'Kỹ sư làng' chế tạo cáp treo giá 17 triệu đồng
Hệ thống cáp treo do nông dân Nguyễn Hữu (53 tuổi, 44 Mimosa, phường 10, TP.Đà Lạt) tự chế tạo có giá từ 17 đến 70 triệu đồng.
Là một nông dân chính hiệu, mới học hết lớp 9 và không qua trường lớp đào tạo về cơ khí nào nhưng Nguyễn Hữu đã nghiên cứu sáng chế và cho ra đời nhiều hệ thống cáp treo tiện lợi, giúp bà con nông dân bớt cảnh nhọc nhằn trong sản xuất nông nghiệp. Tên gọi “kỹ sư làng” hay “nông dân cáp treo” là cách mà nhiều người ưu ái dành riêng mỗi khi nhắc tới anh.
Nguyễn Hữu bên hệ thống cáp treo chạy bằng máy nổ do anh sáng chế, lắp đặt. |
Từ công việc làm nông, anh thấu hiểu bao nỗi nhọc nhằn của bà con nông dân ở những nơi đồi núi cao. Không như những vùng đồng bằng bằng phẳng khác, ở đây tất cả mọi thứ từ phân bón đến nông sản thu hoạch, bà con phải vận chuyển bằng đôi vai của mình, tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả lao động không cao. Cách đây khoảng 10 năm, trong một lần xem phim nước ngoài trên ti vi, Nguyễn Hữu nhìn thấy cảnh cáp treo vận chuyển người thật độc đáo nên tò mò tìm hiểu. “Người ta dùng cáp treo phục vụ du lịch được, vậy tại sao mình không làm cáp treo để phục vụ nông nghiệp” - Nguyễn Hữu suy nghĩ và bắt tay vào nghiên cứu rồi cho ra đời hệ thống cáp treo của riêng mình.
Cáp treo giá rẻ
Anh trao đổi ý tưởng với một người anh bà con rồi mượn khu vườn có địa hình trắc trở, quan sát địa hình rồi về thiết kế, tính toán kết cấu chịu lực của hệ thống cáp treo hết một tháng trời. Sau đó đưa ra thi công mất thêm 3 tháng nữa mới xong hệ thống cáp treo hoàn chỉnh đầu tiên. Anh Hữu cho biết, tùy địa hình, độ dài ngắn và khả năng vận chuyển hàng hóa nặng hay nhẹ mà mỗi hệ thống cáp treo sẽ có cấu tạo cũng như giá cả đầu tư xây dựng khác nhau.
Thông thường, ở những nơi có điện lưới, một hệ thống sẽ gồm một mô tơ 2 - 3 ngựa (nếu không thì dùng máy nổ), một giàn cơ điều khiển, hai trụ bê tông kiên cố ở hai đầu và có treo ròng rọc (nếu không kiên cố thì dùng trụ sắt hoặc cây rừng), một dây cáp cái (cáp lớn) và một dây cáp nhỏ cùng một “ca bin” (tời). Dây cáp lớn dùng để treo “ca bin”, còn dây cáp nhỏ để kéo cho “ca bin” di chuyển. Trên hệ thống còn được lắp đặt bộ thắng để điều khiển “ca bin” chạy nhanh, chậm hoặc cho dừng theo ý muốn. Để vận hành hệ thống cáp treo này chỉ cần 2 người: 1 người đứng ở trụ đầu đi để chất hàng hóa vào “ca bin” và cho vận hành, người còn lại đứng ở điểm đến để cho hàng hóa xuống. Một lượt vận chuyển hàng hóa trên 100 m cáp treo với thời gian chỉ từ 1 - 2 phút. Thấy công trình mang lại hiệu quả, nhiều người đã đến thuê “kỹ sư nông dân” này về thiết kế, lắp đặt hệ thống cáp cho mình để phục vụ sản xuất.
Đến nay, “nông dân cáp treo” này đã lắp đặt hơn 100 hệ thống cáp treo có độ dài từ 100 - 1.000 m cho bà con ở địa phương và các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai với giá từ 17 triệu đến hơn 70 triệu đồng/hệ thống. Anh Hữu cho hay: “Trung bình lắp đặt một hệ thống cáp treo này mất khoảng 20 ngày. Đầu tiên phải mất vài ngày chọn cho được vị trí, ngắm địa hình phù hợp, tính toán đặt tời sao cho khỏi vướng, sau đó xây trụ bê tông rồi kéo cáp...”.
Hưởng lợi từ hệ thống cáp treo này trong 7 năm qua, nông dân Huỳnh Thừa (58 tuổi, Khe Sanh, phường 10,TP.Đà Lạt) cho biết: “Ngày xưa, khi chưa có hệ thống này, gia đình tôi phải thuê 5 - 7 người làm, và mùa mưa việc vác phân bón, sản phẩm thu hoạch lội qua suối và leo lên dốc hết sức khổ cực, thậm chí phải nghỉ làm chứ không vác được. Nhưng nay thì tôi không thuê ai cả, chỉ gia đình làm thôi”.
Theo Thanh Niên