Năm 1969, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Nguyễn Văn Đức (quê ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) xung phong nhập ngũ.
Sau 3 tháng huấn luyện ở đơn vị C11, Quân khu IV tại Thanh Hóa, tháng 2/1970, ông lên đường vào chiến trường ở binh trạm 42, Đoàn 559, đóng ở Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Văn Đức kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt. |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn là tuyến vận tải chiến lược nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Nhiệm vụ chính của ông Đức là lính công binh, lái xe để thông tuyến.
Ông Đức nhớ lại: “Lúc ấy, địch đánh phá ác liệt lắm, lương thực lại thiếu thốn đủ bề. Khó khăn nhất là nhiệm vụ thông đường để xe ra chiến trường, bởi vì thời tiết khắc nghiệt, những cung đường bom mìn, chất độc hóa học rải suốt ngày đêm. Có những lúc sự sống và cái chết mong manh nhưng khi nhận nhiệm vụ là chúng tôi chỉ có tiến chứ không bao giờ lui”.
Thùng đựng đạn DKB được ông Đức lưu giữ |
Ông Đức ngậm ngùi nhớ lại: "Vào trung tuần tháng 12/1970, khi mọi người đang chuẩn bị ăn tối tại cồn Tiên, dốc Miếu (Quảng Trị), một loạt bom B52 dội xuống. Tôi bị thương ở chân, mê man bất tỉnh tại chỗ. Đến khoảng 2h sáng, khi tỉnh dậy tôi mới biết mình còn sống, nhìn sang bên cạnh thấy thân thể hai đồng đội đã cứng khiến tim tôi như thắt lại".
Tháng 10/1971, ông được đơn vị giao nhiệm vụ phá bom từ trường, bom bi… để thông đường vận chuyển, tiếp tế đạn dược, khí tài, nhu yếu phẩm trên đường mòn Hồ Chí Minh (tuyến đường Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế).
Lúc bấy giờ cả đơn vị chỉ có duy nhất một chiếc xe phá bom từ trường. Tiểu đội phá bom gồm 5 đồng chí. Một đêm tháng 11/1971, trong đợt rà phá bom ở ngầm A Lin (Quảng Trị), chiếc xe bị hất tung do bom nổ, 2 đồng đội của ông Đức không may hy sinh.
Hàng ngày, ông Đức vẫn sửa xe đạp giúp bà con hàng xóm. |
Kể câu chuyện sống và chiến đấu những ngày “mưa bom, bão đạn” ấy, ông Đức chia sẻ: “Anh em khi đã vào cuộc chiến đấu rồi không ai màng gì đến bản thân, dù khó khăn gian khổ vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, cả tiểu đội đã phá được hàng nghìn quả bom từ trường, góp phần thông đường chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc Mỹ”.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông Đức được giao nhiệm vụ về Sư đoàn 473, Đoàn 559, giữ chức vụ trung đội phó với công việc điều hành xe, máy phục vụ chiến đấu.
Không chỉ lái xe chở pháo, đạn, người lính Trường Sơn ấy còn kiêm nhiều việc khác như bốc vác hàng hóa, cõng thương binh...
Cuộc sống bình dị tại quê nhà của người lính Trường Sơn đã 73 tuổi đời, 50 tuổi Đảng. |
Ông Đức còn được nhiều đồng đội biết đến bởi tay nghề sửa chữa xe. Khi nhắc lại chuyện này, ông cũng không nhớ nổi những năm đó mình đã sửa bao nhiêu chiếc xe của đồng đội bị hỏng do bị máy bay giặc đánh phá.
“Trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, mặc dù không trực tiếp có mặt ở Dinh Độc Lập nhưng chúng tôi vỡ òa niềm vui thống nhất. Những người lính Trường Sơn rất tự hào khi đã góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến đấu gian khổ, thống nhất đất nước”, ông Đức chia sẻ.
Với những gì đã cống hiến, tháng 12/1975, ông Nguyễn Văn Đức được trao tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba.
Sau đó, ông cùng đơn vị tiếp tục đi làm kinh tế ở đập Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh. Năm 1978, do sức khỏe ông rời chiến trường về quê sinh sống.
Cầm chiếc radio, nghe giai điệu hào hùng “Tiến về Sài Gòn” giữa những ngày tháng 4 lịch sử, trên gương mặt người lính 73 năm tuổi đời, 50 tuổi Đảng, ngoài niềm tự hào vẫn có nét trầm tư, đượm buồn khi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống.
"Nhiều đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập, vì quê hương, đất nước. Tôi may mắn hơn là được sống sót trở về với gia đình”, ông Đức rưng rưng.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.