Nước mắt anh kỹ sư lâm nghiệp
Cuộc sống của bà con dân tộc Ê Đê ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã thôi bớt khó khăn. Họ có của ăn, của để và điều kiện lo cho con cái ăn học, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định không còn rơi vào cảnh gạo đong ăn từng bữa nữa. Để dẫn tới những đổi thay này có công sức của một anh chàng thu mua, tái chế rác.
Kỹ sư Bùi Thanh Quang. |
Người có biệt tài biến rác thành tiền đó chính là Bùi Thanh Quang (SN 1970), ở tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Anh sinh ra trong một gia đình có gia cảnh đặc biệt, bố là người Mường, gốc Hòa Bình, mẹ là người Kinh. Bố mất sớm, một mình mẹ anh phải mưu sinh đấu vật nuôi 7 người con ăn học.
Là con út trong gia đình, được người mẹ đầu tư cho ăn học đến nơi đến chốn, là chàng trai thông minh, nhanh nhẹn,Quang đã thi đỗ Đại học Y khoa Tây Nguyên. Ba năm sau, do cảm thấy mình không hợp với ngành Y, Quang lại thi đỗ vào Đại học Lâm nghiệp. Ngày ra trường, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu trên tay, Quang được điều về làm việc ở Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Thời gian đó, với mức lương còm cõi chỉ được 400.000 đồng, khiến Quang phải tiết kiệm chi tiêu hết cỡ. Dù đã cố gắng căn cơ, nhưng cứ đến gần cuối tháng là anh lại rơi vào tình cảnh cháy túi.
Cuộc sống quá khổ cực, anh xin ra khỏi khu bảo tồn, để làm việc cho một công ty nhân với mức lương có khá khẩm hơn. Không được bao lâu sau thì Quang bị cho thôi việc với lý do cắt giảm nhân sự, do nền kinh tế khủng hoảng. Sau lần ấy, anh về làm việc cho Công ty Phú Sơn, với trình độ và năng lực của Quang, họ hứa sẽ trả một mức lương hậu hĩnh. Sự đời đúng là tréo ngoe, làm việc chưa trọn vẹn một năm thì công ty này làm ăn thua lỗ, buộc phải giải thể. Cũng giống như những người khác, Quang rơi vào cảnh thất nghiệp, hai tháng cuối không một đồng lương.
Đầu năm 2000, không có việc làm, Quang phải về nhà học cách buôn bán, rồi anh đi thu mua nông sản như cà phê, tiêu, điều... Nhưng do giá nông sản bấp bênh, bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường thế giới khiến chuyện buôn bán của Quang cũng không được xuôi chèo, mát mái. Số tiền vốn ban đầu đã bị thua lỗ khiến anh chán ngán không còn hứng để đi buôn nữa.
Cũng trong năm này, Quang lấy vợ, sinh con, cuộc sống ngày càng khốn khó, trong khi đó nhà lại có thêm thành viên mới, anh chạy vạy khắp chốn mong kiếm được một công việc. Thế nhưng tất cả những nơi anh gõ cửa xin việc đều lắc đầu từ chối.
Thành đại gia nhờ biến rác thành tiền
Gần Tết năm 2001, sau nhiều đêm suy nghĩ Quang quyết định đi Sài Gòn với mong muốn sẽ tìm được một công việc thích hợp với mình. Nhưng tìm mãi mà vẫn không được, số tiền phòng thân đem theo đã hết. Khi đó, Quang chán chường, anh đi dạo trên một con phố để cho đầu óc bớt căng thẳng. Trên con phố ấy có những tấm bạt phơi nhựa nhỏ bằng đầu ngón tay trỏ, màu xanh, đỏ, trắng… làm cho Quang thích thú. Anh mon men lại gần hỏi chuyện những công nhân mới biết đây là cơ sở tái chế rác.
Chủ cơ sở tái chế thấy anh ham học hỏi nên đã gọi lại hỏi, có muốn làm nghề như vậy thì ông ta sẽ bày cách cho mà làm, người đàn ông tốt bụng này còn hướng dẫn anh cách thu mua các loại nhựa thải loại. Ông còn hứa sẽ điều một công nhân tay nghề giỏi theo anh về tận nhà hỗ trợ kỹ thuật tái chế rác cho đến khi nào Quang sõi việc.
Kỹ sư Quang hướng dẫn công nhân. |
Đang trong lúc không biết làm nghề gì để sống thì Quang nhận được ân tình của người tốt khiến anh vui như mở cờ trong bụng. Hơn nữa, anh suy tính khối lượng rác, trong đó nhựa phế phẩm các loại bị bị vứt ra môi trường ngày càng lớn, nên đầu vào không cần lo. Đầu ra và kỹ thuật đã có người giúp đỡ, nên cũng không có vấn đề gì. Lúc đó, Quang cũng đặt ra các giả thiết không thành công, nhưng trước hiện thực cuộc sống của mình, khiến Quang không còn lựa chọn nào khác, vì thế anh quyết định sẽ thử vận may xem sao.
Sau khi ăn Tết xong, anh bắt tay tiến hành công việc. Thời gian đầu, Quang vay tiền ngân hàng và mở cơ sở ngay tại nhà, và tự đi thu mua rác và đồ nhựa phế phẩm. Sau khi đã hoàn tất về kỹ thuật tái chế, anh thuê 5 công nhân, sau một thời gian làm thấy mọi thứ đều suôn sẻ, anh mua thêm máy, thuê thêm lao động.
Năm 2007, công việc làm ăn của anh gặp phải khó khăn lớn, cơ sở thu mua thành phẩm nhựa ở Sài Gòn không thu mua nữa. Đầu ra không còn, khiến sản lượng nhựa bị tồn đọng lớn. Nhưng không vì thế mà anh cho công nhân thôi việc, nhiều tháng trời lỗ ròng, Quanh phải xuất tiền túi ra để trả lương cho công nhân. Với nỗ lực vượt qua khủng hoảng, sau 6 tháng ế ẩm thì thị trường trở lại bình thường, nguồn hàng trong kho được giá, đã giúp Quang có được một số tiền lớn để sắm thêm máy móc và thiết bị.
Đơn đặt hàng cứ ngày một tăng về khối lượng khiến Quang phải thuê thêm số lượng lao động. Chính vì thế, Quang quyết định nâng cấp cơ sở tái chế rác thải của mình thành “Hợp tác xã môi trường Hòa Thắng”. Cơ sở của anh không chỉ nhằm mục đích thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp, mà còn tư vấn thiết kế các dự án môi trường. Mỗi tháng, Hợp tác xã môi trường Hòa Thắng thu gom, chế biến khoảng 40 tấn nhựa phế liệu, theo phương thức phân loại, sơ chế thành các loại nhựa.
Các loại sản phẩm này được đưa đi tiêu thụ tại Sài Gòn, phục vụ công nghiệp tái chế. Công việc chế biến rác của Hợp tác xã còn giúp xử lý nhiều chai lọ nhựa chứa hóa chất độc hại, tránh thải ra môi trường. Năm 2012, dù cơ sở của Quang còn gặp khó khăn nhưng anh vẫn quyết định cùng Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ ra mắt mở rộng “Hợp tác xã Môi trường Hòa Thắng”.
Theo đó, hai điểm thu gom phế liệu tại xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin và xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột trở thành đội sản xuất của Hợp tác xã. Quang là người hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho hai đội sản xuất. Tổng 3 cơ sở tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động địa phương. Riêng cơ sở của Quang tạo công ăn việc làm cho gần 40 công nhân lao động, trong đó 100% là người dân tộc thiểu số, với mức lương vài triệu đồng một tháng.
Vậy là sau hơn 10 năm lăn lộn trong nghành thu gom, tái chế rác, Quang đã thoát khỏi cảnh túng thiếu và vươn lên làm giàu. Anh còn sắm xe hơi để đi giao dịch cho thuận tiện. Nhiều người quý mến anh đều bảo, kỹ sư Quang có biệt tài biến rác thành tiền. Tính cho đến ngày hôm nay, chính anh cũng không thể ngờ được rằng, những thứ con người ta bỏ đi lại có thể giúp anh đổi đời đến vậy. Dù chưa được xếp vào những người giàu có bậc nhất Tây Nguyên, nhưng cuộc sống của anh cũng phải khiến cho nhiều đại gia phố núi phải thèm muốn.
Anh Bùi Thanh Quang chia sẻ: “Làm giàu có nhiều cách, nhưng tôi lựa chọn cách làm sạch môi môi trường và tạo công ăn việc làm lao động địa phương. Mình phải sống với người nghèo mình mới cảm thấy cuộc sống của họ khó khăn như thế nào. Thời gian tới đây, tôi sẽ tiếp tục đầu tư trang bị máy móc, hệ thống xử lý nước thải để nâng công suất chế biến rác, đồng thời sản xuất tại chỗ các sản phẩm gia dụng từ nhựa tái chế để có thể giúp nhiều bà con có công ăn việc làm hơn nữa”.