Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức cựu binh lái xe tăng tiến về Dinh Độc Lập lên báo Pháp

40 năm trôi qua, những người lính điều khiển xe tăng 390 vẫn nhớ rất rõ khoảnh khắc húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.

Khoảnh khắc xe tăng 390 tiến vào bên trong dinh Độc Lập ngày 30/4/195. Ảnh: Bảo tàng Tăng thiết giáp
Khoảnh khắc xe tăng 390 tiến vào bên trong Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Bảo tàng Tăng thiết giáp

"Nếu chúng tôi sợ thì đã không lái xe tăng húc vào cánh cổng ấy. Mục tiêu của chúng tôi là nhanh chóng chiếm tòa nhà và khống chế ông Dương Văn Minh (Tổng thống Việt Nam Cộng hòa) cùng những người khác", ông Vũ Đăng Toàn, chỉ huy xe tăng 390, nói với phóng viên hãng tin AFP (Pháp).

Giai thoại về chiếc xe tăng đã húc đổ cổng dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 từng là chủ đề bàn luận trong một thời gian dài. Nhiều ý kiến cho rằng chiếc 843 (do Liên Xô chế tạo) mới là xe tăng đầu tiên xông vào Dinh Độc Lập chứ không phải chiếc 390. Trong chiến tranh, cả hai xe đều thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2.

Xe tăng của đội quân giải phóng bên trong khuôn viên dinh Độc Lập. Ảnh: dinhdoclap.gov.vn
Xe tăng của đội quân giải phóng bên trong khuôn viên Dinh Độc Lập. Ảnh: dinhdoclap.gov.vn

Tuy nhiên, tư liệu của nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder đã giúp làm rõ sự kiện này. Bà Demulder là phóng viên ảnh chứng kiến khoảnh khắc chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Năm 1995, bà trở về Việt Nam để chia sẻ những bức ảnh ghi nhận chiến tích của xe tăng 390 và các binh sĩ. Hiện tại, xe tăng 390 được trưng bày tại Bảo tàng Tăng thiết giáp ở Hà Nội.

Về phần Vũ Đăng Toàn, sau ngày hòa bình lập lại, ông hiếm khi kể về vai trò trong thời điểm lịch sử của chiến dịch giải phóng miền Nam. "Gia đình tôi và hàng xóm đều ngỡ ngàng khi biết chuyện. Họ trách tôi vì sao không chia sẻ chuyện này. Nhưng khi đó, chúng tôi chiến đấu bằng toàn bộ tinh thần, chiến đấu vì nhân dân miền Nam chứ không phải để mưu cầu danh lợi hay để được ca tụng là anh hùng", ông Toàn nói.

Cận cảnh hai xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

Số phận hai chiếc xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm 1975 có nhiều thăng trầm khác nhau. Song, giờ đây, cả hai đều là bảo vật quốc gia.

Ông Lê Văn Phượng chia sẻ về ký ức khi xe tăng 390 xông vào dinh Độc Lập. Ảnh: AFP
Ông Lê Văn Phượng chia sẻ về ký ức khi xe tăng 390 xông vào dinh Độc Lập. Ảnh: AFP

Người cựu chiến binh không giấu giếm sự tự hào vì đã hoàn thành nghĩa vụ với đất nước trong cuộc phỏng vấn với AFP. Sau 20 năm phục vụ trong quân đội, ông Toàn nghỉ hưu vào năm 1985 và đang hưởng cuộc sống an nhàn tại quê nhà ở tỉnh Hải Dương.

Trong khi đó, người lính pháo thủ số 2 trên xe tăng 390, ông Lê Văn Phượng, nhớ rất rõ về không khí cuộc chiến mỗi dịp đài truyền hình phát sóng các đoạn phim tư liệu. "Tôi giống như được trở về thời tuổi 20. Lúc ấy tôi tràn đầy nhiệt huyết và tự hào vì đã đóng góp công sức nhỏ bé vào chiến thắng vĩ đại của đất nước năm 1975", ông Phượng nói.

4 người lính trên xe tăng 390: (từ trái qua) ông Ngô Sỹ Nguyên, Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Toàn và ông Lê Văn Phương trong ngày hội ngộ 30/4/2005. Ảnh: AFP
4 người lính trên xe tăng 390: (từ trái qua) ông Ngô Sỹ Nguyên, Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập và ông Lê Văn Phương trong ngày hội ngộ 30/4/2005. Ảnh: AFP

Cũng như những cựu chiến binh khác, ông Phượng khiêm tốn cho rằng vai trò của ông và đồng đội "hết sức bình thường" trong bối cảnh cả nước đồng lòng. "Đối với tôi, những thành viên trên xe tăng 390 giống như gia đình. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, như thể anh em ruột thịt", ông Phượng nói.

Lính pháo thủ thứ nhất trên xe tăng 390, ông Ngô Sỹ Nguyên (63 tuổi), đã rời quân ngũ vào năm 1982. Ông Nguyễn Văn Tập (65 tuổi), người lái xe tăng 390, đã xuất ngũ một năm sau khi đất nước thống nhất.

Người cựu binh luôn trân quý những năm được sống trong cảnh đất nước hòa bình. "Tôi rất may mắn vì sống sót sau cuộc chiến. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại nơi chiến trường", ông Tập nói. Cuối tháng 4 này, những người lính trên xe tăng 390 sẽ hội ngộ tại Sài Gòn để dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Chiến tranh Việt Nam qua ảnh phóng viên quốc tế

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, lính VNCH đánh một người đàn ông bị tình nghi là quân Giải phóng là hình ảnh ấn tượng về Chiến tranh Việt Nam trên báo nước ngoài.

Ảnh hiếm về thương binh Mỹ trong Chiến tranh VN

Những hình ảnh lính Mỹ bị thương vào năm 1966 góp phần khiến dư luận nước này nhận thức rõ hơn về cuộc chiến tại Việt Nam.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm