tôm nhưng không thoát được nghèo, vì thường bị lỗ do tôm chết", anh Triều chia sẻ.

Lĩnh án 5 năm tù, nhưng gần 2 năm sau, anh Triều được về nhà, nhờ cải tạo tốt. Lúc ở trại giam, cựu lái đò học sửa máy nổ, nên giờ đây, khi rảnh việc trên đồng tôm, anh Triều đi sửa máy thuê, được trả công khoảng 100.000 đồng/ngày.

3
Sau vụ chìm đò trên sông Thạnh Mỹ, đường từ ấp Hòa Tần đến Hòa Lý được một doanh nghiệp ở TP HCM hỗ trợ xây cầu. Ảnh: Việt Tường.

"Sau khi ra tù, hàng xóm thấy tôi một mình nuôi con trai (em cháu Như), nên làm mai mối để cưới vợ cùng tuổi. Vợ tôi bây giờ vẫn chưa sinh đứa nào, con trai thì bỏ học lúc vừa vào lớp 6, khi tôi đi thi hành án”, cựu lái đò nói.

Theo anh Triều, nỗi đau mất vợ với con gái vì chìm đò do anh cầm lái, sẽ không bao giờ dứt, nhưng cũng đang dần nguôi ngoai. Cha, mẹ chị Minh thông cảm cho nỗi đau này của con rể và xem vợ sau của anh Triều như con gái ruột.

"Ngày ra tù, tim tôi như thắt lại khi biết con trai nghỉ học. Vậy là gia đình tan nát sau chuyến đò chìm, may là có sự động viên, an ủi của người thân. Cha, mẹ của các em học sinh tử nạn cũng không còn trách tôi. Những người cha mất con như chúng tôi, đã kết bạn, để cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống", anh Triều tâm sự.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm