Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỷ luật - phẩm hạnh của người xứng đáng

Thi hành kỷ luật không chắc giúp bạn đến đích sớm, nhưng nếu bạn vô kỷ luật, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ đến đích.

“Người biết điều tiết bản thân luôn đứng vào thế trung dung giữa những lạc thú. Anh không thích những niềm vui của kẻ vô kỷ luật hay những lạc thú sai trái, và anh cũng không sa đà vào tận hưởng lạc thú. Nếu không có niềm vui, anh không sầu khổ cũng không thèm khát chúng, mà anh hưởng chúng một cách điều độ, không quá nhiều, không vào lúc chưa thích hợp và không theo cách không phù hợp. Đối với những niềm vui giúp ích cho sức khỏe và thể chất, anh sẽ theo đuổi chúng một cách điều độ và bằng những cách phù hợp… Kẻ nào quay mặt với những giới hạn này tức là đã xem trọng quá đáng giá trị của những lạc thú đó, nhưng người biết điều tiết bản thân thì không như vậy”.

Trên đây là trích đoạn trong tác phẩm Đạo đức học dành tặng Nicomachus (Nichomachean Ethics) của triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle. Chúng ta có thể thấy rõ cách Aristotle miêu tả lối sống của một con người có kỷ luật. Theo trích đoạn trên, một người có kỷ luật luôn phải chọn vị trí cân bằng và trung dung giữa những lạc thú của cuộc đời, kể cả những việc được xem là tốt như “những niềm vui giúp ích cho sức khỏe và thể chất”.

Kỷ luật trong những thói quen hàng ngày

Nhiều năm sau thời của Aristotle, nhân loại không ngừng nghiên cứu và nói về tầm quan trọng của khái niệm kỷ luật trong đời sống của mỗi chúng ta. Từ nhỏ đến lớn, từ trong gia đình ra ngoài xã hội, ta đều nghe thấy hai chữ này từ miệng của cha mẹ, thầy cô, sếp và vợ.

ky luat trong doi song anh 1

Kỷ luật là phẩm chất của người chuyên nghiệp.

Suy cho cùng, những bậc thông thái từng xuất hiện trong lịch sử loài người, từ Plato thời cổ đại đến Freud thời cận đại, đều không hẹn mà gặp khi ca ngợi tầm quan trọng của kỷ luật trong đời sống con người. Với Plato, thầy của Aristotle, thì kiếp người chẳng qua là cuộc tranh đấu bất tận giữa ham muốn và lý trí, nên ta cần làm chủ bản thân để đạt được trạng thái tốt nhất. Còn Freud thì gợi ý rằng làm chủ bản thân (self-control) là phẩm chất thiết yếu của một đời sống văn minh.

Vậy câu hỏi đáng giá “triệu đô” là: Kỷ luật là gì?

Và tại sao ta cần phải có kỷ luật trong đời sống?

Bây giờ, nếu ai đó bắt bạn mỗi ngày dành ra chừng một tiếng đồng hồ để luyện tiếng Việt, bạn sẽ nghĩ gì? Bạn sẽ nghĩ tay này hẳn là bị điên, vì tuy bạn biết mình còn thiếu rất nhiều kỹ năng trên đời, nhưng chắc chắn bạn không cần luyện tiếng Việt vì nó là ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn. Bạn quá rành nó rồi, nên bạn chắc chắn 100% là không cần luyện tiếng Việt nữa.

Thật ra, bạn nghĩ mình “rành” tiếng Việt chẳng qua vì bạn đang luyện tập nó mỗi ngày mà không biết. Phần lớn chúng ta, nếu không sống xa xứ, đều đang luyện tập tiếng Việt từ trong vô thức với cường độ rất cao mỗi ngày thông qua các sinh hoạt và hoạt động trong đời sống. Hàng ngày, khi trao đổi cùng vợ chồng con cái là bạn đang luyện hai kỹ năng nghe và nói.

Khi bạn viết email cập nhật tiến độ công việc cho sếp hoặc phóng một status nào đó lên mạng xã hội là bạn đang luyện kỹ năng viết. Cuối cùng, kỹ năng đọc được bạn “khổ luyện” bằng việc hấp thụ cả tấn thông tin “thượng vàng hạ cám” mỗi ngày từ Facebook, diễn đàn, báo giấy, báo điện tử và đủ loại sách vở khác.

Có một điều chắc chắn, là ngay cả một thứ tưởng chừng như đã thuộc về bạn mãi mãi như tiếng mẹ đẻ vẫn tiềm ẩn trong chính nó nguy cơ (dù rất nhỏ) mai một nếu không được sử dụng thường xuyên, ta có thể thấy mọi kỹ năng còn lại trong đời mình đều có thể bỏ ta mà đi nếu ta không luyện tập nó theo một khung thời gian biểu nhất định.

Mà muốn luyện tập bất cứ thứ gì theo một khung thời gian biểu nhất định lại cần đến một phẩm chất khác, và nó chính là kỷ luật. Vậy, xin thứ lỗi trước vô vàn định nghĩa từng có về khái niệm này, tôi kết luận kỷ luật đơn giản là những gì cần phải làm dù ta thích hay không.

Kỷ luật hay kỹ năng làm chủ cảm xúc

Mà để làm điều này, ta cần phải học kỹ năng làm chủ cảm xúc. Nếu một buổi sáng nào đó, bạn nhắn tin giả vờ cáo ốm cho sếp để khỏi phải có mặt tại văn phòng, hoặc bạn quyết định trùm chăn đi ngủ tiếp thay vì đến phòng tập gym như bạn hạ quyết tâm vào tối hôm trước chỉ vì vào ngay khoảnh khắc đó, bạn cảm thấy lười, nghĩa là bạn đã không làm chủ được cảm xúc của mình.

Như vậy, ta kết luận tiếp, là để thi hành một đời sống có kỷ luật, ta cần phải làm chủ cảm xúc của mình.

Thật vậy, đến đây thì câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác, kinh điển hơn rất nhiều, là làm sao để sống mà luôn dùng lôgích và lý trí (thay vì cảm xúc) để đưa ra những quyết định và hành vi trong đời sống hàng ngày.

Hãy thử nhìn một buổi tập của một câu lạc bộ bóng đá ở giải Ngoại hạng Anh, nơi những cầu thủ siêu sao với lương tuần lên đến cả chục tỉ đồng tiền Việt với kỹ thuật cá nhân siêu việt, họ làm gì? Họ tập chuyền bóng. Họ tập cách khởi động sao cho tránh chấn thương. Họ tập sút phạt đền. Tức là họ chỉ làm đi làm lại những kỹ năng tưởng chừng như rất cơ bản mà bất cứ đứa trẻ chơi bóng đá phủi nào cũng biết.

Nhưng họ vẫn tập. Mỗi ngày. Đó là biểu hiện của một đời sống có kỷ luật. Nói cách khác, kỷ luật là phẩm chất của người chuyên nghiệp.

Tất nhiên tôi không thể thay mặt ai hay bất cứ điều gì để hứa hẹn rằng chỉ kỷ luật không thôi cũng giúp tôi hay bạn thành công rực rỡ như Sơn Tùng MTP, nhưng chắc chắn, sau những minh họa đã nêu, ta có thể thấy rằng, một đời sống có kỷ luật sẽ giúp bạn tăng cơ may có một cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp hơn rất nhiều, cả về phương diện nghề nghiệp hay cá nhân, so với một đời sống vô kỷ luật.

Nếu bạn đang ôm ấp giấc mơ viết ra một cái gì đó có ý nghĩa, hãy buộc mình ngồi vào bàn viết ít nhất hai tiếng mỗi ngày, từ ABC giờ đến XYZ giờ, đều như vắt chanh. Đến đúng giờ là ngồi vào bàn, ngồi đủ giờ mới thôi, dù có viết ra được gì hôm đó hay không. Đừng bám víu vào lời ngụy biện ấu trĩ rằng bạn cần phải có “cảm hứng” để viết (hoặc làm một tác vụ nào đó).

Thi hành kỷ luật không chắc giúp bạn đến đích sớm, nhưng nếu bạn vô kỷ luật, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ đến đích.

Đỗ Trí Vương

Bạn có thể quan tâm