Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Địa đạo Củ Chi sau 40 năm thống nhất

Hệ thống địa đạo dài hơn 200 km, chống được bom hạng nặng là một kỳ tích của quân dân vùng đất thép Củ Chi. Sau hơn 40 năm, nơi đây trở thành địa danh lịch sử thu hút du khách.

Cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi vừa là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định vừa là thế trận biến hóa, góp phần không nhỏ vào công cuộc thống nhất đất nước. Di tích hiện được bảo tồn ở hai khu vực Bến Dược và Bến Đình.
Nằm trong hệ thống, địa đạo Bến Dược là căn cứ của khu ủy quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1979. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo với hệ thống đường hầm nằm sâu dưới lòng đất, có nhiều tầng, ngõ ngách như mạng nhện, dài hơn 200 km. Các tầng có hầm ở và làm việc của lãnh đạo, hầm y tế, ăn uống, chứa lương thực và vũ khí, ổ chiến đấu, giếng nước, bếp, công binh xưởng, nhà may quân trang...
Mô phỏng hệ thống và hoạt động của địa đạo Củ Chi. Ảnh: Tech.edu.
Để đào được hệ thống địa đạo Củ Chi hoàn chỉnh là công sức hơn 20 năm của nhiều thế hệ. Mỗi tổ đào hầm có từ 3 đến 4 người. Một người đào và một người kéo đất từ trong hầm ra và đem đi đổ. Hệ thống này được xây dựng từ cuối những năm 1940 và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sử dụng trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá từ các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ.
Địa đạo thể hiện sự kiên cường, trí thông minh, niềm tự hào của người dân Củ Chi. Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mở rất nhiều cuộc ném bom, càn quét quy mô lớn, kéo dài nhiều năm nhưng đều gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ vùng căn cứ hiểm yếu này. Lính Mỹ sau đó cũng phải khiếp sợ bởi Củ Chi trở thành vùng đất chết cho lính thủy đánh bộ Mỹ và các thiết đoàn Sài Gòn. 
Đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Thiết kế cửa hầm địa đạo kiểu nhỏ và hẹp này chỉ phù hợp với người Việt Nam. Lính Mỹ có vóc dáng cao to xuống thường gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống này có đầy đủ các phòng chức năng từ phòng chỉ huy, phòng nghỉ ngơi, kho vũ khí, bệnh xá...
Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường xương sống tỏa ra nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng 1 cách mặt đất 3 m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5 m, có thể chống được bom cỡ nhỏ, còn tầng dưới cùng cách mặt đất 8-10 m hết sức an toàn, các loại bom lớn cũng không thể với tới. Các đường hầm ngầm sâu dưới đất có chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ phương tiện: bom, bơm nước vào địa đạo, hơi ngạt... nhưng do hệ thống được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều.
Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Dọc theo đó, cứ khoảng 10 - 15 m đều có khoét những lỗ thông hơi và thông gió bí mật lên trên mặt đất, trông giống như ụ mối đùn. Một phần những cửa thông gió bí mật được các chiến sĩ sử dụng như hỏa điểm bí mật để tấn công. Nhiều trường hợp lính Mỹ phát hiện ra địa đạo nhờ sử dụng chó săn. Các chiến sĩ du kích Củ Chi thông minh và khéo léo đối phó lại bằng cách sử dụng quần áo, xà phòng Mỹ hay hạt tiêu xay nhỏ đặt ở cửa hầm và cửa thông gió để vô hiệu hóa khứu giác của chó. 
Một sáng kiến của quân dân Củ Chi trong việc giấu khói của bếp Hoàng Cầm là làm hệ thống nhiều ống thông khói giúp tỏa ra lượng khói rất ít và lẫn vào bụi cây, lá rừng.
Bên cạnh hệ thống địa đạo là các hệ thống công sự chiến đấu. Các bẫy, hầm chông vô cùng tinh vi và nguy hiểm.
Trên mặt đất và trong địa đạo còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông, bẫy... được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu. Trong ảnh: cạm bẫy Việt Nam bằng những vũ khí thô sơ là những hầm chông gây ra nỗi khiếp đảm kinh hoàng với lính Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Một du khách người Mỹ ngạc nhiên trước sự tinh vi, kỳ công của hệ thống địa đạo ở Củ Chi. Hệ thống địa đạo này là một trong những đường hầm vĩ đại nhất thế giới do con người xây dựng do kênh truyền hình National Geographic bầu chọn.
Bên cạnh đó, quân dân địa đạo còn chế ra các loại vũ khí đơn giản để giăng bẫy khắp mọi nơi nhằm tiêu diệt địch.
Công binh xưởng, nơi lấy thuốc nổ, mảnh bom để chế tạo các loại vũ khí.
Mô hình một hầm cứu thương dưới địa đạo tại khu di tích.
Hầm nhà may quân trang, quân dụng.
Hàng ngày, đông nhất là vào các ngày cuối tuần và ngày lễ, di tích Địa đạo Củ Chi đón rất nhiều khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu về cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng đầy vẻ vang của quân dân Củ Chi nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Hầm vũ khí cho các trận đánh của Biệt động Sài Gòn

Hai căn hầm bí mật giấu vũ khí ở nội đô TP HCM đã góp phần làm nên những trận đánh táo bạo, vang dội của Biệt động Sài Gòn cách đây hơn 40 năm.

Địa đạo Củ Chi trên báo nước ngoài

Địa đạo Củ Chi, nơi người dân địa phương từng ẩn náu, giấu vũ khí trong thời chiến, được giới thiệu trên báo của Australia 40 năm sau khi Việt Nam thống nhất đất nước.

Lê Anh Tuấn - Lê Quân

Bạn có thể quan tâm