Hiện kính viễn vọng này đã tạm ngừng hoạt động sau sự cố đứt cáp đỡ bệ kim loại tạo ra vết nứt 30 m trong đĩa phản xạ, khiến một phần kính bị vỡ.
Sự cố xảy ra vào đêm 10/8 (giờ địa phương), làm hỏng khoảng 6-8 mảng kính tại mái vòm Gregorian, hư hại một số bộ phận dùng để tiếp cận mái vòm, theo Engadget.
Kính viễn vọng tại Đài quan sát Arecibo bị vỡ một phần sau sự cố đứt cáp đỡ bệ kim loại. Ảnh: UCF. |
Hiện chưa rõ lý do phần cáp bị đứt, tuy nhiên thiệt hại là rất lớn. Hình ảnh cho thấy kính viễn vọng bị vỡ một mảng lớn, các mảnh kim loại nằm rải rác xung quanh.
“Chúng tôi đã cử nhóm chuyên gia đánh giá thiệt hại. Trước mắt là đảm bảo an toàn của nhân viên, cơ sở vật chất và máy móc, sửa chữa càng sớm càng tốt để kính viễn vọng tiếp tục hỗ trợ các nhà khoa học trên thế giới”, Francisco Cordova - giám đốc đài quan sát, chia sẻ.
Sợi cáp bị đứt khiến một phần kính viễn vọng bị vỡ. Ảnh: Đài quan sát Arecibo. |
Cùng với sửa chữa các hư hỏng, quan trọng là phải tìm ra lý do đứt cáp. Bài blog của Đại học Central Florida nói rằng kính viễn vọng đã trải qua 50 năm hoạt động, chịu đựng nhiều trận cuồng phong, bão tố và động đất.
Nằm tại Puerto Rico, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ và được quản lý bởi một số tổ chức gồm Đại học Central Florida, đây không phải lần đầu kính viễn vọng này gặp sự cố.
Năm 2008 và 2016, việc thiếu nguồn tài chính đã cản trở hoạt động của kính viễn vọng. Hiện công tác sửa chữa kính sau cơn bão Maria năm 2017 vẫn chưa hoàn tất.
Trước khi tạm ngừng hoạt động do sự cố đứt cáp, kính viễn vọng này được sử dụng để nghiên cứu các tiểu hành tinh gần Trái Đất nhờ khoản tài trợ 19 triệu USD của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Khác với kính viễn vọng quang học, kính viễn vọng vô tuyến không chụp ảnh vũ trụ mà phát hiện các sóng vô tuyến xuyên không gian đến Trái Đất. Bằng cách phân tích tín hiệu và nguồn gốc của chúng, các nhà khoa học có thể phát hiện các sự kiện thiên văn xảy ra ở khoảng cách rất xa so với Trái Đất.
Hiện kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới là Kính viễn vọng Hình cầu Khẩu độ 500 m (FAST) đặt tại Trung Quốc. Kích thước của FAST tương đương 30 sân bóng đá, khả năng phát hiện sao xung nhạy hơn 2,5 lần so với kính viễn vọng thuộc Đài quan sát Arecibo.