Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đến viếng và chia buồn với gia đình Đại tá Bùi Văn Tùng. |
Trưa 10/2, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã đến chia buồn và ghi sổ tang đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2, người thảo lời đầu hàng không điều kiện và buộc Dương Văn Minh, Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa, đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và đoàn đã thắp hương, dành phút mặc niệm tưởng nhớ đại tá Bùi Văn Tùng, đồng thời, gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gửi lời chia buồn sâu sắc đến đến gia đình Đại tá Bùi Văn Tùng. |
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi sổ tang đại tá Bùi Văn Tùng, nêu rõ: "Người chiến sĩ cộng sản trung với Đảng, hiếu với dân. Một cán bộ quân đội tài năng, đức độ, mẫu mực, khiêm nhường, luôn chí tình, chí nghĩa với đồng chí, đồng đội, mọi người và được mọi người yêu mến. Một trong nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng có mặt tại Dinh Độc lập trong thời khắc lịch sử, là người soạn thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố, chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/1975. Một chiến công, vinh dự lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng và cá nhân đồng chí".
Cũng trong sáng 10/2, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân đã đến viếng, gửi vòng hoa chia buồn cùng gia đình đại tá Bùi Văn Tùng. Nhiều người không giấu được sự xúc động, thương tiếc nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2.
Trung tá Trương Thị Thanh Trúc. |
Trung tá Trương Thị Thanh Trúc (84 tuổi), Đoàn cựu nghệ sĩ quân đội TP.HCM cho biết đại tá Bùi Văn Tùng là người khiêm nhường, giản dị, vô tư. Đặc biệt, đại tá có công lớn, góp phần duy trì sự nguyên vẹn của Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975 lịch sử.
NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng. |
NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng, người từng sản xuất những bộ phim tài liệu về ngày 30/4/1975 lịch sử mà đại tá Bùi Văn Tùng là một nhân vật, chia sẻ: “Anh Bùi Văn Tùng là một con người hiền từ. Anh yêu Đảng, yêu Bác Hồ và đặc biệt yêu những người lính”.
Bức ảnh chụp Đại tá Bùi Văn Tùng được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ôm hôn, khen ngợi vì vai trò to lớn của ông góp phần kết thúc sớm cuộc chiến tranh, tránh đổ máu. Ảnh chụp lại từ bức ảnh được treo tại gia quyến. |
Đại tá Bùi Văn Tùng nguyên là một sĩ quan cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 30/4/1975, ông đã thảo lời đầu hàng vô điều kiện và buộc Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn. Ông cũng đã thay mặt Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chấm dứt cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Đại tá Bùi Văn Tùng trút hơi thở cuối cùng lúc 3h10 sáng 9/2, tại nhà riêng, hưởng thọ 94 tuổi. Linh cữu của nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2 được quàn tại tư gia ở số 162 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3.
Tang lễ của Đại tá Bùi Văn Tùng bắt đầu từ 12h ngày 9/2. Lễ động quan lúc 6h15 ngày 12/2. Sau đó linh cữu của nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2, được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.