Đối với TroubleMaker, một công ty nằm ở thành phố Thâm Quyến phía nam Trung Quốc, dịch Covid-19 là một cú đòn choáng váng. Đây là nơi các startup nước ngoài thường tìm đến để xây dựng nguyên mẫu cho sản phẩm sắp tới của họ. Trong 4 năm qua, TroubleMake đã làm việc với hơn 2.000 đối tác.
Nhưng giờ hoạt động của TroubleMaker bị đình trệ vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, nhu cầu nước ngoài sụt giảm và hầu hết khách hàng không thể trở lại Trung Quốc. Những khó khăn của công ty cho thấy cú trượt dốc của nền kinh tế thứ hai thế giới trong vài tháng trở lại đây.
Trong quý I/2020, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm kỷ lục 6,8%. Đó là lần đầu tiên GDP Trung Quốc lao dốc kể từ năm 1992. Hầu hết chuyên gia phân tích đánh giá nền kinh tế thứ hai thế giới phục hồi trong quý II khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng, nhà máy, cảng, nhà hàng và cửa hiệu bắt đầu hoạt động trở lại.
Ngày 16/7, chính quyền Trung Quốc cũng thông báo GDP nước này tăng 3,2% trong quý II, cao hơn so với một số dự báo.
Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn không dám chi tiền như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Financial Times. |
Khó khăn trên nhiều mặt trận
Tuy nhiên, với mức tiêu thụ nội địa chậm chạp và xuất khẩu không thể trở lại như thời kỳ trước dịch Covid-19, sự phục hồi vẫn rất yếu ớt. "Nền kinh tế đã dần hồi phục vào tháng 4 và tháng 5, tuy nhiên tốc độ phục hồi giữa các ngành vẫn không đồng đều", Al Jazeera dẫn lời chuyên gia Qu Hongbin của HSBC nhận định.
Bất chấp việc đã trở lại với tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc vẫn gặp khó trên nhiều mặt trận. Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng lên sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, nhưng một số cụm dịch mới vẫn khiến người tiêu dùng cảnh giác. Thêm vào đó, làn sóng mất việc làm và giảm thu nhập từ đầu năm cũng khiến sức mạnh tiêu dùng của Trung Quốc bị xói mòn.
"Tác động lớn nhất của đại dịch là ở phía cầu, đặc biệt là thông qua tiêu dùng", giáo sư tài chính Michael Pettis tại Đại học Bắc Kinh bình luận. Một nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam (Thành Đô) được công bố hồi tháng 7 chỉ ra 52% trên tổng số 5.000 người được hỏi cho biết họ sẽ chi tiêu ít hơn vào tháng 5 so với tháng 3.
"Các hộ gia đình sẽ kiếm được ít tiền hơn so với năm ngoái. Một phần vì rất nhiều người trong số họ thất nghiệp, một số khác bị giảm thu nhập", giáo sư Pettis nhận xét. "Tiếp đến là những thách thức quốc tế", ông nói thêm.
Tình hình dịch bệnh ở một số đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, bao gồm Mỹ và châu Âu, vẫn nghiêm trọng. Các nhà phân tích dự đoán nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ yếu ớt trong thời gian tới. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại khác đang ngày càng tồi tệ.
Chính phủ các nước muốn loại bỏ tập đoàn Trung Quốc ra khỏi kế hoạch phát triển hạ tầng 5G quốc gia. Ảnh: Forbes. |
Đạo luật an ninh mới được Bắc Kinh áp lên Hong Kong khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định chấm dứt quy chế đối xử đặc biệt với Hong Kong nhằm trả đũa Trung Quốc. Trong khi đó, đại gia viễn thông Huawei bị tống cổ khỏi các thị trường trọng điểm như Mỹ và Anh. Các đồng minh khác của Mỹ cũng có thể sẽ tiếp bước tẩy chay Huawei.
Để kích thích tăng trưởng, chính phủ Trung Quốc đã quay trở lại mô hình cũ. Đó là chi tiền mạnh tay cho cơ sở hạ tầng và các dự án quy mô lớn khác. "Vấn đề là các biện pháp Bắc Kinh đang thực hiện chủ yếu về phía cung, chẳng hạn như cắt giảm thuế doanh nghiệp, buộc ngân hàng cho vay nhiều hơn, tăng cường cơ sở hạ tầng và hậu cần. Tuy nhiên, rất ít trong số đó về phía cầu", giáo sư tại Đại học Bắc Kinh nhận xét.
Trong một tuyên bố tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước hôm 8/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố chính phủ có thể giảm thuế phí và đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính khác, cũng như một số chính sách chi tiêu cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, theo ông Lý, "các doanh nghiệp trong nước có thể vượt qua quãng thời gian khó khăn này".
"Trọng tâm chính trong tương lai là xóa bỏ các rào cản trong kinh doanh và tạo ra một môi trường kinh doanh quốc tế theo định hướng thị trường và dựa trên luật pháp", thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh. Phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu vực phía Tây Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Đói nghèo và nợ
Mục đích là giảm bớt nỗi lo của những người lao động nhập cư thất nghiệp và buộc phải quay trở lại làng. Trong chuyến thăm đến tỉnh Quý Châu của Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình tạo công ăn việc làm với giới chức trách địa phương.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách để đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn vào năm 2020. Vào giữa tháng 6, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc xác nhận hơn 40% dân số chỉ có thu nhập khoảng 140 USD/tháng. Tuy nhiên, tất cả biện pháp này đều đi kèm với rủi ro tiềm tăng trong dài hạn.
Một trong những hệ quả của các biện pháp kích thích tăng trưởng là giới đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào thị trường chứng khoán, đánh cược bằng niềm tin nền kinh tế phục hồi. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của các công ty hàng đầu Trung Quốc tăng vọt hơn 28% kể từ mức thấp hồi tháng 3.
Sự hứng thú mới với chứng khoán khiến hàng loạt người thậm chí vay tiền để đầu tư. Cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc đã buộc phải đưa ra thông báo cấm giao dịch ký quỹ đối với 250 nhà giao dịch không có giấy phép.
Trường hợp tương tự từng xảy ra vào giữa năm 2015 và 2015 dẫn đến sự sụp đổ của giá tài sản. Trong khi đó, vay ngân hàng cũng tăng 13,2% trong tháng 6. Đây được coi là dấu hiệu phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra câu hỏi về tính bền vững của những khoản nợ này.
Chính phủ Trung Quốc xác nhận hơn 600 triệu người - tương đương 40% dân số - chỉ kiếm được trung bình 1.000 NDT (141 USD)/tháng trong năm 2019. Ảnh: Getty Images. |
Một báo cáo của cơ quan xếp hạng Fitch ước tính nợ chính phủ của Trung Quốc sẽ tăng lên 11,2% GDP từ mức 4,9% trong năm ngoái. Điều này cho thấy "mức độ thâm hụt ngân sách lớn hơn nhiều so với số liệu mà chính phủ đưa ra".
Một mối lo khác với ông Pettis tại Đại học Bắc Kinh là sự tăng trưởng liên tục của tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc. Hiện, tỷ lệ này có thể lên đến 279%. Đầu tháng 7, ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, kêu gọi các tổ chức tài chính ngân hàng thắt chặt hoạt động sau đợt rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng ở các tỉnh như Hà Bắc và Sơn Tây.
Theo Bloomberg, niềm tin của hơn 1 tỷ chủ tài khoản vào hệ thống ngân hàng có quy mô 43.000 tỷ USD của Trung Quốc đang bị bào mòn. "Từ trước đến nay, người gửi tiền vẫn nghĩ rằng các ngân hàng không có bất cứ rủi ro nào. Nhưng giờ suy nghĩ của họ đã thay đổi", chuyên gia Zhang Shuaishuai tại CICC bình luận.
Tin đồn các ngân hàng sụp đổ tràn lan trên mạng xã hội Trung Quốc, dẫn đến làn sóng rút tiền ồ ạt của người gửi.