Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kỷ nguyên mới cho Messi và PSG

Thương vụ bom tấn mang tên Lionel Messi giúp PSG cải thiện đội hình và giúp đội bóng này có tầm vóc lớn hơn.

Bình luận

messi den psg anh 1

Vào thời điểm máy bay hạ cánh xuống Le Bourget, đám đông cổ động viên Paris Saint-Germain háo hức chờ đợi Lionel Messi bước xuống cầu thang. Khi tiền đạo người Argentina xuất hiện trong chiếc áo phông trắng mang dòng chữ “Ici, C'est Paris” và nở nụ cười có phần hơi ngượng ngùng, những người Pháp mới tin PSG đã có trong tay siêu sao mà họ mong ngóng từ lâu.

Đây không phải là lần đầu tiên Paris Saint-Germain gây sốc cho thế giới bóng đá. Họ vẫn đang nắm giữ kỷ lục về số tiền chi ra cho một cầu thủ khi mang Neymar từ chính Barcelona về Parc des Princes với mức phí 222 triệu euro, nhưng Lionel Messi vẫn là điều thực sự đặc biệt.

Sức hút của Messi

Khi Messi bước xuống sân bay và chuẩn bị tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe, chắc chắn anh có cảm giác mình đang được đối xử giống như nhân vật đặc biệt quan trọng. Một hàng xe bảo vệ ở phía trước và phía sau, hàng chục nhân viên an ninh làm nhiệm vụ dẹp đường trong khi phía ngoài sân vận động, nhiều cổ động viên đang mở tiệc ăn mừng.

Có thể thấy rõ sức hấp dẫn của chủ nhân 6 Quả bóng Vàng và được thừa nhận là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá. Nhưng hơn hết, PSG đang làm tất cả để cho thấy, họ hướng tới kỷ nguyên mới cho CLB và cho cả bóng đá Pháp khi có trong tay ngôi sao người Argentina.

Barcelona vẫn chưa chịu buông xuôi. Rất nhiều cules vẫn hy vọng vào phép màu dù nó đã không còn tồn tại nữa. Nhóm luật sư của một hiệp hội cổ động viên Barca đang ráo riết tập hợp thông tin để gửi tới Tòa án phúc thẩm và thậm chí là Ủy ban châu Âu để tìm cách hủy bỏ thương vụ này.

messi den psg anh 2

Cổ động viên PSG phấn khích trong ngày Messi đặt chân đến Paris với tư cách là tân binh đội bóng. Ảnh: Reuters.

Lý do được đưa ra đó là PSG đang vi phạm một cách thô bạo Luật Công bằng Tài chính và việc chiêu mộ Messi càng làm cho sự vi phạm này trắng trợn hơn. Nếu Barca phải chi 54% doanh thu mỗi năm cho quỹ lương, con số này của PSG là 99% trong mùa giải 2020/21, nghĩa là gần như toàn bộ số tiền mà đội bóng Pháp kiếm được đều dồn hết để chi cho cầu thủ.

Mùa giải vừa qua, PSG được thông báo khoản lỗ 204 triệu euro, còn mùa trước là 125 triệu euro. Như vậy, chỉ trong 2 mùa gần nhất, lỗ lũy kế của PSG đã vượt quá 300 triệu euro. Thế nhưng, họ đã làm gì trên thị trường chuyển nhượng?

Đầu tiên là Achraf Hakimi từ Inter với mức phí 60 triệu euro và có điều khoản lên tối đa thêm 11 triệu euro. Kế đến là một loạt thương vụ miễn phí, nhưng mức lương “khủng” như Sergio Ramos từ Real, Gianluigi Donnarumma từ Milan và Georginio Wijnaldum từ Liverpool.

Bây giờ đến lượt Messi, người được công bố sẽ ngốn của PSG khoảng 35-40 triệu euro tiền lương sau thuế. Rõ ràng, các cules có lý do để chỉ trích tính minh bạch của Luật Công bằng Tài chính và liệu PSG có được hưởng “ngoại lệ” trong trường hợp này không, nhất là khi đội bóng Pháp đang nhận được cảm tình của UEFA sau khi cùng với Bayern Munich không chịu “hùa” theo nhóm CLB đòi thành lập Super League.

Tất nhiên, việc các cules không chịu buông xuôi là điều dễ hiểu. Họ chưa muốn chấp nhận chân sút số một lịch sử của mình đã ra đi trong cuộc “ly hôn” gây quá nhiều tranh cãi.

Rào cản tài chính

Ngay cả khi họ kiện thắng, thì Messi cũng không thể tái hợp với Barca bởi lẽ quỹ lương của CLB đã ở mức cận kề giới hạn. Nếu ký hợp đồng với Messi, Barca sẽ phải chi 115% định mức mà La Liga cho phép, trong khi có rất ít cầu thủ ở Camp Nou đồng ý giảm lương để giúp đỡ CLB trong cơn khó khăn này.

Dù Messi có yêu Barca đến mấy, anh cũng chỉ có thể hạ mức lương xuống 50% so với bản hợp đồng trước đó bởi lẽ La Liga đã quy định rõ, mức lương mới của một cầu thủ tối thiểu phải bằng một nửa mức lương cũ, để tránh trường hợp các đội bóng lách luật. Đúng như Messi nói, anh đã làm những gì có thể để giúp Barca.

Chỉ có điều, nhiều cules vẫn chưa hiểu tại sao PSG làm được việc mà Barca không thể làm. Nguyên nhân đến từ chính sách của 2 giải đấu khác nhau.

messi den psg anh 3

Messi muốn ở lại Barca, nhưng rào cản tài chính khiến anh buộc phải rời sân Camp Nou sau 21 năm. Ảnh: Getty.

Ở La Liga, kể từ năm 2008, khi cuộc khủng hoảng về tài chính ảnh hưởng sâu sắc tới các đội bóng, ban tổ chức đã quyết định đưa ra kế hoạch về giới hạn quỹ lương, theo đó mỗi CLB không được chi vượt quá một ngưỡng nhất định so với doanh thu của mình.

Barcelona luôn tuân thủ quy định ấy, chỉ có điều các khoản nợ tích lũy của họ từ những vụ mua đắt bán rẻ và sự sụt giảm doanh thu do đại dịch Covid-19 đã khiến con số đó tăng lên hơn 1 tỷ euro. Biên chế lương hiện tại của Barca quá lớn, vượt quá 115% giới hạn mà La Liga quy định, do đó họ đành bất lực để mất Messi.

PSG không như thế. Việc kiểm soát tài chính ở Ligue 1 không diễn ra lúc đầu mùa mà ở cuối mùa giải. Do đó, PSG không cần lo về khoản nợ tiếp theo mà họ phải gánh khi ký hợp đồng với Messi. Ở mùa giải trước, số lỗ khổng lồ của PSG được các cổ đông người Qatar lo liệu và DNCG (tổ chức giám sát tài chính các CLB chuyên nghiệp Pháp) đã thông qua bản báo cáo tài chính của họ. Vì vậy, việc PSG có ký với Messi hay thậm chí bỏ thêm 50 triệu euro nữa để chiêu mộ Pogba cũng sẽ không bị DNCG ngăn cản.

Trên thực tế, PSG đã tính toán rất kỹ lưỡng thương vụ này nhằm vượt qua được quy định của Luật Công bằng Tài chính cũng như các kiểm toán viên của DNCG ở cuối mùa giải 2021/22. Messi là siêu sao hàng đầu thế giới và được hâm mộ ở mức độ toàn cầu. Đội bóng Pháp thừa hiểu giá trị thương mại của cầu thủ người Argentina lớn đến thế nào.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, chắc chắn sân Parc des Princes sẽ luôn chật kín khán giả để xem Messi, cùng với Neymar và Mbappe, trình diễn. Song sự hiện diện của Messi còn được chờ đợi hơn thế. Với anh trong đội hình, PSG có thể dễ dàng đàm phán những bản hợp đồng tài trợ và quảng cáo với giá trị cao hơn hiện tại rất nhiều.

Real Madrid hay Manchester United luôn có những bản hợp đồng hơn 80 triệu euro mỗi mùa, vậy PSG với Messi cũng hoàn toàn có khả năng đạt tới con số ấy. Năm 2022, hợp đồng của đội bóng với Tập đoàn khách sạn Accor sẽ kết thúc và đây là thời điểm thích hợp để PSG đàm phán tiếp với yêu cầu chắc chắn là lớn hơn những gì họ đã nhận.

Thêm vào đó, cuối mùa giải này, số tiền mà PSG chi ra để có Neymar và Mbappe sẽ được khấu trừ hoàn toàn trong sổ sách. Con số 222 triệu euro mua Neymar được phân bố đều trong 5 năm tài chính. Với Mbappe, 180 triệu euro chia ra trong 4 năm. Tức là sau khi mùa 2021/22 kết thúc, bản báo cáo tài chính của PSG bỗng chốc được giảm đi khoản chi lên tới gần 90 triệu euro.

Bước ngoặt

Messi đến Paris và đó là sự khởi đầu cho kỷ nguyên mới của chính PSG lẫn bóng đá Pháp.

Chúng ta đều biết so với 4 giải vô địch quốc gia của Anh, Tây Ban Nha, Italy và Đức, Ligue 1 chỉ đáng xếp hạng 2. Trong khi các CLB ở 4 giải đấu kia thống trị Champions League, thì người Pháp mới chỉ 1 lần chứng kiến đội bóng của mình đăng quang và nó đã cách xa gần 30 năm.

Việc xếp Ligue 1 vào top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu thực ra không hẳn dựa vào thực lực lẫn thành tích quá khứ. Ngay cả cách UEFA phân bổ suất dự Champions League cũng nói rõ sự cách biệt này. Trong khi 4 giải kia có 4 suất “cứng” ở vòng bảng, Ligue 1 chỉ được phép có 2 suất rưỡi (đội xếp thứ 3 đá sơ loại).

messi den psg anh 4

Có Messi trong tay, HLV Mauricio Pochettino sẽ tự tin hơn trong việc chinh phục Champions League. Ảnh: Getty.

Mùa giải vừa qua, Ligue 1 tiếp tục chịu đòn đau khi sự quan tâm của công chúng nội địa với giải đấu giảm đi đáng kể. Nhưng khi Messi đến, các cổ động viên sẽ quay trở lại trước màn hình tivi và khiến bản quyền truyền hình tăng lên kèm theo những khoản tài trợ mới.

Còn đối với PSG, sau sự sụp đổ thỏa thuận trị giá hơn 900 triệu USD với Mediapro cùng một loạt biến động khác, giá trị của CLB đã tụt dốc rất nhiều. Nhưng sự xuất hiện của Messi thay đổi mọi thứ.

Công ty Turnstile ước tính PSG sẽ tăng trưởng ít nhất 20% số lượng cổ động viên và giá trị tài trợ trong tương lai gần. Đó mới chỉ là con số dự báo chưa chính xác, bởi chỉ cần nhìn vào việc Barca đang gánh chịu vô số tác động kinh tế từ việc mất Messi, chúng ta cũng đủ hiểu tầm quan trọng của ngôi sao người Argentina đối với đội bóng là nhiều đến thế nào.

Chỉ tính doanh thu thương mại, Barca có nguy cơ mất khoảng 82 triệu euro, cộng với khoảng 15 triệu euro khác từ bán vé và hơn 40 triệu nữa từ bán trang phục, đội bóng Tây Ban Nha coi như giảm hơn 130 triệu euro tổng doanh thu mỗi mùa.

Tuy nhiên, tác động lớn nhất mà PSG và người Pháp mong chờ chính là ở trên sân cỏ. CLB mong muốn giành chiến thắng ở Champions League mà Messi là ông vua tại giải đấu này với 4 lần đăng quang và vô số các kỷ lục ghi bàn.

Messi đến Paris kéo theo sự hưng phấn của nhiều ngôi sao PSG khác và tất cả đều tin tưởng vào sức mạnh của đội bóng. Cùng với Neymar và Mbappe, tiền đạo người Argentina sẽ tạo thành hàng tấn công đáng sợ nhất thế giới đương đại. Sẽ không ngoa khi nói PSG đang tiến gần tới khái niệm một “siêu câu lạc bộ” khi sở hữu những cầu thủ hay nhất ở các vị trí.

Ngày Messi tới Paris, HLV Pochettino đã nói một cách vui vẻ: “Chẳng ai không muốn có cầu thủ hay nhất thế giới trong đội hình”. Và khi có trong tay cầu thủ đóng góp trung bình 1,25 bàn thắng mỗi trận, PSG hiểu họ coi như dẫn đối thủ 1-0 ngay từ phút đầu tiên.

PSG dựng phối cảnh tranh Messi ở bảo tàng Louvre Đội ngũ truyền thông của Paris Saint-Germain so sánh Lionel Messi như kiệt tác nghệ thuật đương đại mà câu lạc bộ thủ đô nước Pháp vừa sở hữu.

Doanh thu bán áo của Barca giảm mạnh khi Messi ra đi

Sau khi Messi tới PSG, áo đấu in tên anh ở tất cả cửa hàng bán áo đấu của Barca đã biến mất khỏi kệ.

Những bộ ba tiền đạo đình đám có mặt Messi

Trong sự nghiệp, Lionel Messi có nhiều năm tháng thi đấu với những đồng đội đẳng cấp, tạo ra bộ ba tấn công chất lượng.

Vũ Hoàng

Bạn có thể quan tâm