Bài thơ ý nghĩa viết về giấc ngủ vội bên hè ký túc xá của các tình nguyện viên sau những ca làm việc thâu đêm suốt sáng với các chuyến xe đưa người tới cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc Gia (Quận Thủ Đức, TP.HCM) của thầy giáo Lương Đình Khoa (trường Tiểu học Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội) khiến cộng đồng mạng xúc động và tích cực chia sẻ kèm theo những dòng bày tỏ lòng biết ơn, tinh thần tự hào, yêu nước.
Bài thơ được Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24 chia sẻ, chỉ sau một giờ đồng hồ đã nhận được 17.000 lượt thích, 296 bình luận và 765 lượt chia sẻ.
Tới nay, bài thơ nhận 26.000 lượt thích, 1.200 lượt chia sẻ trên Facebook. |
Bạn Đào Thanh Hương để lại bình luận: “Thật biết ơn những hy sinh thầm lặng mà cao cả này”. Bạn Nguyễn Trọng Quý hào hứng bày tỏ: “Yêu đất nước Việt Nam! Yêu con người Việt Nam! Tự hào Việt Nam!”.
Còn tài khoản Đăng Bảo nhận xét: “Bài thơ chân thành, nói thay lời cảm ơn của người dân, đồng thời phản ánh đúng những sự hi sinh thầm lặng, tinh thần chung sức đồng lòng của toàn dân với các ban ngành trong thời điểm hiện tại để vượt qua dịch bệnh”.
Nguyên văn bài thơ có tiêu đề Dịch bệnh rồi sẽ qua, những bài ca ở lại của thầy giáo Lương Đình Khoa, bài thơ có đoạn: “Giấc ngủ vội, manh chiếu cói trên sân / Thở qua khẩu trang, áo quần bảo hộ / Anh nằm đó, chị nằm đó… sau những chuyến xe đêm mệt nhoài phụng sự / Những chuyến xe mang nặng nghĩa đồng bào".
Chiến sĩ biên phòng ngủ lán để kiểm soát người nhập cư giữa dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh, Phạm Thắng |
Chia sẻ về bài thơ của mình, thầy giáo Lương Đình Khoa cho biết ngày 20/3 - ngày Quốc tế Hạnh phúc - anh bắt gặp bức ảnh do tài khoản Thanh Vu chụp và chia sẻ trên Facebook. Cảm xúc dâng trào, anh viết bài thơ trong 40 phút buổi trưa.
“Tôi lặng người đi vì xúc động. Và biết, còn có cả hàng trăm sự cống hiến lặng thầm khác nữa của các y bác sĩ nơi tuyến đầu, các chiến sĩ biên phòng, bộ đội, các bác lái xe, cô lao công.... hết lòng phụng sự trong những ngày cao điểm cả nước chung tay chống dịch. Bài thơ viết vội, thể hiện tinh thần chung đó của cả nước, đồng thời thay lời biết ơn những sự cống hiến lặng thầm, đã hi sinh hạnh phúc cá nhân của mình trong mùa dịch”, thầy Khoa bày tỏ.
Theo tác giả, những ngày này, mỗi người dân đều tự nguyện và hạnh phúc khi được góp có thể là vật chất, có thể là sức lực, là hành động, việc làm tử tế, tích cực trong khả năng của mình, góp phần nối vòng tay lớn cùng cả nước vượt qua khó khăn.