Hồi cuối tuần trước, các quan chức chính quyền Trung Quốc cho biết sẽ đẩy nhanh chi tiêu tài khóa và đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế "khoảng 5,5% trong năm nay".
Nhưng theo Bloomberg, các nhà phân tích của Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo ở mức 4,5%. Nguyên nhân là nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều trở ngại, từ giá dầu tăng cao, doanh số bất động sản lao dốc đến các đợt bùng phát dịch trong nước.
"Đội ngũ phân tích hàng hóa của chúng tôi đã nâng dự báo đối với giá dầu đáng kể. Điều này có ý nghĩa tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc", các nhà phân tích của Goldman Sachs, dẫn đầu là chuyên gia kinh tế trưởng Hui Shan, nhận định.
Giá dầu tăng cao, doanh số bất động sản lao dốc và các đợt bùng phát dịch đè nặng lên nền kinh tế 1,4 tỷ dân. Ảnh: Reuters. |
Sức ép từ giá dầu
Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Giới quan sát cảnh báo rằng lệnh cấm dầu khí và khí đốt của Nga là đòn giáng mạnh lên thị trường năng lượng và nền kinh tế thế giới.
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Saudi Arabia, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nga cũng sản xuất và xuất khẩu khí tự nhiên.
Trước đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak đã đe dọa đóng đường ống dẫn khí sang Đức và cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng Nga.
"Việc từ chối dầu Nga sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu", Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh. "Đà tăng của giá có thể nằm ngoài dự đoán. Giá có khả năng lên tới 300 USD/thùng, thậm chí hơn", ông dự báo.
Đội ngũ phân tích hàng hóa của chúng tôi đã nâng dự báo đối với giá dầu đáng kể. Điều này có ý nghĩa tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
Các nhà phân tích của Goldman Sachs
Theo số liệu chính thức, năm ngoái, 16% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Nga. Nga là nhà cung cấp lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ đứng sau Saudi Arabia. Khoảng 5% khí đốt tự nhiên của Trung Quốc cũng được nhập khẩu từ Nga.
Goldman Sachs ước tính giá dầu tăng 20 USD/thùng sẽ làm giảm 0,3 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là với những dự báo về giá dầu ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng GDP của đất nước 1,4 tỷ dân có thể bị kéo tụt 0,5 điểm phần trăm.
Ngân hàng đầu tư Phố Wall cho biết Bắc Kinh sẽ cần tăng tốc nới lỏng chính sách để giữ tăng trưởng không trượt xuống dưới 4,5%.
“Giá dầu cao hơn sẽ làm giảm thu nhập thực tế của hộ gia đình, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng và đầu tư", các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định.
"Nhưng với tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế đối với sự ổn định của thị trường lao động và ổn định tài chính, nhất là trong một năm quan trọng về mặt chính trị, chúng tôi cho rằng chính phủ khó có thể để tăng trưởng GDP năm nay giảm thêm xuống dưới 4,5%", ngân hàng đầu tư Phố Wall nhận định.
Áp lực lạm phát
Trung Quốc không phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực nhờ đẩy mạnh khả năng tự cung. Nhưng nước này cũng không miễn nhiễm với đà tăng giá lương thực toàn cầu vì xung đột Nga - Ukraine.
Theo chuyên gia Stephen Olson, thành viên nghiên cứu cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Hinrich Foundation, Ukraine đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ngũ cốc của Trung Quốc nhằm cải thiện an ninh lương thực quốc gia.
"Nếu các chuyến hàng từ Ukraine đến Trung Quốc bị gián đoạn, áp lực lạm phát chắc chắn sẽ tăng lên", ông Olson nhận xét. Trên thực tế, mối lo ngại về lạm phát đã nhen nhóm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
"Lạm phát giá lương thực có thể tiếp tục tăng cao do giá năng lượng cao hơn, hoặc hoạt động vận chuyển lúa mì, ngô và dầu hạt bị gián đoạn", ông Steven Cochrane - nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics - nhận xét.
Nếu các chuyến hàng từ Ukraine đến Trung Quốc bị gián đoạn, áp lực lạm phát chắc chắn sẽ tăng lên. Ảnh: Reuters. |
"Ukraine chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng nông sản như lúa mì và các mặt hàng sản xuất cơ bản như sắt, thép và nhôm", vị chuyên gia nói thêm. “Indonesia và Ấn Độ có tỷ lệ nhập khẩu từ Ukraine cao nhất, tiếp đến là Trung Quốc", ông Cochrane chia sẻ.
Trung Quốc không phụ thuộc vào lúa mì và ngô nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đất nước 1,4 tỷ dân không chứng kiến giá cả leo thang. Theo truyền thông địa phương, giá lúa mì và ngô nhập khẩu đã tăng mạnh.
Người mua Trung Quốc đã quay lưng với ngô Mỹ và trở thành khách hàng lớn nhất của Ukraine. Ngô Ukraine chiếm 1/3 lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc, theo báo cáo của chính phủ Mỹ.
Trên toàn cầu, giá ngô và lúa mì kỳ hạn tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong ít nhất 9 năm. Các nhà giao dịch lo ngại xung đột Nga - Ukraine kéo dài sẽ cắt giảm nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.