Tổng sản phẩm nội địa (GDP) từ tháng tư tới tháng 6 của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, Reuters dẫn số liệu chính thức ngày 15/7.
Đây là kết quả tệ nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ khi series dữ liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1992, không tính tới mức suy giảm 6,9% trong quý đầu năm 2020 do cú sốc ban đầu từ Covid-19.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại đáng kể trong quý II. Ảnh: Reuters. |
GDP Trung Quốc cũng không đạt mức dự báo tăng trưởng 1% trong khảo sát chuyên gia phân tích của Reuters, đồng thời đánh dấu sự giảm tốc đáng kể so với mức tăng trưởng 4,8% trong quý I. Nếu đối chiếu với quý trước, GDP Trung Quốc đã giảm 2,6% trong quý II so với ba tháng đầu năm.
“Nền kinh tế Trung Quốc đã đứng trước bờ vực rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ (stagflation), tuy nhiên giai đoạn tồi tệ nhất tính tới đợt tháng 5-6 đã qua đi”, ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng thuộc Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo, nói. “Bạn có thể loại trừ khả năng suy thoái hoặc khả năng suy giảm hai quý liên tiếp”.
“Do tăng trưởng khiêm tốn, chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ triển khai các biện pháp kích cầu kinh tế từ bây giờ để thúc đẩy mức tăng trưởng yếu, nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn nếu tiếp tục cắt lãi suất vì cách này sẽ làm tăng lạm phát, vốn đang được giữ ở mức tương đối thấp”, ông Nishihama nói.
Tháng 3 và tháng 4, nhà chức trách Trung Quốc áp lệnh phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần ở các trung tâm lớn trên khắp nước, bao gồm trung tâm tài chính Thượng Hải. Sản lượng ở thủ đô Bắc Kinh trong quý II đã giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiều biện pháp hạn chế trên tới nay đã được dỡ bỏ và dữ liệu tháng 6 cũng cho thấy tín hiệu cải thiện, giới phân tích không hy vọng Trung Quốc sẽ có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh.
Trung Quốc vẫn đang kiên quyết với chính sách Zero Covid-19 giữa lúc các đợt bùng phát mới xuất hiện, thị trường bất động sản nước này đang trong cơn suy giảm sâu và triển vọng toàn cầu trở nên u ám.