Bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon-ho đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019 và đang gây sốt tại Việt Nam. Phim được đánh giá là lời cảnh tỉnh về một xã hội đầy xáo động do khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Vậy chênh lệch giàu nghèo ở Hàn Quốc nghiêm trọng đến mức nào? Theo tạp chí Hồ Nhuận (Trung Quốc), Hàn Quốc có 36 tỷ phú USD. Thống kê của chính quyền Seoul cho thấy tính đến năm 2018, người đứng đầu danh sách thu nhập cao nhất Hàn Quốc kiếm được hơn 2,7 tỷ won (hơn 2,5 triệu USD) mỗi tháng, cao gấp 810 lần thu nhập trung bình hàng tháng của người dân nước này.
Khi đã hết bị lóa mắt bởi sự xa hoa của khu nhà giàu Gangnam hay vẻ hào nhoáng của các ngôi sao Kpop, chúng ta sẽ nhận ra rằng tại Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư tại châu Á - có rất nhiều người nghèo. Đặc biệt, người già nghèo khổ ở Hàn Quốc đang phải sống cuộc sống đầy khó khăn, vất vả.
Một người già làm nghề nhặt rác ở Seoul. Ảnh: Financial Times. |
Nhặt rác kiếm vài USD mỗi ngày
Theo Channel News Asia, hàng ngày cụ Kim, 81 tuổi, đi bộ khắp hang cùng ngõ hẻm ở thủ đô Seoul để thu nhặt rác. Với 100 kg rác, cụ nhận được khoản tiền 10.000 won (gần 9 USD). Số tiền đó là quá ít ỏi để sống tại một thành phố đắt đỏ như Seoul.
Một tô cơm và canh có thể khiến cụ Kim tốn tới 2.000 won (1,72 USD). "Tôi phải làm việc để có tiền mua thuốc men và đồ ăn. Nếu đói quá, tôi uống thật nhiều nước và chọn món ăn thật rẻ. Rồi tôi tiếp tục làm việc", cụ cho biết.
Tương tự cụ Kim, cụ Son, 70 tuổi, luôn phải nghĩ cách xoay xở với cuộc sống đắt đỏ ở Seoul khi thu nhập quá thấp và không thể dựa vào con cái. Ngày nào cụ cũng cùng những người bạn già của mình đi bộ đến một công viên trong thành phố để mua canh tiết bò với giá 2.500 won và ly cốc cà phê 200 won cho bữa trưa.
Đối với cụ, đây là bữa ăn rẻ nhất có thể mua được với số tiền ít ỏi của mình. Nói với Asian Nikkei, cụ Son cho biết chẳng mong ước gì nhiều ngoài việc có 10.000 won (8,64 USD) mỗi ngày để sống sót.
Người già ở Seoul uống cà phê giá rẻ 200 won. Ảnh: Asian Nikkei. |
Với khoản lương hưu hàng tháng cơ bản là 250.000 (216 USD) cùng các loại hóa đơn sinh hoạt tối thiểu, cụ không đủ tiền để trang trải cuộc sống, thậm chí còn không dám sử dụng lò sưởi để tiết kiệm tiền.
Giới quan sát nhận định Hàn Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng người già nghèo khổ. Cô đơn và nghèo khổ, nhiều người cao tuổi chọn cách tự tử để tự giải thoát.
Theo Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc, năm 2017 cứ 100.000 người thuộc độ tuổi 70 lại có khoảng 49 người tự tử. Con số ở nhóm người độ tuổi từ 80 trở lên là 70 người.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết tính đến năm 2015, 45,7% người Hàn trên 65 tuổi sống trong cảnh nghèo đói. Đây là tỷ cao nhất trong số các quốc gia thành viên OECD. Con số ở Nhật Bản chỉ là 19,6%.
Thống kê của Statistic Korean cho thấy có tới 58,5% người già Hàn Quốc sống dựa trên nguồn thu nhập của bản thân. Khoảng 30% vẫn phải làm việc để kiếm sống dù đã qua tuổi 65.
Hệ thống lương hưu yếu kém
Ông Kim Yu-kyung - chuyên viên cấp cao tại Viện Hàn Quốc về Sức khỏe và Xã hội - cho biết trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, người trẻ đã không còn mặn mà với truyền thống chăm sóc cha mẹ. Trong khi đó, người già lại lo sợ mình là gánh nặng của con cái, nên không muốn nhờ con chăm sóc.
Cụ Yim, 86 tuổi, cũng là một người nhặt rác giống như cụ Kim. Hai vợ chồng cụ từng nỗ lực làm việc để nuôi 5 người con, thậm chí còn cho một người đi học đại học. Sau khi đi làm, 5 người con của cụ đến sống ở những thành phố khác.
Chồng qua đời, cụ Yim lâm vào cảnh nghèo đói. Nhưng cụ thà đi nhặt rác còn hơn là nhờ con cái giúp đỡ. "Làm sao tôi có thể nhờ chúng giúp. Khi chúng còn nhỏ, vợ chồng tôi đã không thể chăm sóc cho chúng một cách đầy đủ", Channel News Asia dẫn lời cụ Yim giải thích.
Một vấn đề nữa khiến cuộc khủng hoảng người già nghèo khổ nổ ra tại Hàn Quốc là hệ thống lương hưu yếu kém của nước này. Trong bảng xếp hạng của Hệ thống Hưu trí Quốc tế Melbourne năm 2018, hệ thống lương hưu Hàn Quốc được xếp hạng D, cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.
Bằng công việc thu gom bìa và giấy vụn, người đàn ông này kiếm được 6.000 won mỗi ngày, tương đương 5,2 USD. Ảnh: Asian Nikkei. |
Ông David Anderson, chủ tịch hãng nghiên cứu Mercer đánh giá Hàn Quốc là một trong những hệ thống lương hưu yếu kém nhất trên thế giới.
Với chính sách nâng cao mức lương hưu cơ bản từ 50.000 won lên 300.000 won, Tổng thống Moon Jae-in hy vọng sẽ thu hút được nhiều lá phiếu của cư tri cao tuổi trong cuộc bầu cử năm 2022.
Tuy nhiên, trong khi các nhà lập pháp Hàn Quốc còn đang loay hoay xem xét các chính sách mới thì những người cao tuổi phải vật lộn để kiếm sống, đặc biệt là ở các tỉnh nông thôn. Tỷ lệ lệ tự tử ở người già ở những nơi này thường cao hơn so với các thành phố lớn.
Tháng trước, Thủ tướng Lee Nak-yon yêu cầu cho các thành viên trong chính phủ kết hợp với các chính quyền địa phương để để ngăn chặn các vụ tự tử của người cao tuổi.
Nhiều người Hàn Quốc bị ép nghỉ hưu sớm, những người cao tuổi cũng khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Ảnh: Asian Nikkei. |
"Người cao tuổi đang phải sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật, cô lập và bị tổn thương về tâm lý", ông nói. "Tôi nghĩ rằng cần phải giải quyết những vấn đề này để ngăn ngừa tình trạng tự tử ở người cao tuổi".
Giáo sư Lee Ho-Sun thuộc Đại học Korea Soongsil Cyber ở Seoul mô tả người già đang sống nghèo khổ ở Hàn Quốc là "thế hệ bị lãng quên". "Người già Hàn Quốc nỗ lực vì đất nước rất nhiều và không bao giờ chờ đợi đất nước làm gì cho họ. Họ chấp nhận cái khổ, nhưng điều đó giống như nuốt thuốc độc vậy", ông nhận định.
Theo giáo sư Lee, chính phủ Hàn Quốc cần nghiêm túc cải thiện hệ thống an sinh xã hội hỗ trợ người già. "Đó không phải là lời hứa, mà là nghĩa vụ của chính phủ", ông nhấn mạnh.
Nhưng tương lai đó có lẽ là quá xa vời với những người già nghèo khổ như cụ Kim, cụ Yim hay cụ Son. "Tôi sẽ tự chăm sóc bản thân cho đến khi sức cùng lực kiệt. Lúc đó, tôi sẽ rút sạch tiền tiết kiệm, đến bệnh viện và chết tại đó. Giờ tôi chỉ có thể nghĩ đến chuyện đó", cụ Kim tâm sự.