Theo thăm dò của Reuters, các nhà phân tích ước tính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng 6,4% trong quý IV so với cùng kỳ năm 2017, chậm hơn so với mức 6,5% trong quý III và ở cùng mức so với đầu năm 2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Điều đó có thể kéo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2018 xuống 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990 và giảm so với mức 6,8% trong năm 2017.
Một phụ nữ xem quảng cáo việc làm trên bức tường ở Tây Hải Ngạn, thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 17/1/2019. Ảnh: Reuters. |
Dấu hiệu suy yếu ngày càng tăng ở Trung Quốc, nơi tạo ra gần 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua, đang gây ra lo ngại về rủi ro cho nền kinh tế thế giới và tác động tới lợi nhuận của các công ty, từ Apple cho đến các nhà sản xuất ôtô lớn.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế trong năm nay để giảm nguy cơ mất việc lớn. Biện pháp này có thể giúp nền kinh tế tăng tốc nhanh chóng nhưng cũng có thể để lại núi nợ như các gói kích thích từng được áp dụng trong quá khứ.
Trước khi các biện pháp kích thích được triển khai, các nhà phân tích tin rằng tình hình Trung Quốc sẽ còn tệ hơn với mức tăng trưởng xuống còn 6,3% trong năm nay. Một số nhà phân tích tin rằng mức tăng trưởng thực tế còn thấp hơn nhiều so với dữ liệu chính thức.
Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại trong các cuộc đàm phán hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc cũng khó phục hồi, trừ khi Bắc Kinh có thể thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng đang ở mức thấp.
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu GDP quý IV và cả năm 2018 vào ngày 21/1 cùng với sản lượng, chỉ số bán lẻ và đầu tư cố định của tháng 12/2018.