Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế TP.HCM đang tăng trưởng chậm lại

Kinh tế TP.HCM trong quý II tăng chậm hơn quý I, khiến tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp nhất khu vực Đông Nam Bộ và 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý II ở mức thấp nhất khu vực Đông Nam Bộ và nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại Phiên họp UBND TP.HCM thường kỳ tháng 6 năm 2024 chiều 1/7, Cục trưởng Cục Thống kê TP Nguyễn Khắc Hoàng cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của quý II chậm lại so với quý I.

"Quý I GRDP TP.HCM tăng cao hơn bình quân cả nước nhưng sang quý II tăng thấp hơn. Tính chung 6 tháng chỉ cao hơn cả nước 0,04 điểm %, so với khu vực Đông Nam Bộ và 5 thành phố trực thuộc trung ương thì tăng trưởng quý II của TP.HCM đứng thấp nhất", ông Nguyễn Khắc Hoàng nhấn mạnh.

Sức khỏe doanh nghiệp suy giảm

Theo lãnh đạo Cục Thống kê TP.HCM, sản xuất trên địa bàn đang chậm lại, riêng công nghiệp chế biến chế tạo tăng thấp hơn mức tăng chung của ngành sản xuất công nghiệp, lực lượng lao động cũng suy giảm.

"Qua tìm hiểu, các doanh nghiệp cho biết đơn hàng đã tăng trở lại nhưng lao động giảm, cho thấy năng lực sản xuất hạn chế, trong khi chi phí đầu vào tăng nhanh làm giảm hiệu quả sản xuất. Chúng tôi dự báo nhu cầu sản xuất sắp tới sẽ bị ảnh hưởng, TP cần lưu ý vấn đề này", ông Nguyễn Khắc Hoàng nói thêm.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng nhấn mạnh sức khỏe của các doanh nghiệp đang suy giảm, tình trạng thanh lọc thị trường đang diễn ra với các doanh nghiệp vốn mỏng.

Qua khảo sát, ông cho biết số doanh nghiệp sụt doanh thu tăng vọt, lượng hàng tồn kho cũng gia tăng, khó khăn phổ biến là nợ khó đòi dai dẳng. Trong khi đó, xuất khẩu là điểm sáng nhưng lợi nhuận các doanh nghiệp lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá cước vận tải tăng gấp đôi.

"Các doanh nghiệp đang khó khăn vì thiếu thị trường, vì vậy cũng không có nhu cầu vay vốn, trong khi các áp lực về nghĩa vụ thuế, kinh phí công đoàn vẫn ở mức cao so với khả năng của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền", ông Nguyễn Phước Hưng phát biểu tại phiên họp.

kinh te tphcm anh 1

UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2024 chiều 1/7. Ảnh: TTBC.

Nhìn chung tình hình của các doanh nghiệp ở góc độ số liệu, ông Nguyễn Khắc Hoàng cho biết TP đã cấp phép thành lập mới cho gần 25.250 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hơn 20.600 doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động, tăng 12,2% so với nửa đầu năm ngoái.

Dù vậy, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 - cho rằng sự tăng trưởng chậm lại của TP.HCM thuộc về vấn đề chung của cả nước. Ông dẫn chứng trong 6 tháng đầu năm cả nước thành lập mới gần 80.500 doanh nghiệp nhưng cũng có 110.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

"Sức mạnh của doanh nghiệp cả nước đang có vấn đề, đây là điều lo chung của cả nước chứ không phải chỉ có TP.HCM", TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Áp lực giải ngân đầu tư công, gỡ vướng các dự án

Trong bối cảnh này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ước tính tăng trưởng GRDP trong quý III phải trên 7% và quý IV phải vượt lên nữa, có thể là 8% thì TP.HCM mới đạt được mức tăng trưởng 7,5-8% trong năm nay.

Để đạt được mục tiêu, Chủ tịch Mãi nhấn mạnh nhiệm vụ đầu tiên trong 6 tháng cuối năm là phải hết sức nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư.

"Cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền TP, các sở ngành phải tập trung các biện pháp, tháo gỡ những điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng. Vướng mắc ở đầu tư, cả đầu tư công lẫn tư nhân, đều phải tháo gỡ", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trong đó, ông cho biết TP.HCM đã thành lập tổ chuyên trách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn, mỗi tuần đều rà soát lại và tháo gỡ.

kinh te tphcm anh 2

Chủ tịch Phan Văn Mãi ước tính tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý III phải trên 7% và quý IV phải hơn 8% thì TP.HCM mới đạt được mức tăng trưởng 7,5-8% trong năm nay. Ảnh: TTBC.

Thứ hai, ông nhắc lại chủ đề năm nay của TP là chuyển đổi số và triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Do đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành, quận, huyện, TP, cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia phiên họp phân tích và đề xuất các giải pháp mang tính nền tảng, trọng tâm, đột phá để TP đi sâu vào thực hiện.

Thứ ba, lãnh đạo TP cho biết đã yêu cầu giám đốc các sở ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, TP rà soát lại các chỉ tiêu chính và các nhiệm vụ giải pháp, đặc biệt là 49 chương trình, đề án, dự án trọng điểm về kinh tế xã hội. Qua đó, ban đầu UBND TP dự kiến có 6/23 chỉ tiêu phải tập trung thực hiện, đạt kết quả cao nhất từ nay đến cuối năm 2025.

"Chúng ta cần thống nhất sẽ tập trung những chương trình, dự án nào, hoàn thành hồ sơ hay khởi công, khánh thành dự án nào, để đến đại hội lần thứ XII Đảng bộ TP chúng ta có thể trả lời đã hoàn thành bao nhiêu chỉ tiêu, hoàn thành cơ bản bao nhiêu chỉ tiêu, tiến độ các dự án, chương trình như thế nào...", Chủ tịch Mãi nêu rõ.

Lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị chủ tịch các quận, huyện, TP đưa ra các kiến nghị cụ thể. Trên cơ sở đó, trong tháng 7 TP sẽ có cuộc họp chuyên đề để các địa phương trao đổi trực tiếp với các sở ngành để giải quyết.

Theo TS Trần Du Lịch, vấn đề cốt lõi của TP.HCM là vướng mắc việc thực thi các chính sách, cơ chế vào thực tiễn các dự án.

"Cái gì thuộc về quy định thì chúng ta làm được, nhưng tới dự án cụ thể, đi vào cuộc sống thì chưa. Cho nên sắp tới chúng ta cần tập trung vào tháo gỡ, triển khai các dự án cụ thể. Những gì đã làm trong quý II thì đến quý III phải phát huy tác dụng; cần tập trung đạt được những chỉ tiêu có thể làm được trước mắt", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Kinh tế Bắc Ninh, Quảng Nam hồi phục, thoát nguy cơ 'đội sổ'

Nhiều tỉnh thành có mức tăng trưởng GRDP dưới mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, thứ hạng đã có sự thay đổi khi một số địa phương chứng kiến kinh tế hồi phục trở lại.

Bắc Giang tiếp tục là quán quân tăng trưởng kinh tế

Bắc Giang ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I, qua đó nâng mức tăng 6 tháng đầu năm lên 14,31% và bỏ xa nhiều địa phương như Khánh Hòa, Thanh Hóa.

GDP quý II tăng 6,93%

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2023.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm