Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018. Nhiều vấn đề được quan tâm như tham nhũng, đạo đức xã hội, lãng phí vốn Nhà nước đã được đại biểu Quốc hội đề cập.
Kết quả chống tham nhũng làm nức lòng dân
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An) nói 2017 là năm đầu tiên 12/13 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2018 đạt 7,38% - cao nhất trong 10 năm gần đây. Sản xuất công nghệ tiếp tục phát triển cao, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số tài chính tiền tệ, dịch vụ, xuất nhập khẩu đều tăng trưởng khá.
Kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng làm nức lòng người dân cả nước. Ẩn sau thành tựu kinh tế là chỉ số lòng tin của nhân dân tăng lên, chính phủ tích lũy được bài học kinh nghiệm lớn trong chỉ đạo điều hành.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An). Ảnh: Quân Minh. |
Tuy nhiên, Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng từ thực tiễn cuộc sống, cử tri đòi hỏi Quốc hội Chính phủ cần phải làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn các vấn đề bức xúc. Đề cập đến vấn đề đạo đức, kỷ cương phép nước, ông Cầu nói thời gian gần đây vẫn xảy ra những chuyện động trời khó tin, mất nhân tính như lấy than củi trẻ làm thuốc trị ung thư, cà phê nhuộm pin, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, thảm án chết nhiều người…
“Cử tri lo lắng và tâm tư rằng ước gì đời sống kinh tế vật chất được như ngày nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu nói cần phải có biện pháp xử lý cứng rắn, mạnh tay, trừng trị các hành vi mất nhân tính.
Theo ông Cầu, cử tri phấn khởi với kết quả đấu tranh chống tham nhũng nhưng vẫn trăn trở trước tình trạng thất thoát ngân sách nhà nước nhất là trong đất đai, xây dựng cơ bản. Vẫn còn chuyện giao đất cho chủ đầu tư nhưng không triển khai gây lãng phí, đầu cơ, chọn đất vàng để chuyển nhượng, trục lợi cá nhân. Hay chuyện dân xây nhà chỉ hết 650 triệu còn Nhà nước xây phải hết 1 tỷ đồng nhưng chất lượng, thẩm mỹ không bằng.
Nêu ví dụ về sự lãng phí, ngoài 12 đại dự án thua lỗ mà Chính phủ đang ráo riết xử lý, Giám đốc Công an Nghệ An còn kể đến vi phạm ở hàng loạt dự án xây dựng, dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp vừa được kiểm toán nhà nước phát hiện. “Cá biệt như dự án nạo vét kè sông Sào Khê ở Ninh Bình điều chỉnh tăng đến 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ”, ông Cầu khẳng định những tâm tư của cử tri về thất thoát vốn nhà nước là có cơ sở.
Nghiên cứu báo cáo thẩm tra, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ, giải trình 3 vấn đề, trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh trưởng cao nhưng thu cân đối ngân sách trung ương lại thiếu hụt. Ngoài nguyên nhân khách quan là tăng trưởng phụ thuộc doanh nghiệp FDI, ông Cầu cho rằng còn có nguyên nhân chủ quan do Luật Thuế có vấn đề, hoặc cơ quan chức năng có vấn đề, chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến việc tính thiếu thuế GGT, thiếu thuế doanh nghiệp…
“Báo cáo kiểm toán xác định số phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm và kiến nghị nộp ngân sách nhà nước rất lớn, như Tổng công ty Sabeco là 2.668 tỷ đồng, Hebeco là 1.852 tỷ đồng…”, vị đại biểu nêu dẫn chứng.
Phát triển kinh tế chưa song hành với văn hóa
Dành nhiều thời gian nói về phát triển kinh tế nông nghiệp, đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) cho rằng cần tập hợp mọi nguồn lực khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này đồng thời có giải pháp làm gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, gia tăng lợi nhuận…
“Đời sống của người dân của người nông dân còn nhiều khó khăn, đi tìm cây trồng vật nuôi một cách đơn lẻ, tự phát, theo kiểu may rủi, thiếu bền vững”, ông Công cho rằng người dân chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước nên liên tục phải xin giải cứu.
Lưu Thành Công (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Quân Minh. |
Ông mong muốn Nhà nước đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, kiểm tra, kiểm soát tuân thủ nghiêm quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, được mùa mất giá.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có một kịch bản cụ thể về việc sản phẩm nông sản chủ lực khi không xuất khẩu được phải làm như thế nào, tránh tình trạng phải kêu cứu như hiện nay.
Trong phát biểu của mình, ông Lưu Thành Công cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường, xử lý triệt để các vấn đề như phòng cháy, hàng giả, sử dụng biên chế vượt quy định…
“Có ý kiến cử tri cho rằng phát triển kinh tế chưa song hành văn hóa, Chính phủ cần bình luận về vấn đề này. Cử tri kiến nghị cần dùng văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”, theo ông Công, đây là yêu cầu bức xúc khi những vấn đề đạo đức bị xói mòn, tiềm ẩn nguy cơ với xã hội.
Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công nói kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến văn hóa thì việc phát triển kinh tế là vô nghĩa. Đạo đức được nâng cao sẽ khắc phục được các vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ giữa người với người, giảm tệ nạn xã hội, công tác quản lý Nhà nước dễ dàng hơn.