Bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon-ho - đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019 và đang gây sốt tại Việt Nam - đã phơi bày khoảng cách giàu nghèo khủng khiếp tại Hàn Quốc.
Vậy giới siêu giàu Hàn Quốc giàu đến mức nào? Tháng 3/2019, tạp chí Hồ Nhuận của Trung Quốc công bố bảng xếp hạng các tỉ phú của thế giới năm 2019. Báo cáo cho thấy tính đến hết tháng 1/2019, trong 2.470 tỷ phú USD của thế giới có 36 là người Hàn Quốc, tăng 3 người so với năm ngoái.
Con số này đã đưa Hàn Quốc lên vị trí số 14 trong bảng xếp hạng các quốc gia có nhiều tỷ phú nhất trên thế giới, tăng một bậc so với năm 2018.
Xếp đầu danh sách các tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc là ông Lee Kun-hee, Chủ tịch Tập đoàn Samsung, với khối tài sản trị giá 16,9 tỷ USD. Ông đứng thứ 65 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.
Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong đứng thứ 184 với khối tài sản 8,6 tỷ USD. Ông Seo Jung-jin, Chủ tịch Tập đoàn Celtrion, đứng thứ 189 với khối tài sản trị giá 8,5 tỷ USD.
Ông Lee Kun-hee là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản lên đến 16,9 tỷ USD tính đến tháng 6/2019. Ảnh: AP. |
Trong số 36 vị tỷ phú USD người Hàn Quốc, có 6 người mới góp mặt trong danh sách tỷ phú toàn cầu.
The Korea Times đưa tin theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, tính đến năm 2018 có 14 nhà tài phiệt nước này kiếm được hơn 1 tỷ won, tương đương 930.000 USD, mỗi tháng.
Người đứng đầu trong danh sách có thu nhập mỗi tháng hơn 2,7 tỷ won (hơn 2,5 triệu USD), cao gấp 810 lần so với mức lương trung bình hàng tháng của người dân đất nước Hàn Quốc.
Theo Chosun Ilbo, hầu hết người trong có mặt trong top 14 này đều là chủ sở hữu của các tập đoàn hoặc doanh nhân tầm cỡ.
Số lượng cá nhân có mặt trong danh sách này đã tăng gấp ba so với một năm trước đó. Điều này cho thấy khoảng cách về thu nhập của Hàn Quốc đang tăng dần qua từng năm. Lương của người có thu nhập ở mức thấp đến trung bình gần như chững lại, nhưng lương của người có thu nhập cao thì tăng lên.
Theo Statistics Korea, chỉ số Gini tại Hàn Quốc năm 2017 là 0,357, tăng 0,003 so với năm trước. Chỉ số này là thước đo phổ biến nhất cho tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Chỉ số Gini bằng 0 biểu hiện sự bình đẳng tuyệt đối về thu nhập, trong khi sự bất bình đẳng cao ở mức tối đa nếu Gini bằng 1.