Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kỳ bầu cử kịch tích cho thấy một nước Mỹ chia rẽ trầm trọng

Nếu đắc cử tổng thống, ông Biden sẽ tiếp quản một nước Mỹ phân cực sâu sắc, điều được thể hiện rõ trong kỳ bầu cử đầy biến động vừa rồi.

Dù đã tiêu tốn gần 14 tỷ USD cho các chiến dịch tranh cử, chờ đợi trong nhiều tháng và đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng bất ổn xã hội, nước Mỹ vẫn chưa xác định được tổng thống cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Cuộc đua gắt gao giữa hai ứng viên tổng thống và khả năng đảng Dân chủ chiếm Thượng viện trong khi phe Cộng hòa giành được Hạ viện làm nổi bật lằn ranh chia rẽ nội bộ ngay trong lòng nước Mỹ, tờ Economist nhận định.

Chưa bao giờ phân cực sâu sắc và nguy hiểm như hiện tại

Lượng người tham gia bầu cử năm nay đạt kỷ lục kể từ năm 1900. Cử tri ủng hộ hai đảng đổ xô đi bỏ phiếu để bầu ra người điều hành đất nước trong bốn năm tới.

Tuy nhiên, họ không tìm thấy tiếng nói chung về nguyện vọng đối với tổng thống cho nhiệm kỳ tiếp theo. Mỗi đảng ưu tiên những vấn đề khác nhau. Cử tri của họ sống trong những cộng đồng khác nhau, thậm chí hình thức bỏ phiếu cũng khác nhau.

bau cu My cho thay cu tri phan cuc anh 1

Nhiều bất đồng đã nổ ra xoay quanh vấn đề kiểm phiếu. Ảnh: AP.

Những đấu khẩu, cáo buộc, kiện tụng và biểu tình sau khi Tổng thống Trump cáo buộc phe Dân chủ “đánh cắp cuộc bầu cử” cho thấy ngay cả quá trình kiểm phiếu cũng có thể chia rẽ nước Mỹ.

“Ngoại trừ giai đoạn Nội chiến, tôi thấy nước Mỹ chưa bao giờ phân cực sâu sắc và nguy hiểm như hiện tại”, nhà sử học Barbara Perry tại Đại học Virginia nhận xét.

Ngay sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2000, khi Tòa án Tối cao can thiệp, ứng viên đảng Dân chủ Al Gore đã nhanh chóng nhượng bộ và các nhà lập pháp tại Điện Capitol cũng tìm được tiếng nói chung.

bau cu My cho thay cu tri phan cuc anh 2

Nhà sử học Barbara Perry. Ảnh: Đại học Virginia.

Sự chia rẽ hiện tại được cho là sẽ cản trở người đứng đầu Nhà Trắng của nhiệm kỳ tới trong việc đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, đặc biệt là vượt qua dịch Covid-19 và xoa dịu mâu thuẫn sắc tộc.

Người ủng hộ hai đảng thể hiện quan điểm gần như hoàn toàn đối lập về những bất ổn xã hội nói trên.

Trong khi phần lớn cử tri bầu cho ông Biden cho rằng chính phủ nên ưu tiên hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, ngay cả khi điều đó khiến nền kinh tế tụt dốc.

Ở thái cực ngược lại, đa số người bỏ phiếu cho Tổng thống Trump ủng hộ cách tiếp cận tập trung phát triển kinh tế và việc làm thay vì tiến hành cách ly xã hội để xử lý đại dịch.

Hầu hết người ủng hộ đảng Dân chủ cho rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội Mỹ, nhưng chỉ một bộ phận cử tri đứng về phe Cộng hòa có quan điểm tương tự.

Những chuyển biến về lập trường chính trị

Ông Biden đã cố gắng thu hẹp những khoảng cách về hệ tư tưởng nói trên bằng khẩu hiệu kêu gọi đoàn kết và “chiến đấu cho linh hồn của đất nước”.

Ngược lại, ông Trump xem bản thân như người bảo hộ cho những cử tri ủng hộ mình. Tổng thống đương nhiệm thậm chí đe dọa sẽ không triển khai các gói cứu trợ dịch Covid-19 ở những bang có thống đốc là đảng viên Dân chủ và các bang từng chỉ trích cách chống dịch của chính phủ.

bau cu My cho thay cu tri phan cuc anh 3

Ông Trump từng gây tranh cãi khi tuyên bố không cứu trợ Covid-19 đối với những bang nằm dưới quyền điều hành của đảng đối lập. Ảnh: Reuters.

Lượng cử tri đi bầu tăng mạnh trong năm nay cũng phần nào phản ánh sự phân cực của cử tri Mỹ ngày càng trầm trọng hơn, hãng tin AP nhận định.

Kết quả tại những khu vực có tỷ lệ người tham gia bỏ phiếu cao cho thấy mức độ ủng hộ tại các địa phương truyền thống của mỗi đảng đều tăng mạnh.

bau cu My cho thay cu tri phan cuc anh 4

Ông Trump nhận được nhiều phiếu phổ thông hơn so với bốn năm trước. Ảnh: Reuters.

Cụ thể, theo thống kê của AP, so với cuộc bầu cử bốn năm trước, mức chênh lệch tại những hạt nghiêng về phe Dân chủ đã tăng đến 70%. Tương tự, tỷ lệ ủng hộ tại các địa phương ủng hộ đảng Cộng hòa cũng tăng 56% trong đợt bầu cử năm nay.

Việc Tổng thống Trump giành được nhiều phiếu phổ thông hơn so với năm 2016 đồng thời phản ánh sự ủng hộ của một bộ phận đáng kể cử tri Mỹ đối với chủ nghĩa dân túy, Economist nhận định.

Sau cuộc bầu cử năm nay, nhiều người nhận ra chiến thắng bất ngờ của ông Trump bốn năm trước không phải là ngẫu nhiên, mà là khởi đầu cho sự thay đổi ý thức hệ sâu sắc trong nội bộ đảng của mình.

Bên cạnh đó, kết quả bầu cử phần nào cho thấy đảng Dân chủ vẫn chưa cải thiện được khả năng thu hút cử tri da trắng và người không có trình độ đại học, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Đảng này còn mất một lượng cử tri da màu và người nhập cư vốn có truyền thống ủng hộ phe Dân chủ, nay lại quay sang bầu cho đảng Cộng hòa.

Nhờ lượng người ủng hộ mới này, phe Cộng hòa đã ngăn được “làn sóng xanh” và chiếm thế thượng phong trên mặt trận giành quyền kiểm soát Quốc hội, gián tiếp cho thấy người Mỹ không hoàn toàn gạt bỏ “chủ nghĩa Trump”.

Hệ quả từ sự phân cực của cử tri dẫn đến việc ông Biden có thể đắc cử tổng thống song đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát lưỡng viện nhiều khả năng dẫn đến thực trạng “bất lực” của người đứng đầu Nhà Trắng trong bốn năm tới, bởi nếu đảng đối lập nắm Quốc hội, tổng thống sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra quyết sách.

Zing từ Mỹ: Cuộc đua có thể kết thúc sớm trong hôm nay Jesse Hardman của Zing nói bang Pennsylvania "hoàn toàn có thể" thông báo người thắng cử trong tối 5/11 (trưa giờ Việt Nam). Nếu Biden thắng, cuộc đua sẽ chính thức an bài.

Quốc hội Mỹ phân cực trước cuộc luận tội Tổng thống Trump

Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã bỏ phiếu hôm 13/12 để gửi các điều khoản luận tội cho toàn bộ Hạ viện, đánh dấu lần thứ tư một tổng thống Mỹ phải đối mặt với động thái như vậy.

FBI cảnh báo khả năng đụng độ có vũ trang ở Portland sau bầu cử

FBI cảnh báo về khả năng xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang liên quan đến bầu cử vào ngày 3/11 ở Portland, Oregon - thành phố đã trở thành biểu tượng cho sự chia rẽ của nước Mỹ.

Căng thẳng, lo lắng đè nặng cử tri Mỹ trước bầu cử

Một ngày trước bầu cử, người Mỹ cảm thấy căng thẳng về sự chia rẽ chính trị tiềm ẩn, mệt mỏi về mùa tranh cử ồn ào, và lo lắng những kịch bản sắp xảy đến.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm