Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế TQ có thể không tăng trưởng, hàng chục triệu người mất việc

Nền kinh tế Trung Quốc cho thấy vài dấu hiệu gượng dậy sau cơn tê liệt vì virus corona chủng mới, tuy nhiên vẫn đối mặt với nguy cơ tăng trưởng lao dốc, hàng triệu người mất việc.

Theo CNN, các nhà phân tích Trung Quốc và thế giới đồng loạt dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm từ 6,1% của năm 2019 xuống 1-2% năm nay. Mới đây, nhóm chuyên gia của UBS và Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay xuống lần lượt 1,5% và 3%.

Thậm chí Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo với kịch bản tồi tệ nhất, nền kinh tế có quy mô 14.000 tỷ USD sẽ tăng trưởng 0%, thấp nhất trong vòng 44 năm và tệ hơn cả giai đoạn suy thoái toàn cầu 2008-2009 và năm 1990.

Ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng tỏ ra ngần ngại với việc đặt lại mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay. Một đại diện Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố Bắc Kinh không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020.

kinh te Trung Quoc sau dich Covid-19 anh 1

Nhiều nhà máy, xí nghiệp Trung Quốc đã mở cửa trở lại từ đầu tháng 3. Ảnh: Reuters.

Gượng dậy với các biện pháp hỗ trợ

"Rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng 4-5% Nhiều người dự báo GDP chỉ tăng 1-2% năm nay. Đây là điều có thể xảy ra", Nhật báo Kinh tế dẫn lời ông Ma Jun, thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của PBOC, cho biết.

Ông Ma giải thích do chưa thể đưa ra dự báo tăng trưởng, chính quyền Trung Quốc không xác định được cần kích thích kinh tế ở quy mô như thế nào. Mục tiêu tăng trưởng "phi thực tế" có thể khiến chính quyền các địa phương ồ ạt đổ tiền vào hạ tầng. Biện pháp này không giúp cải thiện tỷ lệ thất nghiệp và cũng như đời sống người dân.

Dù vậy, khảo sát chính thức của Trung Quốc cho thấy ngành sản xuất nước này đang gượng dậy sau giai đoạn tê liệt hồi tháng 2 vì dịch virus bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc). Phần lớn các nhà máy đã mở cửa trở lại hồi đầu tháng 3. Các chỉ số mua hàng và sản xuất đều tăng.

Bắc Kinh cũng công bố một số gói kích thích kinh tế mới. Ngày 31/3, Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo sẽ chi hơn 3.000 tỷ NDT (423 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

kinh te Trung Quoc sau dich Covid-19 anh 2

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn lớn. Ảnh: Reuters.

PBOC sẽ cung cấp thêm 1.000 tỷ NDT (141 tỷ USD) cho các ngân hàng nhỏ và vừa, đồng thời hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Hai biện pháp này đều nhằm mục tiêu mở rộng nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng cam kết hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình thu nhập thấp hoặc người mất việc làm từ tháng 3 đến 6. Bắc Kinh chưa công bố con số cụ thể, nhưng cho biết hơn 67 triệu người sẽ hưởng lợi từ chính sách này.

Hàng chục triệu người mất việc

Bắc Kinh cũng đang nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp ôtô. Tháng 1 và 2, ngành này lao đao khi doanh số sụt giảm 42%. Chính quyền sẽ gia hạn trợ giá và giảm thuế cho xe điện thêm 2 năm, đồng thời giảm thuế đánh lên xe đã qua sử dụng từ tháng 5 đến hết năm 2023.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một số chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Các nhà sản xuất phải xây dựng lại chuỗi cung ứng bị trì trệ sau nhiều tháng, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng leo thang khi người lao động toàn quốc ồ ạt trở lại nơi làm việc.

“Hãy nhìn xa trông rộng hơn, đây chưa phải lúc để Trung Quốc ăn mừng”, chuyên gia Larry Hu đến từ Macquarie Capital nhận định. Nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nhấn mạnh: “Việc các nhà máy mở cửa không có nghĩa là Trung Quốc sớm trở lại thời kỳ tiền dịch. Nền kinh tế chỉ dịch chuyển nhẹ so với tình hình ảm đạm hồi tháng 2”.

Hơn nữa, ngành sản xuất Trung Quốc cũng gặp khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu rơi tự do trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Mỹ và châu Âu, trong khi giá dầu chạm đáy thấp nhất trong 18 năm qua.

kinh te Trung Quoc sau dich Covid-19 anh 3

Hàng chục triệu lao động Trung Quốc có thể mất việc làm. Ảnh: Getty Images.

Hãng Nomura dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc chỉ đạt 1% trong năm 2020, khiến hàng triệu người mất việc làm. "Chúng tôi ước tính chỉ riêng xuất khẩu sụt giảm sẽ khiến 18 triệu người lao động Trung Quốc mất việc làm trong quý II", nhà kinh tế Ting Lu của Nomura cho biết.

Tạp chí Tài Kinh sẽ công bố khảo sát về ngành công nghiệp dịch vụ của Trung Quốc vào ngày 3/4. Đây là ngành chiếm 60% GDP Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng dù kết quả có thế nào thì chính quyền Trung Quốc cũng sẽ phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.

"Cuối cùng, chúng tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay đáng kể. Bắc Kinh cũng cần tập trung vào hoạt động kiểm soát dịch, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thị trường lao động", nhà kinh tế Tao Wang của UBS nói.

Trung Quốc kêu gọi người dân 'thư giãn, ăn uống và mua sắm'

Khi phần còn lại của thế giới đóng cửa, Trung Quốc chật vật để vực dậy nền kinh tế khi người dân vẫn còn sợ hãi và hạn chế chi tiêu.

'Cú sốc virus thứ hai' khiến các nhà máy Trung Quốc lao đao

Đã mở cửa trở lại nhưng các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc điêu đứng vì hàng loạt công ty tại Mỹ và châu Âu hủy đặt hàng, hoãn thanh toán.

Hương Giang

Bạn có thể quan tâm