Theo nhận định này, nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy trong quý III/2013, và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng, dù mức tăng còn chậm.
Nhiều chuyển biến tích cực
Sản xuất tiếp tục chuyển biến tích cực khi tăng trưởng GDP quý I/2014 (4,96%) cao hơn cùng kỳ hai năm trước, nhờ sự phục hồi của khu vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp và xây dựng. Chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục xu hướng tăng nhanh hơn kể từ quý II/2013.
Nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất tiếp tục xu hướng tăng kể từ tháng 9.2013 và tăng mạnh trong quý I/2014. Trong khi đó, trong quý I/2014, Việt Nam đã xuất siêu hơn 1 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước, và là mức xuất siêu lớn nhất kể từ năm 2010.
Nền kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng. |
Tình hình các doanh nghiệp (DN) đã cải thiện hơn khi các chỉ số về khả năng trả nợ của các khu vực DN đạt mức tốt nhất kể từ đầu năm 2012. Tỉ số thanh toán hiện thời và thanh toán nhanh, lãi vay đều được cải thiện đáng kể, tương ứng đạt 1,42 lần, 0,87 lần và 2,85 lần. Đòn bẩy tài chính giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2008 (59,79%). Khu vực tư nhân có xu hướng quay trở lại đầu tư vào sản xuất và kinh doanh dịch vụ, thị trường bất động sản với giá trị tồn kho giảm liên tiếp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Còn nhiều thách thức
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, vẫn còn những khó khăn thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt như: tổng cầu cải thiện chậm; tiêu dùng tăng chậm với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong quý I/2014 tăng 5,1%, không cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm 2013 và 2012; tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ở giai đoạn thấp so với tiềm năng của nền kinh tế, khi mà đầu tư tư nhân vẫn chưa cải thiện nhiều nếu căn cứ vào mức tăng tín dụng âm trong quý I (tính đến 13/3/2014), so với mức tăng 1,17% và 0,22% tương ứng của quý I/2013 và quý I/2012; chi đầu tư phát triển của quý I/2014 giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2013 giảm 0,3%).
Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp còn gặp khó khăn về đầu ra và giá, đặc biệt là mặt hàng gạo, nhất là khi giá gạo xuất khẩu có thể chịu sức ép từ việc Thái Lan chấm dứt chương trình trợ giá lúa gạo và Trung Quốc có chủ trương tự túc lương thực. Trên thực tế, động lực tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đã tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2013, so với mức 2,8% của khu vực kinh tế trong nước. Dự báo những quý tiếp theo, tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn nhờ hiệu ứng các giải pháp hỗ trợ tổng cầu (tăng đầu tư bằng trái phiếu chính phủ, giảm lãi suất,...).