Nhà thơ Quang Dũng. |
Những năm 1970, tôi thường đến Nhà xuất bản Văn học ở 49 Trần Hưng Đạo, trước hết tôi là cộng tác viên, sau đó vì tôi có người bạn từ thời học sinh miền Nam là nhà văn Hoàng Lại Giang đang là biên tập viên ở đây.
Một hôm, tôi và Lại Giang đang ngồi ở phòng khách thì một người to cao vạm vỡ, mặt có nét lai Tây bước vào. Bạn tôi giới thiệu đó là nhà thơ Quang Dũng. Ôi, cái tên Quang Dũng gắn với bài Tây Tiến. Tôi chào anh với sự khâm phục, mến mộ. Chúng tôi quen nhau từ đó, đến nay cũng đã 50 năm có hơn. Quang Dũng sống rất thân tình, chân thật, anh vẫn luôn có một nét buồn nếu không muốn nói nốt trầm hiện trong anh.
Nhà văn nhưng chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi của một biên tập viên để nuôi 7 người con thì quả là rất khó khăn. Anh phải vẽ thêm bìa sách, minh họa cho các báo để có thêm đồng ra đồng vô. Anh sống rất tằn tiện và khó khổ. Biết vậy tôi và Lại Giang thường rủ anh uống bia tươi vỉa hè với lạc luộc (đậu phộng luộc).
Tôi nhớ lần đó, tôi nhận được nhuận bút có bài in chung trong tác phẩm “Đất và nước” của Nhà xuất bản Văn học, tôi rủ anh và Lại Giang đi ăn thịt cầy bảy món. Những ngày bao cấp ấy, mỗi cán bộ một tháng chỉ mua được ba trăm gơ-ram thịt (có tem phiếu), các hàng quán, món thịt nhiều đạm và dễ kiếm nhất là thịt cầy. Tôi định mời ra phố Huế, nhưng Quang Dũng gợi ý nên lên đê Yên Phụ, vì ở đó nhiều quán ngon và rẻ. Ba chúng tôi lóc cóc đạp xe lên phố đê. Thời tiết đầu đông se se lạnh, từng ngọn gió bấc khe khẽ luồn vào các ngách áo và ngắt véo thân thể. Lạnh và buốt. Đúng là cả dãy ven đê các quán thịt cầy san sát nhau chạy dài từ cuối chợ hoa, có đến vài cây số. Hôm ấy khi có chút rượu vào tôi mạo muội hỏi Quang Dũng một câu:
- Anh có viết được gì không?
- Làm viết sao được? Anh lắc đầu: Viết theo rung động của trái tim lúc này là có chuyện, tôi đã viết và đã đốt. Làm thơ mà không rung cảm thì không còn là thơ, nó chỉ là hô khẩu hiệu theo kiểu ghép vần.
Một dịp khác, theo đề nghị của bác Nguyễn Tạo một nhà cách mạng vào Đảng từ khi Đảng mới ra đời năm 1930, ngày đó bác là Tổng cục trưởng Lâm Nghiệp, trực thuộc Chính phủ ngang Bộ trưởng. Bác Tạo cũng là Nhà văn. Bác bảo tôi mời một số nhà Văn nhà Thơ cuối tuần vào thăm rừng Cúc Phương vừa được công nhận là vườn Quốc gia (National Park) và tôi đã tổ chức được ba, bốn chuyến cho nhà văn, nhà báo vào đây. Giữa đất Ninh Bình của mùa hè nóng rát nhưng vào giữa rừng Cúc Phương thì mát mẻ vô cùng. Quang Dũng đi trong nhóm nhà xuất bản. Anh thích thú. Có lẽ là dịp hiếm hoi tôi thấy anh vui.
Tối đến ngồi trong nhà sàn uống trà, nhấm rượu với cá suối khô, Quang Dũng thốt lên: “Lâu lắm giờ tôi mới được ở giữa rừng, nhớ ngày xưa quá”. Cái ngày xưa ấy là những năm kháng chiến chống Pháp, những năm trong đoàn quân “Tây Tiến” của anh, những năm anh làm Đại đội trưởng của Trung đoàn 52 Tây Tiến, những năm anh làm Trưởng ban tuyên huấn của Trung đoàn rồi Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu 3. Trong những năm tháng đó anh sáng tác thơ, viết kịch, viết truyện ngắn. Anh còn là họa sĩ vẽ tranh sơn dầu, sáng tác cả nhạc… quả là một văn nghệ sĩ đa tài. Quang Dũng đã có nhiều thơ nổi tiếng như: Tây Tiến, Mùa hoa gạo, Rừng về xuôi, Đôi bờ, Mây đầu ô, Mắt người Sơn Tây…
Biết tôi là người đã có nhiều bài ký viết về sông Hồng, sông Đà, anh đọc cho tôi nghe Bài thơ sông Hồng của anh. Tôi cảm ơn anh và hỏi anh về bối cảnh viết bài thơ “Tây Tiến”. Anh nói ngay: “Hồn thơ nó ngấm trên đường hành quân, xúc cảm, rung động với thực tế, đêm dừng chân tôi viết một mạch, sáng ra đọc cho mọi người nghe, được hoan nghênh. Nghĩ sao viết vậy thôi”. Đúng là văn là người, thơ là người. Thơ của anh chân thật, gần gũi nhưng cũng rất hình ảnh, dễ xúc động lòng người.
Năm 1973, tôi đi công tác đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ở Paris về, có chai rượu ngon. Tôi mời riêng anh xuống chơi với tôi ở khu tập thể Trương Định. Chiều đó, anh đạp xe đến. Tôi mời anh lên gác nơi góc văn của tôi, chỉ hai anh em. Tôi nhỏ hơn anh gần 20 tuổi nhưng anh vẫn không chịu gọi ngôi khác. Anh nói: “Trong chống Pháp ông với tôi là lính cụ Hồ, là đồng đội, giờ lại ở chung trong làng viết lách thì gọi thế là đúng”, và ông buộc tôi gọi bằng anh.
Tôi lấy chai Whisky mang ở Paris về tặng anh. Tôi nói: chai này là quà tặng anh, còn hôm nay mình nhâm nhi “Cuốc lủi” (loại rượu gạo dân gian). Anh cầm chai rượu cảm động thể hiện rõ trên nét mặt. Im lặng một chút anh nói: “Này, tôi có một đề nghị. Chai rượu này quý lắm, nếu tôi xách về, vợ tôi sẽ đem bán và nhà được vài bữa tươi, nhưng nó là rượu tình, rượu nghĩa ông xách từ Paris về, bán thì xót lắm. Tôi đề nghị ta khui chai này, còn chai “Cuốc lủi” ông cho tôi mang về”. Tôi gật đầu đồng ý mà lòng rung cảm thương anh, thương cái tình chân thật của anh, thương cái nghèo, cái khó đang theo anh.
Khi tôi mở chai rượu thì anh lấy từ cái túi vải có hai quai anh vẫn xách theo một gói bằng giấy báo, bên trong bọc lá chuối, mở ra là đậu phộng luộc. Anh nói: “Tôi biết ông có mồi rồi, nhưng cái món lạc luộc này, nó có hồn dân tộc, tôi thích lắm!”. Chúng tôi vừa nhâm nhi vừa trò chuyện.
[...]
Sau này khi đất nước đổi mới, Quang Dũng là một trong những nhà văn được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm văn học nghệ thuật đợt đầu tiên. Và bài thơ Tây Tiến của anh được tạc trong cụm tượng đài kỉ niệm đoàn quân Tây Tiến.