Người dân Hàn Quốc từng đặt nhiều kỳ vọng vào Olympic Tokyo. Họ coi đây là cơ hội để thể hiện hình ảnh đẹp của Hàn Quốc trên trường quốc tế, nâng cao tinh thần dân tộc và cải thiện quan hệ với nước láng giềng Nhật Bản. Tuy vậy, kỳ Thế vận hội này dường như đem đến nhiều thất vọng cho người Hàn.
Olympic Tokyo là kỳ Thế vận hội đầu tiên đoàn Hàn Quốc không giành được huy chương vàng ở bộ môn taekwondo, môn võ cổ truyền của chính quốc gia Đông Bắc Á này.
Tại Olympic Rio 2016, taekwondo Hàn Quốc đứng nhất toàn đoàn với 2 huy chương vàng và 3 huy chương đồng. Tại Tokyo, Hàn Quốc chỉ xếp thứ 9 với một huy chương bạc và 2 huy chương đồng.
Các vận động viên Hàn Quốc cũng thể hiện không tốt ở bộ môn bắn súng, một trong những thế mạnh của thể thao nước này. Họ chỉ giành được một huy chương bạc, thành tích tồi tệ nhất kể từ năm 2000.
Thế nhưng, thành tích chỉ là một phần nhỏ của vấn đề.
Rắc rối từ đài truyền hình
Rắc rối của Hàn Quốc đến ngay từ lễ khai mạc Olympic hôm 23/7. Khi trực tiếp buổi lễ, đài truyền hình MBC của nước này sử dụng hình ảnh không phù hợp để minh họa cho các quốc gia tham dự Thế vận hội.
Đài truyền hình này gọi Syria là “đất nước giàu tài nguyên, nội chiến xảy ra 10 năm qua”. Với Ukraine, MBC chiếu hình ảnh Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986. Trong khi đó, MBC gọi quần đảo Marshall là “nơi từng là bãi thử hạt nhân của Mỹ”.
Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc sử dụng hình ảnh thành phố Chernobyl để minh họa cho Ukraine. Ảnh: Korea Times. |
Khi đoàn Haiti diễu hành qua sân vận động, MBC chiếu hình ảnh người dân nước này biểu tình sau cái chết của Tổng thống Jovenel Moise cùng dòng chữ “tình hình chính trị trở nên mù mịt sau vụ ám sát tổng thống”.
Với Romania, MBC giới thiệu hình ảnh ác quỷ Dracula. Với El Salvador, đất nước hợp pháp hóa đồng Bitcoin, MBC sử dụng đồng tiền điện tử này để minh họa.
Ý định ban đầu của MBC chỉ là cung cấp thêm kiến thức cho công chúng về những quốc gia khác trên thế giới. Tuy vậy, phương pháp của đài truyền hình này bị khán giả Hàn Quốc và quốc tế phản đối gay gắt.
Trước làn sóng chỉ trích, MBC phải công khai xin lỗi. “Chúng tôi xin lỗi các quốc gia có liên quan và khán giả. MBC sử dụng những hình ảnh và chú thích không phù hợp để giới thiệu một số quốc gia trong lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo vào ngày 23/7”, MBC thông báo. “Chúng tôi thừa nhận thông tin về các quốc gia liên quan đã được đưa ra trong sự thiếu cân nhắc và chưa được kiểm tra kỹ lưỡng”.
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, sự cố của đài MBC không chỉ là vấn đề riêng lẻ. Vụ việc này thể hiện sự thiếu hiểu biết về thế giới bên ngoài.
“Sự thiếu nhạy cảm của MBC thể hiện khuyết điểm của xã hội Hàn Quốc”, ông Jang Sung-kwan, nhà nghiên cứu tại Đại học Boston, nói. “Các đài truyền hình có thể khiến các định kiến và hiểu lầm của công chúng gia tăng. Do đó, họ phải chịu trách nhiệm và cần tuân theo tiêu chuẩn cao hơn".
Tranh cãi bên lề và hình ảnh xấu xí
Bên cạnh sự cố xảy ra với đài MBC, mái tóc của nữ cung thủ An San cũng làm bộc lộ vấn đề nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc: thói gia trưởng và chủ nghĩa trọng nam khinh nữ.
Tại Olympic Tokyo, An San giành 3 huy chương vàng ở các nội dung cá nhân, đồng đội nữ và đôi nam nữ. Tuy vậy, một số người dùng mạng xã hội nước này chỉ chú ý đến mái tóc ngắn của cô.
Mái tóc ngắn của An San bị một số người Hàn Quốc miệt thị. Ảnh: Marca. |
Họ coi đây là biểu hiện của “chủ nghĩa nữ quyền”. Một số người còn yêu cầu An San xin lỗi hay đòi tước huy chương của cô.
Theo New York Times, các thành viên đội tuyển bắn súng và bóng chuyền Hàn Quốc với mái tóc ngắn cũng bị tấn công tương tự.
“Các nhân vật nổi tiếng thường bị tấn công bởi những đối tượng chống nữ quyền tại Hàn Quốc. An San trở thành tâm điểm công kích do thành công của cô tại Olympic”, giáo sư Lee Won Jae, chuyên gia về mạng xã hội tại Hàn Quốc, nói.
Những hình ảnh gây tranh cãi của Hàn Quốc tại Olympic năm nay không chỉ đến từ đài truyền hình hay những người chống nữ quyền, mà còn đến từ chính các vận động viên đến Tokyo tranh tài.
Hôm 31/7, vận động viên bắn súng Jin Jong Oh, người từng giành 4 huy chương vàng Olympic, phải lên tiếng xin lỗi sau khi gọi xạ thủ Javad Foroughi của Iran là “khủng bố”.
Trước đó, sau khi Javad Foroughi giành huy chương vàng Olympic ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nam, Jin Jong Oh chỉ trích Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vì “cho phép một phần tử khủng bố giành được vị trí cao nhất tại Thế vận hội”. Ở nội dung này, Jin Jong Oh chỉ xếp thứ 15.
Bình luận của Jin Jong Oh đến từ việc xạ thủ Foroughi là thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, lực lượng bị Mỹ coi là “khủng bố”.
Tuyển thủ bóng đá nam Lee Dong Gyeong cũng để lại hình ảnh không đẹp khi từ chối bắt tay tuyển thủ Chris Wood của Olympic New Zealand sau thất bại bất ngờ 0-1 ở trận ra quân, dù Chris Wood chủ động đưa tay. Hành động của anh bị nhiều tờ báo New Zealand chỉ trích là “coi thường đối thủ”.
Đoàn thể thao Hàn Quốc cũng gây tranh cãi khi treo biểu ngữ liên tưởng đến trận chiến giữa Triều Tiên và Nhật Bản ở thế kỷ 16. Các biểu ngữ này bị tháo bỏ theo yêu cầu của IOC.
Đoàn Hàn Quốc phải gỡ bỏ một số biểu ngữ gây tranh cãi ở làng vận động viên. Ảnh: Reuters. |
Thất vọng về ngoại giao
Olympic Tokyo từng được kỳ vọng là cơ hội để Hàn Quốc hàn gắn mối quan hệ với Nhật Bản. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In từng lên kế hoạch tham dự lễ khai mạc Olympic và có cuộc gặp “phá băng” với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bên lề sự kiện.
Tuy vậy, kế hoạch này đã đổ vỡ hoàn toàn. Chỉ vài ngày trước lễ khai mạc, phủ tổng thống Hàn Quốc tuyên bố ông Moon sẽ không đến Tokyo do “hai bên không tìm được tiếng nói chung đủ để tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo”.
Quyết định của ông Moon được đưa ra ngay sau bình luận được cho là “thô tục” của Phó đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Hirohisa Soma. Ông Soma tuyên bố Tổng thống Moon đang “tự sướng” khi hy vọng tổ chức hội đàm với Thủ tướng Suga.
"Tổng thống Moon chắc đang tự sướng. Chính phủ Nhật Bản không có thời gian để lo về quan hệ Nhật - Hàn như mong đợi của Hàn Quốc", ông Soma nói.
Phát biểu của ông Soma gây nên làn sóng phẫn nộ tại hàn Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong Kun triệu tập Đại sứ Koichi Aiboshi để phản đối tuyên bố “phi ngoại giao và thô tục” của ông Soma.
Sau phát biểu này, ông Soma bị khiển trách và triệu hồi về nước. Bản thân ông cũng phải xin lỗi. Thủ tướng Suga bày tỏ hy vọng “tiếp tục giao thiệp” với chính phủ Hàn Quốc để khôi phục mối quan hệ tốt giữa hai nước, cũng như chỉ trích tuyên bố của ông Soma”.
Kế hoạch thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bị hủy bỏ chỉ vài ngày trước lễ khai mạc Olympic. Ảnh: Japan Times. |
Tuy vậy, những hành động của Nhật Bản không đủ để cứu vãn chuyến thăm của ông Moon. Đoàn đại biểu Hàn Quốc tham dự lễ khai mạc Olympic chỉ được dẫn đầu bởi Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hwang Hee.
Giới chuyên gia đánh giá nguyên nhân quan hệ Hàn - Nhật chưa thể cải thiện đến từ cả hai nước.
“Chính quyền của ông Moon chưa thể có những bước tiến đủ lớn trong nước trong giải quyết các thách thức về pháp lý và lịch sử đến ngoại giao. Trong khi đó, chính quyền của ông Suga không dành đủ ưu tiên cho Hàn Quốc, thậm chí có hành động thô lỗ”, giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha, Seoul, nhận định.