Trong phần mở đầu bài chân dung nhà bác học Loius Pasteur cho cuốn sách in năm 1957, Nguyễn Hiến Lê viết về tình hình lúc ấy mà đọc lên, ta tưởng như đang kể về câu chuyện hôm nay: "Mấy bữa nay, nhật báo nào ở Sài Gòn cũng đăng ngay ở trang đầu bằng chữ lớn, tin "Cúm! Dịch cúm!". Dịch cúm phát từ Đông Kinh (Tokyo), qua Đài Loan, Phi Luật Tân (Philippines), Mã Lai (Malaysia) vô Cao Miên (Campuchia) và hình như đương sống ở Sài Gòn. Hơi thấy nóng, ho là người ta đã tin rằng bị cúm. Những thuốc Aspirine, Aspro, Antigrippaux, Huile Goménolée, Collargol bán chạy không tưởng tượng nổi. Người ta nhắc lại dịch cúm ở Pháp năm 1953 làm cho 20 triệu người mắc bệnh. Tin cuối cùng đăng một vị bác sĩ ở Australia tên là French đã tìm ra được vi khuẩn cúm ở Đông Á hiện nay, nhưng thuốc trị thì người ta vẫn chưa kiếm được thứ nào công hiệu hoàn toàn".
Từ câu chuyện này, ông dẫn dắt vào chân dung nhân vật: "Tin đó làm tôi nhớ tới Louis Pasteur, nhà bác học đã tìm ra được thế giới vi trùng, ân nhân bậc nhất của nhân loại". Ông đánh giá: "Số danh nhân trong lịch sử đông tây thì rất nhiều, nhưng số người được cả nhân loại ghi ơn như Pasteur thì rất hiếm".
Nguyễn Hiến Lê nhận định Louis Pasteur là danh nhân được cả nhân loại ghi ơn trong cuốn Gương hi sinh. |
Nguyễn Hiến Lê cũng khẳng định: "Pasteur đã làm một cách mạng lớn lao trong y học. Ta có thể nói khoa Tây y ngày nay mà khắp thế giới dùng, một phần lớn do Pasteur tạo nên. Trước ông, người ta không biết chút gì về nguyên nhân các bệnh truyền nhiễm, không tìm được cách đề phòng mà cũng không tìm được cách chữa. Và khi nghe nói đến một bệnh dịch nào thì loài người kinh khủng, nhớ lại những lần chết hàng triệu người, hàng chục triệu người!
Trước ông, tuy loài người đã biết giải phẫu, nhưng bệnh nhân nào bị giải phẫu thì mười phần chết đến chín rưỡi, nên khoa giải phẫu không phát triển được.
Trước ông, sản phụ sợ sệt bệnh sản hậu, con nít chưa được một tuổi, thì mười phần chỉ hai ba phần chắc nuôi được, và kẻ nào bị chó dại cắn thì chỉ còn cách đợi chết.
Không những vậy, ông còn làm cho nghề chăn nuôi, kĩ nghệ dấm, đồ hộp phát đạt mỗi ngày mỗi mạnh. Do công lao của ông mà đời sống loài người thay đổi rất mau.
Sau khi ông mất, lần lần khắp thế giới, nước nào cũng lập một viện mang tên ông để khảo cứu về vi trùng học. Trong mỗi viện đều treo chân dung của ông để mọi người trông nét mặt trầm tư, vầng trán cao và rộng của một người đã làm thay đổi cơ sở của tây y và đời sống loài người”.
Sau đó, bằng cách kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, Nguyễn Hiến Lê kể cho độc giả nghe câu chuyện cuộc đời của nhà bác học Louis Pasteur, từ lúc là một thiếu niên ở Dole cho đến khi tốt nghiệp trường Sư phạm, làm việc trong lĩnh vực hóa học, rồi từ nghiên cứu về sự lên men đưa ông đến với việc phát hiện ra các vi trùng và cách tiêu diệt chúng bằng cách đun sôi. Tiếp đó, nghiên cứu về bệnh dịch gà mái đã giúp Pasteur phát minh ra vắc xin, phương thức phòng bệnh mà nhân loại ngày nay vô cùng biết ơn.
Nguyễn Hiến Lê cũng cho rằng, Pasteur nổi danh nhất là nhờ tìm ra được vắc xin trừ bệnh chó dại cắn. Câu chuyện cảm động nhất về gương hi sinh của Paster là chuyện ông nỗ lực cứu sống một em nhỏ bị chó dại cắn đã 37 ngày trước, lâm vào tình thế tuyệt vọng mà ông biết chắc là ngày hôm sau, bệnh dại sẽ tái phát. Nếu tiêm thuốc giống (ngôn ngữ thời đó gọi vắc xin như vậy), sẽ vô hiệu, em nhỏ sẽ chết, mà các bệnh nhân khác thấy vậy, sẽ nghi ngờ thuốc, những người sau này bị chó dại cắn sẽ không dám lại ông chữa nữa. Tuy nhiên, cha mẹ nhỏ năn nỉ quá, nên ông động lòng, đành phải tiêm.
Tiêm xong, em nhỏ vẫn vui vẻ học như bình thường, rồi đột nhiên bệnh phát lên, em bị động kinh, không nuốt được gì nữa. Ông lại thăm em, lại tiêm thêm thuốc nữa. Non một tháng sau, bệnh giảm được trong vài giờ, rồi trở nên nguy kịch. Trong lúc em hấp hối, ông luôn ở bên cạnh, an ủi em. Khi em mất, ông òa lên khóc.
Mười lăm năm sau, chính cha em nhỏ đó, nhớ lòng nhân đạo của Pasteur, đã viết:
"Trong số danh nhân mà tôi được biết trong đời sống, tôi chưa thấy ai cao cả như ông Pasteur. Tôi chưa thấy một người nào gặp trường hợp đứa con gái tôi mà chỉ vì lòng nhân đạo lại chịu hi sinh hàng chục năm nghiên cứu của mình, làm nguy hại tới danh vọng bác học của mình để tiến tới một sự thất bại đau đớn đã biết từ trước”.
Bên cạnh chân dung Louis Pasteur, cuốn Gương hi sinh còn kể về gương các danh nhân Isaac Newton, Thomas Edison, John Boyd Dunlop, Ông bà Curie, Gugliemo Marconi, Rudolf Diesel, John Logie Baird, Norbert Wiener và Ignace Philippe Semmelweis.
Cuốn Gương hi sinh do Nguyễn Hiến Lê tự xuất bản tại Sài Gòn năm 1957. Nói về việc lựa chọn nhân vật cho cuốn sách, Nguyễn Hiến Lê cho rằng, những vị này đều có công lớn với khoa học, đều làm thay đổi đời sống của chúng ta, đều nêu những tấm gương hi sinh cho cái Chân, đôi khi cho cái Mỹ nữa và đều coi thường vinh hoa phú quý mà chỉ tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của nhân loại.
Gần đây, cuốn Gương hi sinh đã được NXB Văn hóa Thông tin, NXB Hồng Đức tái bản (bản của NXB Hồng Đức có tên mới là Gương hi sinh - Những bài học thành công).