Đến xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu (Nghệ An) hỏi đường vào nhà ông Bùi Đức Vinh (45 tuổi) ai cũng biết. Cách đây 21 năm, ông là người hùng trong vụ chìm đò trên sông Lê. Sự việc xảy ra đã hơn hai thập kỷ nhưng ông vẫn nhớ rất rõ ngày định mệnh đó.
Ngày 28/2/1994, một nhóm học sinh lớp 8A, trường THCS xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu đi sang xã Diễn Cát đám cưới cô giáo trong trường. Trên đường về, trời mưa rét, các em rủ nhau đi đò qua sông Lê (nối xã Diễn Cát với xã Diễn Tân) đến thăm một người bạn bị ốm.
Chân dung "người hùng" Bùi Đức Vinh. Ảnh Phạm Hòa |
Cùng thời điểm, ông Vinh, lúc này mới là chàng trai ngoài 20, đang đánh bắt cá trên sông cách đó khoảng 40 mét. Đang mải kiểm tra lưới, ông bỗng nghe tiếng kêu thất thanh “Cứu! Cứu!”. Ngoảnh lên nhìn, ông phát hiện con thuyền chở nhiều học sinh cùng người lái đò bị lật úp giữa sông.
“Tôi chỉ kịp nhìn thấy con đò lật úp, nhiều học sinh nắm lấy người lái đò tên Láng đang chới với. Lúc này, nước thủy triều từ sông Bùng (sông Lê là một nhánh của sông Bùng) vào đang dâng cao, chảy xiết, trời mưa rét. Không kịp suy nghĩ, tôi chạy đến nhưng các em đã bị chìm hết chỉ thấy mũ nón, dép, áo mưa nổi lềnh bềnh trên mặt nước”, người đàn ông 45 tuổi nhớ lại.
Do con sông cách xa làng, nếu chạy về gọi người thì không kịp nên một mình chàng trai trẻ liều mình bơi ra giữa dòng nước cứu người. Ngụp lặn rồi lần lượt gỡ tay từng em kéo lên đưa vào bờ, cứ như thế, sau hơn 30 phút vật lộn, ông cứu được 11 học sinh và người lái đò.
Khi ông Vinh đã kiệt sức, các cháu nói vẫn còn hai người nữa. Bà con trong làng lúc này mới kéo đến kín bờ sông. Nhiều người cùng nhau nhảy xuống tìm hai em học sinh còn lại nhưng không có kết quả.
Sau khi cứu được 11 học sinh thoát khỏi lưỡi hái tử thần, chàng trai Bùi Đức Vinh nhận được nhiều, huy chương, bắng, giấy khen của Trung ương, tỉnh, huyện. Ảnh Phạm Hòa |
“Mãi đến chiều tối cùng ngày, người dân dùng câu vương buộc đá kéo hai bên bờ sông tìm thấy cháu Đặng Thị Liên. Còn cháu Cao Thị Hà cũng được một người thợ lặn trong xã tìm thấy sau đó, cách nơi xảy ra chìm đò khoảng 150 mét”, ông Vinh trầm ngâm nhớ lại.
Dù cứu được 11 em học sinh nhưng thâm tâm ông không khỏi day dứt. Sau đám tang của Liên và Hà, ông đến tận nhà thắp hương và xin lỗi người thân vì đã không cứu được hai em.
Trở thành người cha của 11 đứa con
Với hành động dũng cảm cứu người gặp nạn, Bùi Đức Vinh được Trung ương Đoàn tặng Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm, Huy chương vì sự nghiệp chăm sóc trẻ em của Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam. Ngoài ra ông còn được tặng Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, Bằng khen của UBND huyện Diễn Châu…
Để ghi nhớ công lao, lòng biết ơn của ân nhân đã sinh ra mình lần thứ hai, 11 học sinh được ông Vinh cứu sống xin nhận ông làm cha nuôi. Đến nay, 11 nữ sinh ngày xưa giờ đã trở thành các cô giáo tại nhiều trường ở huyện Diễn Châu. Duy nhất có cô Cao Thị Vinh, phó hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là ở xa.
Các cô cũng đều đã lập gia đình, sinh con. Ngoài 11 người con nuôi, 3 người con ruột, ông Vinh nay còn có thêm 25 người cháu - con số được coi là kỷ lục ở Nghệ An với người đàn ông chưa tới 50.
Ông Vinh chụp ảnh cùng 11 học sinh mà anh cứu sống. Ảnh chụp năm 1994, được làm lại năm 2014. |
Dù mỗi người làm ở một cơ quan khác nhau, song, hàng năm gia đình "cha Vinh" có việc gì thì 11 người con đều cùng chồng, con về chung vui. Về phần mình, ông Vinh không giấu nổi niềm hạnh phúc khi được vợ, chồng, con các cô gọi là cha nuôi, ông ngoại.
“Dù hoàn cảnh gia đình chưa phải là khá giả nhưng tôi vẫn tự hào mình là người may mắn, người hạnh phúc nhất. Ngoài các con nuôi đều thành đạt, có công ăn việc làm ổn định thì con ruột của vợ chồng chúng tôi cũng đều học giỏi, ngoan ngoãn. Tôi coi đó là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời của mình”, ông khoe.
Ông Vinh bên dòng sông từng xảy ra vụ chìm đò chở 13 học sinh. Ảnh Phạm Hòa |
Là người cuối cùng trong nhóm 11 học sinh được cứu sống năm xưa, cô Hoàng Thị Bích nay đã là một giáo viên tại trường THCS xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu.
Nói về người cha nuôi, cô không giấu nổi sự kính trọng và lòng tự hào. “Nếu không có sự nghĩa hiệp của 'cha Vinh' thì giờ đây tôi và 10 người bạn khác không còn trên cõi đời này nữa. Chúng tôi đều coi ông như cha ruột của mình”, cô chia sẻ.
Bà Lưu Thị Yến (55 tuổi, hàng xóm) cho hay, ông Bùi Đức Vinh là người sống hiền lành, hòa đồng. “Làng xóm ai cũng cảm phục chú ấy”, bà Yên nói.
Còn ông Lưu Quảng (Xóm trưởng) thì nhận xét, ngoài tấm lòng thương người và sự dũng cảm, ông Vinh còn được người dân kính trọng bởi hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nuôi các con ăn học tử tế. Ba người con ruột của ông đều được học đại học có công ăn việc làm ổn định.
"Đó cũng là niềm mơ ước của nhiều gia đình trong làng", ông Quảng tâm sự.