Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hết Covid-19 đến lũ lụt, người Trung Quốc vật vã vì giá cả leo thang

Dịch Covid-19 chưa qua, lũ lụt lịch sử đã ập tới khiến giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng vọt, đẩy người tiêu dùng nước này vào tình cảnh khó khăn.

Theo CNBC, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết giá thực phẩm nước này tăng 11,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu tuần của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho thấy giá nông sản tăng 1,2% từ ngày 28/6 đến 5/7. Đến ngày 12/7, giá tiếp tục tăng thêm 0,8%.

Nhìn từ thị trường tiêu dùng, dịch Covid-19 giáng cú đòn choáng váng vào ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Trung Quốc vì người dân sợ hãi, hạn chế đến nhà hàng. Rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cũng chuyển từ đặt đồ ăn trực tuyến sang nấu ăn tại nhà.

Trong nửa đầu năm nay, ước tính 105.800 doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống Trung Quốc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động. Khoảng 70% trường hợp đóng cửa xảy ra vào quý II/2020, theo dữ liệu từ Qichcha.

Gia thuc pham Trung Quoc tang vot anh 1

Hàng chục nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Trung Quốc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động. Ảnh: Getty Images.

Lao đao vì thảm họa

Theo thống kê của CNBC, 70% trong số 990.500 trường hợp đăng ký hoạt động mới trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Trung Quốc cũng diễn ra vào quý II. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đóng cửa vẫn lớn hơn số đăng ký mới.

Theo bà Gao Huan, Giám đốc Công ty tư vấn Alvarez & Marsal (Bắc Kinh), giá thực phẩm tăng ở Trung Quốc khiến doanh thu của các nhà hàng sụt giảm trông thấy trong thời gian qua.

"Giá thực phẩm tăng do nguồn cung giảm và nhu cầu gia tăng. Trên thực tế, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục bởi hàng loạt thảm họa thiên nhiên khác - như lũ lụt ở miền nam Trung Quốc - tác động đến nguồn cung nguyên liệu thô. Tình trạng này sẽ sớm được phản ánh trên giá thị trường ", bà nhận định.

Theo truyền thông Trung Quốc, lũ lụt nghiêm trọng khiến 141 người chết và mất tích. Thiệt hại kinh tế trực tiếp đã vượt ngưỡng 86 tỷ NDT (12,3 tỷ USD) với khoảng 29.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 2,24 triệu dân phải di dời khẩn cấp.

Gia thuc pham Trung Quoc tang vot anh 2

Giá thịt lợn vẫn tăng dù Trung Quốc tăng nhập khẩu. Ảnh: Reuters.

Cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả tình trạng lũ lụt là "rất nghiêm trọng" và nhấn mạnh chiến dịch chống lũ "đã bước vào giai đoạn quan trọng".

"Chúng tôi dự đoán lạm phát CPI (chỉ số giá tiêu dùng) sẽ tăng lên 2,7% trong tháng 7 vì cú sốc nguồn cung do lũ lụt gây ra", CNBC dẫn lời chuyên gia kinh tế Ting Lu của Nomura bình luận.

Dù vậy, các nhà phân tích của Nanhua Futures cho rằng tác động lên giá thực phẩm chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lũ lụt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất thịt lợn.

Giá tiếp tục tăng

Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng 200% trong 18 tháng qua do dịch tả lợn châu Phi gây ra tình trạng khan hiếm thịt lợn. Trong tháng 6, giá tăng 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao ngay cả khi nước này tăng nhập khẩu. Trong nửa đầu năm, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng 140% so với năm trước đó. Trong khi đó, nhập khẩu thịt bò và đậu tương cũng tăng lần lượt 42,9% và 17,9%, theo dữ liệu của Cục Hải quan.

Ổ dịch Covid-19 mới ở Bắc Kinh cũng gây áp lực lớn lên thị trường, khiến thực phẩm tăng giá. Giá sản phẩm tươi tăng 9% trong tháng 6 tại thủ đô Trung Quốc. Thịt lợn và thực phẩm tăng giá đẩy CPI Trung Quốc tăng từ 2,4% trong tháng 5 lên 2,5% vào tháng 6. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức 5% và 4% ở vài tháng đầu năm.

Chuyên gia nghiên cứu Zong Liang tại Ngân hàng Trung Quốc dự đoán CPI ở mức 2,5% cho thấy lạm phát cả năm sẽ dưới 3%. Ông khẳng định bất cứ sự tăng giá nào cũng chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Gia thuc pham Trung Quoc tang vot anh 3

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi chậm chạp sau đại dịch. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, với các đợt bùng phát mới, nền kinh tế nói chung sẽ phải phục hồi dần dần. "Sự phục hồi của thị trường sẽ không diễn ra nhanh chóng", chuyên gia Zong nói. Đây sẽ là một quá trình khó khăn đối với các nhà hàng.

"Chúng tôi đã thấy rất nhiều nhà hàng vừa và nhỏ rời khỏi cuộc chơi. Ngành công nghiệp sẽ tiếp tục cải tổ", chuyên gia Gao nhận định. "Nhu cầu nói chung đối với các nhà hàng sẽ không phục hồi hoàn toàn. Chỉ 80-90% trở lại bình thường. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi", ông nói thêm.

Vì vậy, theo chuyên gia Gao, các nhà hàng Trung Quốc cần đổi mới để tồn tại trong nền kinh tế hậu dịch Covid-19 bằng những chiến lược như khai thác kênh bán hàng trực tuyến, cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và đảm bảo an toàn và chất lượng cho khách hàng.

Sức mạnh tiêu dùng 6.000 tỷ USD của Trung Quốc bị tàn phá

3 tháng sau khi Bắc Kinh nới lỏng các lệnh hạn chế, người tiêu dùng Trung Quốc, với sức mạnh chi tiêu lên đến 6.000 tỷ USD, vẫn lưỡng lự trong việc di chuyển và vung tiền mua sắm.

Người phương Tây sẵn sàng trả giá đắt để loại bỏ hàng Trung Quốc

Hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc có thể khiến giá cả tăng cao. Nhưng nhiều người phương Tây chấp nhận trả giá đắt.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm