Thế giới trong những ngày đầu năm 2020 đã phải hứng chịu sự hỗn loạn từ Trung Đông sau vụ việc Qassem Soleimani - được xem là nhân vật quyền lực thứ 2 tại Iran - bị Mỹ không kích sát hại theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.
Trước cái chết của nhà tư lệnh vũ trang hàng đầu Iran, người dân nước này không khỏi bức xúc với hành động cực đoan của ông chủ Nhà Trắng. Lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei cho biết sẽ trả thù với những bàn tay đã nhuốm máu tướng Soleimani. Con gái của ông Soleimani cũng đưa ra lời đe dọa về “ngày đen tối” đối với nước Mỹ.
Hàng chục nghìn người khóc trong lễ viếng Soleimani. Ảnh: AP. |
Căng thẳng vũ trang giữa Mỹ và Iran theo đó đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với giới phân tích. “Nền kinh tế thế giới vốn chịu nhiều áp lực từ thương chiến Mỹ - Trung đã chạm đáy vào cuối năm 2019 rồi bật tăng vào những ngày đầu năm mới, nhưng xung đột vũ trang tại Trung Đông đã khiến mức tăng này đóng băng”, Jason Tuvey - nhà kinh tế trưởng các thị trường mới nổi tại Capital Economics nhận định.
Thị trường chao đảo
Theo ông, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước mối nguy hại lớn khi mọi việc đã vượt qua tầm kiểm soát, đặc biệt khi Mỹ đang phát động cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Iran.
"Một khi nền kinh tế Iran sụp đổ, nó có thể kéo GDP toàn cầu xuống 0,3%, tương tự như tác động của thương chiến Mỹ - Trung. Ngoài ra, chưa kể đến việc nền kinh tế Iran vốn đã bị bóp nghẹt nhiều năm qua bởi các sắc lệnh của Mỹ lên chương trình hạt nhân", ông cho biết.
Căng thẳng Mỹ - Iran cũng làm chao đảo thị trường tài chính. Cụ thể, tại phố Wall, các chỉ số chính trên sàn giao dịch cuối tuần trước đều chốt phiên trong trạng thái giảm. Theo đó, S&P 500 trượt 0,7%; Dow Jones cũng giảm 0,81%.
Sự biến động của thị trường chứng khoán càng làm tăng mối lo ngại đối với giới đầu tư về việc tìm kiếm “vốn phòng thủ an toàn”, đẩy giá vàng lên cao kỷ lục kể từ năm 2013. Bloomberg cho biết giá vàng thỏi giao ngay vào sáng 6/1 đã tăng 2,3% lên mức 1.588,13 USD/ounce - mức cao nhất kể từ tháng 4/2013. Lúc này, vàng được xem là lựa chọn an toàn nhất đối với giới đầu tư.
Lạm phát từ dầu mỏ
Xung đột vũ trang cũng kéo giá dầu lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2019. Theo AFP, giá dầu thô Brent tại London tăng 4,5% lên mức 69,23 USD/thùng, giá dầu thô WTI tại New York cũng tăng 4,1%, lên mức 63,71 USD/thùng.
Theo nhận định của ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng Pantheon, một khi có chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran, cơ sở hạ tầng của ngành dầu mỏ sẽ là một mắt xích quan trọng, nhất là hai bên có thể sẽ đi theo hướng “ăn miếng trả miếng” trong tình trạng căng thẳng như hiện nay.
Eo biển Hormuz được xem là "thùng thuốc súng" trong căng thẳng Mỹ - Iran. Ảnh: LA Times. |
Một tình huống giả định trong kế hoạch trả đũa của Iran là việc đóng cửa Eo biển Hormuz, cửa ngõ quan trọng chiếm hơn 1/2 lượng dầu mỏ tiêu thụ trên toàn thế giới. Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nhận định đây là "nút cổ chai quan trọng nhất thế giới".
Trong quá khứ, Iran cũng từng đe dọa sẽ phá vỡ các đoạn trung chuyển dầu mỏ tại đây nhằm đáp trả việc Mỹ ra sức bóp nghẹt nền kinh tế của nước này.
Nếu kịch bản này xảy ra, các nhà phân tích dự báo giá dầu Brent có thể lên 150 USD/thùng, kéo mức lạm phát tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tăng thêm 3,5-4%. Lúc này, giá dầu tăng sẽ gây gánh nặng lớn đối với người tiêu dùng và là cú giáng mạnh lên các nhà sản xuất.
“Tuy nhiên, rất khó để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gia tăng lãi suất nhằm kìm chế lạm phát do giá dầu. Chúng ta nên quan tâm tới việc liệu bất ổn địa chính trị tại Trung Đông châm ngòi cho xu hướng bán tháo cổ phiếu, làm giảm niềm tin từ doanh nghiệp và người tiêu dùng đến mức nào”, Shepherdson nhận định.