Theo chuyên gia Rohan Naidu thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn của Đại học Harvard, thiên hà vừa được phát hiện có tên gọi GLASS-z13. Thiên hà này có niên đại khoảng 300 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, sớm hơn 100 triệu năm so với bất kỳ thiên hà nào được phát hiện trong quá khứ.
"Chúng ta có khả năng đang nhìn thấy thiên hà cổ nhất từng được phát hiện", ông Naidu cho biết.
Nếu khoảng cách giữa một vật thể trong vũ trụ và Trái Đất càng lớn, thì thời gian để ánh sáng và hình ảnh từ vật thể đó tới Trái Đất sẽ càng dài. Chính vì vậy, khi nhìn vào những hành tinh và vì sao xa xôi, các nhà khoa học có thể nhìn thấy tình trạng của vũ trụ trong quá khứ.
Do GLASS-z13 tồn tại từ thời kỳ sơ khai của vũ trụ, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định độ tuổi chính xác của thiên hà này.
Hình ảnh về thiên hà GLASS-z13 tuy nằm trong số những dữ liệu ban đầu được máy ảnh hồng ngoại có tên NIRcam của kính viễn vọng thu thập được nhưng không nằm trong hình ảnh đầu tiên của kính James Webb được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố trước công chúng.
Khi chuyển từ quang phổ hồng ngoại sang hình ảnh nhìn được bằng mắt thường, thiên hà GLASS-z13 có dạng hình tròn đỏ với nhân màu trắng.
Hình ảnh về thiên hà GLASS-z13 mà kính viễn vọng không gian James Webb thu lại được. Ảnh: AFP. |
Naidu và một đội ngũ gồm 25 nhà khoa học sau khi phát hiện thiên hà GLASS-z13 trong dữ liệu mà kính viễn vọng James Webb thu được đã đệ trình khám phá của mình lên một tạp chí khoa học.
Tuy chưa được xác nhận bởi các nhà khoa học khác, khám phá của Naidu và các đồng nghiệp đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng thiên văn học.
"Các kỷ lục trong ngành thiên văn học đang bị xô đổ. Tôi thường chỉ cảm thấy vui mừng khi những khám phá được cộng đồng khoa học xác nhận. Nhưng mọi thứ đang rất hứa hẹn", nhà khoa học đứng đầu NASA Thomas Zurbuchen viết trong một tuyên bố trên mạng xã hội.
Với trị giá lên tới 10 tỷ USD, kính viễn vọng James Webb được thiết kế để giúp con người khám phá những thiên hà được hình thành từ thời kỳ sơ khai của vũ trụ, ngay sau vụ nổ Big Bang diễn ra khoảng 13,8 tỷ năm trước.
Do khoảng cách tới Trái Đất, hình ảnh của các thiên hà này thường bị kéo dãn bởi quá trình mở rộng của vũ trụ và trôi vào quang phổ hồng ngoại, ngoài khả năng nhìn thấy của mắt thường.
Ông Naidu cùng các cộng sự trong khi nghiên cứu các dữ liệu ban đầu của kính viễn vọng James Webb đã có nhiều khám phá thú vị. Bên cạnh thiên hà GLASS-z13, nhóm cũng phát hiện một thiên hà khác có tên GLASS-z11. Tuy không lâu đời như GLASS-z13, thiên hà này cũng tồn tại từ thời kỳ sơ khai của vũ trụ.
Ông Naidu cùng các cộng sự đang yêu cầu NASA cho phép sử dụng kính viễn vọng James Webb để tiến hành phân tích quang phổ để tính toán khoảng cách và độ tuổi của thiên hà GLASS-z11.
Được phóng lên vũ trụ vào tháng 12/2021 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7, James Webb là kính viễn vọng không gian mạnh nhất từng được chế tạo. Được thiết kế để nhìn được các phổ ánh sáng ngoài khả năng của mắt thường với độ nét chưa từng thấy, kính viễn vọng James Webb được kỳ vọng sẽ mang tới kỷ nguyên mới cho ngành thiên văn học.