Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) - người đóng vai trò đặc biệt trong sự kiện soạn thảo lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh trên đài phát thanh và chấp nhận nó, đã từ trần vào sáng 9/2/2023.
Lớn lên trong gia đình truyền thống cách mạng
Chị Bùi Quỳnh Hoa, con gái của đại tá Bùi Văn Tùng kể: “Bố mẹ tôi đều là con cái gia đình cách mạng tập kết. Gia đình bố tôi quê ở Đà Nẵng, ông nội cùng các con trai, trong đó có bố tôi tập kết hết ra Bắc, trong khi ở quê chỉ còn bà nội và những người con gái. Bà nội sau đó xuống tóc, đi tu tại gia, ngày ngày niệm Phật, mong cho các con bình an, mong ngày hòa bình, thống nhất”.
Chính ủy Bùi Văn Tùng với phóng viên nước ngoài tại sân dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Chị Bùi Quỳnh Hoa cho biết: “Ông nội tôi giỏi tiếng Pháp, cho bố tôi học trường Pháp. Khi tập kết ra Bắc, bố tôi được cử đi Trung Quốc học về xe tăng 5 năm liền. Nhờ đó, bố tôi rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Trung. Ở nhà bố tôi thường đọc sách tiếng Pháp, hát những bài nhạc Pháp. Chính khối kiến thức phong phú đồ sộ đã giúp bố tôi trong việc soạn thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh”.
Chị Bùi Quỳnh Hoa kể: “Tôi ra đời ba tuổi mới nhìn thấy mặt bố tôi từ chiến trường trở về. Mọi người kể lại là lúc đó tôi chỉ chào chú bộ đội cụ Hồ chứ dứt khoát không chào bố, vì chưa quen gọi bố”.
Cuộc đời trong quân ngũ đã khiến đôi chân người lính Bùi Văn Tùng có mặt trên khắp các chiến trường. Ông chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị, bị bom vùi suýt chết, sau đó ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn, tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của chính quyền Sài Gòn. Sau đó, ông tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, rồi có mặt tại chiến trường Campuchia.
Cán bộ, nhân dân, đồng đội tới viếng đại tá Bùi Văn Tùng. Ảnh: Trần Nguyên Anh |
Cùng đại đoàn quân tiến vào dinh Độc Lập, được sử sách ghi chép, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, ông vô cùng giản dị. Chị Bùi Quỳnh Hoa biết chuyện soạn văn bản đầu hàng cho TT Dương Văn Minh và tự hào về chiến công của bố mình. Chị kể: “Riêng ông thì không nói chiến công bao giờ. Ông còn bảo: Việt Nam mình nhiều người coi trọng thành tích quá, không tốt. Hãy chiến đấu và cống hiến cho đất nước, đừng nên kể công trạng và hãy nhớ tới những người đã nằm xuống cho đất nước phồn vinh như hôm nay”.
Chị Bùi Quỳnh Hoa nhớ lại: “Sau khi tiến vào dinh Độc Lập, thống nhất đất nước, bố tôi trở ra Bắc và không đem theo bất cứ chiến lợi phẩm hay món quà gì. Ông trở về nhà tay trắng. Món quà duy nhất, đó là mấy mảnh vải lụa mà bà ngoại tôi khi ấy nhà ở Sài Gòn, đã gửi ra. Mẹ tôi đem vải hoa ấy may quần cho tôi. Chiếc quần nổi bật quá so với bạn bè trong lớp, nên các bạn Hà Nội cứ đi theo chọc ghẹo tôi”.
Từ chối biệt thự
Ngôi nhà nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, là nơi đại tá Bùi Văn Tùng ở những năm cuối đời và theo di nguyện của chính ông thì đám tang đã được tổ chức tại đây.
Chị Bùi Quỳnh Hoa cho biết: “Thấy bố tôi không có nhà cửa, lãnh đạo thành phố đã cấp cho bố tôi một căn biệt thự. Bố tôi trả lời: Tôi là người lính cụ Hồ, cả đời xông pha trên chiến trường, chỉ quen cuộc sống giản dị. Thế là bố tôi từ chối căn biệt thự ấy.
Ngôi nhà chúng tôi ở hiện nay, từ tiền gia đình bán ngôi nhà của bà ngoại, dùng tiền mua lại ngôi nhà này do thành phố ưu tiên hóa giá cho, chứ không xin xỏ gì cả. Cuộc sống có nhiều sự kỳ lạ, chúng tôi chuyển về ở đây mới biết ngay phía sau là dinh thự của ông Dương Văn Minh khi xưa. Bố tôi thường bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về sự kiện soạn thảo văn bản đầu hàng cho ông Dương Văn Minh”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đã viết trong sổ tang: “Đại tá Bùi Văn Tùng là một trong nhiều cán bộ chiến sĩ có mặt tại dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử, là người soạn thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/1975, một chiến công và vinh dự lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng và cá nhân đồng chí. Xin vĩnh biệt đại tá Bùi Văn Tùng - Một khí phách anh hùng”.
Khi về hưu, đại tá Bùi Văn Tùng dành thời gian đi tìm mộ các đồng đội đã hy sinh trên đường tiến vào Sài Gòn, đón gia đình các đồng đội vào Nam quy tập mộ các liệt sĩ.
Ông thổ lộ với người con trai và con rể rằng: “Bố mong ước viết một cuốn sách, nhưng không phải về mình, mà về các đồng đội, cán bộ chiến sĩ của bố, những người đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu thống nhất đất nước”.
Đại tá Bùi Tùng đã viết một số chân dung đồng đội của mình đăng báo, trong đó có các liệt sĩ. Trong một bài viết, ông kể chuyện người đồng đội của mình, cũng giống như ông, từ chối nhà được cấp trong thành phố, ra ngoại thành sinh sống và vẫn thấy an vui, tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống.
Ông nói với các con: “Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở vật chất, mà là ở chỗ đóng góp được gì cho xã hội, dù ở lứa tuổi nào”. Đáng tiếc, cuốn sách chưa hoàn thành thì ông bị bệnh và công trình dở dang.
Chị Bùi Quỳnh Hoa kể: “Bố tôi rất hiền. Trước khi mất, bố tôi thường nói với chúng tôi rằng: Bố hài lòng vì mình đã có những đóng góp với quân đội, với đất nước, góp phần nhỏ vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Đặc biệt việc sớm buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, quân đội đã giúp cho thành phố không bị bom đạn tàn phá, giảm được mất mát hy sinh và thỏa lòng mong đợi của người dân về ngày hội thống nhất non sông”.
Lãnh đạo, cán bộ, đồng đội tri ân
Hay tin đại tá Bùi Văn Tùng qua đời ở tuổi 94, rất nhiều lãnh đạo và cán bộ, nhân dân đã tới viếng.
Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi sổ tang: “Tổ quốc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao anh cùng biết bao đồng đội, đồng chí đồng bào trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất non sông Việt Nam”.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng viết: “Đồng chí Bùi Văn Tùng có nhiều cống hiến cho quân đội, góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, người luôn tận tụy với công việc, gần gũi, được mọi người yêu mến, kính trọng”.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) Anh hùng lực lượng vũ trang đã viết những dòng cảm động về đại tá Bùi Văn Tùng: “Đồng chí Bùi Tùng, nguyên Chính ủy lữ đoàn 203 xe tăng, đơn vị đi đầu giải phóng Sài Gòn, là đơn vị đi đầu vào bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chế độ Việt Nam Cộng hòa, bắt buộc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng quân giải phóng.
Sau này tôi càng khâm phục đức độ, sự khiêm tốn của anh, được đồng đội và mọi người yêu mến - thế là rất tốt đối với một người lính Bộ đội Cụ Hồ”.