Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ trăng mật hiếm hoi trong quan hệ liên Triều

Chính sách Ánh dương do Hàn Quốc áp dụng từ năm 1998-2008 đã tạo ra nhiều thay đổi trong quan hệ liên Triều. Tuy nhiên sự khác biệt về hệ tư tưởng khiến nó không duy trì được lâu.

Tháng 8/1945, số phận của bán đảo được định đoạt khi ngoại trưởng Mỹ và Liên Xô quyết định chia đôi bán đảo từ vĩ tuyến 38. Liên Xô chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía bắc, giáp biên giới Trung Quốc, Mỹ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía nam.

Ngày 10/5/1948, người Hàn Quốc bầu ra Quốc hội, thành lập chính phủ Cộng hòa Triều Tiên, còn gọi là Đại Hàn Dân quốc, gọi tắt là Hàn Quốc, do Syngman Rhee làm tổng thống. Ngày 9/9/1948, đảng Cộng sản Triều Tiên do Kim Nhật Thành đứng đầu thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Hàn Quốc được sự hậu thuẫn của Mỹ, trong khi Triều Tiên có sự chống lưng của Liên Xô và Trung Quốc. Nhà lãnh đạo 2 miền đều không hài lòng với việc bán đảo bị chia đôi và có tư tưởng thống nhất dưới chế độ của mình.

Năm 1950, cuộc chiến đẫm máu xảy ra trên bán đảo Triều Tiên kéo theo sự can thiệp của Mỹ và Trung Quốc. Cuộc chiến khốc liệt kết thúc bằng Hiệp định Đình chiến ký vào năm 1953. Về mặt lý thuyết, 2 miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Nhiều nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều được lãnh đạo 2 bên xúc tiến. Tuy nhiên, sự khác biệt về hệ tư tưởng, sự can thiệp của bên ngoài khiến quan hệ liên Triều luôn ở trong thế đối đầu. 65 nằm kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, quan hệ liên Triều chỉ thực sự được cải thiện trong giai đoạn 1998-2008 với “Chính sách Ánh dương” do Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung khởi xướng.

Một nửa của thành công

Năm 1998, Kim Dae Jung đắc cử tổng thống thứ 8 của Hàn Quốc. Ông được biết đến là một nhà hùng biện tài năng. Trước khi trở thành tổng thống Hàn Quốc, ông thường xuyên chỉ trích chính sách cứng rắn của Hàn Quốc đối với Triều Tiên.

Quan he lien Trieu anh 1
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il vào năm 2000. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ngay khi đặt chân vào Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc), Tổng thống Kim áp dụng một loạt chính sách kinh tế hiệu quả giúp vực dậy kinh tế Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Về mặt ngoại giao, Tổng thống Kim triển khai chính sách mềm dẻo với Bình Nhưỡng, còn gọi là “Chính sách Ánh dương”. Chính sách mới tập trung vào cải thiện quan hệ với Triều Tiên, làm dịu thái độ của Bình Nhưỡng đối với Seoul bằng cách khuyến khích sự tương tác và hỗ trợ kinh tế.

Chính sách Ánh dương tập trung vào 3 nguyên tắc cơ bản. Miền Bắc ngừng khiêu khích vũ trang sẽ được dung thứ. Miền Nam sẽ không cố gắng thôn tín miền Bắc bằng bất cứ cách nào. Miền Nam tích cực tìm kiếm sự hợp tác và thúc đẩy hòa giải.

Tổng thống Kim muốn truyền thông điệp đến Bình Nhưỡng, rằng mục tiêu của Seoul là “hòa hợp hòa bình” hơn là “thay đổi chế độ”. Để tăng thêm sự tin tưởng của Triều Tiên, chính sách mới tách rời chính trị và kinh tế. Miền Nam sẽ viện trợ nhân đạo vô điều kiện cho miền Bắc.

Với những nỗ lực gây dựng lòng tin từ phía Hàn Quốc, quan hệ liên Triều có những bước tiến theo hướng tích cực. Đỉnh cao là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên được tổ chức từ ngày 13-15/6/2000 tại Bình Nhưỡng.

Trong cuộc phỏng vấn với NK News vào năm 2015, Kim Han-jung, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Kim Dae Jung nói rằng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên đã được “một nửa của thành công”.

Sức mạnh hủy diệt của tên lửa Triều Tiên Triều Tiên khẳng định tên lửa Hwasong-15 có tầm bắn lên tới 13.000 km, điều này có nghĩa nó có thể tấn công thủ đô Washington D.C. của Mỹ, châu Âu hoặc Australia.

Những biểu tượng

Chính sách Ánh dương tạo ra thời kỳ hợp tác chưa từng có giữa hai miền. Sự bất đồng quan điểm vẫn còn hiện hữu nhưng hai miền đã “xích lại gần nhau hơn”. 3 cuộc đoàn tụ giữa các gia đình bị ly tán trong chiến tranh được tổ chức. Điều mà người dân 2 miền đã mong chờ hàng chục năm.

Quan he lien Trieu anh 2
Khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của chính sách Ánh dương. Ảnh: Wikipedia.

Về kinh tế, Hàn Quốc đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông đường bộ, đường sắt. Biểu tượng cho “kỳ trăng mật” giữa 2 miền là Khu công nghiệp Kaesong và Khu du lịch núi Kumgang. Theo Wall Street Journal, tính đến năm 2013, mỗi năm Khu công nghiệp Kaesong thu về cho Bình Nhưỡng 90 triệu USD, tạo công việc cho khoảng 53.000 người Triều Tiên.

Từ khi được mở cửa vào năm 1998, Khu du lịch núi Kumgang đón hơn 1 triệu du khách Hàn Quốc đem về nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho Bình Nhưỡng.

Di sản mong manh

Năm 2003, Tổng thống Roh Moo Hyun đắc cử và tiếp tục duy trì chính sách Ánh dương của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, sự tin tưởng của Bình Nhưỡng trở nên suy giảm. Sau sự kiện 11/9, Washington liệt kê Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Bình Nhưỡng chấm dứt các cuộc đàm phán với Seoul.

Quan he lien Trieu anh 3
Khu du lịch núi Kumgang, một trong những di sản của chính sách Ánh dương bị đóng cửa vào năm 2008. Ảnh: Wikipedia.

Cuộc điều tra vào năm 2003 tiết lộ chính phủ cựu Tổng thống Kim Dae Jung phải trả cho Triều Tiên 200 triệu USD để có được hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên. Chính sách Ánh dương bị công kích dữ dội. Tuy vậy, chính phủ Tổng thống Roh Moo Hyun vẫn nỗ lực duy trì chính sách này. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 2 được tổ chức từ ngày 2-4/10/2007 khẳng định lại tinh thần hợp tác giữa hai nước.

Tuy nhiên, Tổng thống Lee Myung Bak đắc cử vào năm 2008 áp dụng chính sách cứng rắn đối với Bình Nhưỡng. Khu du lịch núi Kumgang, một biểu tượng cho sự hợp tác giữa 2 miền bị đóng cửa vào tháng 8/2008 khi một du khách Hàn Quốc bị bắn chết tại đây.

Đặc biệt, sau vụ thử hạt nhân lần 2 của Triều Tiên vào năm 2009, quan hệ liên Triều từ “đối thoại” quay trở lại “đối đầu”. Tháng 11/2010, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố “Chính sách Ánh dương” thất bại và chính thức bị hủy bỏ.

Trong 10 năm tồn tại, chính sách Ánh dương là một nỗ lực lớn của Hàn Quốc để cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Tuy nhiên, thành công thu được còn khiêm tốn. Sự khác biệt về “hệ tư tưởng” được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của chính sách.

Patrick McEachern, cựu chuyên gia phân tích Triều Tiên thuộc Cục Tình báo và Nghiên cứu, Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng Triều Tiên chưa bao giờ thay đổi thái độ của họ đối với tác động từ bên ngoài. Do đó, chính sách Ánh dương duy trì hay kết thúc thì Triều Tiên vẫn theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa, có chăng chỉ làm cho tiến trình này chậm hơn thôi.

Kim Han-jung, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Kim Dae Jung, nhấn mạnh rằng quan hệ liên Triều không đơn giản chỉ là vấn đề của 2 miền Triều Tiên. Sự thống nhất của bán đảo Triều Tiên có mối tương quan chặt chẽ với quan hệ giữa 4 nước lớn là Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản. Nỗ lực của một mình Hàn Quốc là không đủ để 2 miền Triều Tiên xích lại gần nhau hơn. 

Triều Tiên 'lách' lệnh cấm vận quốc tế như thế nào Thông qua các công ty bình phong, hợp tác quân sự và tàu hàng ngụy trang, Triều Tiên vẫn thu được ngoại tệ bất chấp cấm vận nghiêm ngặt từ Liên Hợp Quốc.

Hàn Quốc từng chi 200 triệu USD cho Triều Tiên để tổ chức hội nghị

Năm 2000, chính phủ Hàn Quốc bí mật chi 200 triệu USD cho Triều Tiên để Bình Nhưỡng tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên. Vụ việc khiến 6 người bị truy tố.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm