Các nhà đầu tư không còn ưu tiên những khoản lợi nhuận dài hạn trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới đang tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay. Một số chuyên gia trong ngành đang dự báo giá dầu thô sẽ đạt mức 100 USD/ thùng trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu mỏ tại Mỹ đang thực hiện những mục tiêu ngắn hạn và tìm cách trả cho nhà đầu tư càng nhiều tiền càng tốt.
Các cổ đông trong những công ty dầu mỏ của Mỹ đã thu về khoản tiền trị giá 128 tỷ USD vào năm 2022. Con số này đạt được mức cao như vậy là vì sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu cũng như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá nguyên liệu tăng cao.
Ngoài ra, một lý do khác xuất phát từ sự ưu tiên của Phố Wall đối với mức lợi nhuận ngày càng lớn. Việc tìm kiếm nguồn dự trữ dầu thô chưa được khai thác đã không còn là yếu tố tiên quyết được đặt lên hàng đầu.
Các giám đốc điều hành công ty dầu mỏ giờ đây đang chịu áp lực trả tiền cho các nhà đầu tư, những người ngày càng tin rằng “hoàng hôn” của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch đang cận kề.
Theo tính toán của Bloomberg, lần đầu tiên sau ít nhất một thập kỷ, các công ty khai thác dầu của Mỹ đã dành nhiều tiền hơn cho việc mua lại cổ phần và cổ tức, thay vì các dự án vốn.
Tổng khoản tiền chi trả trị giá 128 tỷ USD của 26 công ty cũng là mức cao nhất kể từ năm 2012. Điều này xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden thất bại trong việc kêu gọi những ông lớn ngành công nghiệp dầu mỏ nâng sản lượng và giảm giá nhiên liệu.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là mối lo ngại của nhà đầu tư khi họ cho rằng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch có thể đạt đỉnh vào năm 2030. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới các siêu dự án trị giá hàng tỷ USD, đây là những khoản đầu tư phải mất hàng thập kỷ để thu về lợi nhuận đầy đủ.
“Cộng đồng các nhà đầu tư muốn có tiền thông qua việc mua lại cổ phần và chia cổ tức để 'rót' vốn vào những nơi khác. Các công ty buộc phải đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư muốn nếu muốn tiếp tục hoạt động”, tỷ phú John Arnold chia sẻ với Bloomberg.
Theo Evercore ISI, các khoản đầu tư toàn cầu vào nguồn cung dầu và khí đốt mới sẽ không đạt mức tối thiểu cần thiết là 140 tỷ USD trong năm nay.
Các nhà khai thác dầu mỏ cũng đang phải vật lộn với những khoản chi phí cao hơn, năng suất sản xuất thấp hơn và nhiều danh mục đầu tư bị thu hẹp.
Chevron và Pioneer Natural Resources là hai doanh nghiệp dầu mỏ phải sắp xếp lại các kế hoạch khai thác sau khi kết quả thu được từ các giếng khoan không như dự kiến. Không chỉ vậy, theo bà Janette Marx, CEO của Airswift, chi phí lao động trong ngành cũng đang tăng lên.
Ông Dan Yergin, Phó chủ tịch của S&P Global, nhận định rằng nhu cầu, thay vì các tác nhân bên cung như OPEC, sẽ là yếu tố chính tác động đến giá dầu trong năm nay.
“Giá dầu sẽ được quyết định bởi ông Jerome Powell và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, ông Dan Yergin chia sẻ.
Ông Dan Yergin cho rằng mức lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc sẽ đẩy nhu cầu của thị trường lên mức 102 triệu thùng/ngày.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.