Kinh tế Nhật trông chờ vào những 'người vợ quái gở'
Khi một người phụ nữ Nhật đi làm cô ta bị gọi là "người vợ quái gở". Chính phủ Nhật đặt kế hoạch tăng tỷ lệ phụ nữ đi làm để thúc đẩy nền kinh tế sau hai cuộc suy thoái.
Để đi làm trở lại sau khi sinh đứa con đầu tiên, Terue Suzuki đã về nhà bố mẹ đẻ ở vào những ngày trong tuần để nhờ họ trông con. Cô chỉ cùng con trở về nhà với chồng vào ngày cuối tuần. “Đó như một kiểu hôn nhân cuối tuần”, Suzuki, 40 tuổi làm việc cho một công ty viễn thông Nhật Bản nói. “Tôi từng có một công việc yêu thích và thực sự muốn đi làm trở lại. Trong xã hội Nhật Bản, khi một người phụ nữ đi làm thay vì ở nhà chăm sóc chồng con, cô ta bị gọi là “devil wife”, người vợ quái gở”.
Chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda hồi tháng 7 đã đặt kế hoạch tăng tỷ lệ phụ nữ đi làm để thúc đẩy nền kinh tế sau hai cuộc suy thoái kể từ năm 2007. Theo tính toán của Goldman Sachs, tăng lực lượng lao động nữ có thể khiến GDP của Nhật tăng thêm 15%.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố như thiếu dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ, áp lực xã hội và tính cứng nhắc của công việc khiến cho những người như Suzuki chỉ là một nhóm thiểu số ở Nhật Bản, nơi 70% phụ nữ nghỉ việc sau khi sinh con đầu lòng. Theo Goldman Sachs, tỷ lệ này ở Mỹ là 33%.
Hơn 70% phụ nữ nghỉ việc sau khi sinh con đầu lòng |
Suzuki đã rất may mắn khi được sự hỗ trợ của cấp trên và chồng. Hiện cô rất hạnh phúc với chồng và 2 đứa con sau 14 năm kết hôn, trong đó có 8 năm theo kiểu “hôn nhân cuối tuần”. Là một giám đốc phụ trách dịch vụ máy tính, công ty đã cho phép cô chuyển văn phòng để có thể đi làm đúng giờ. Công ty cũng đề nghị giảm giờ làm cho cô, dù cô vẫn chọn đi làm toàn thời gian.
Một tờ báo Nhật Bản đã đặt cho Suzuki nickname là oniyome, có nghĩa là người vợ quái gở, người vợ quỷ dữ, trong một chuyên mục về việc đi làm linh hoạt, nhấn mạnh quyết định của cô muốn trở lại đi làm hơn làm một bà nội trợ. Mục này đã thành một trang blog nổi tiếng và được dựng thành phim truyền hình 11 tập với tên gọi oniyome Nikki, tạm dịch là Nhật ký người vợ quái gở, phát sóng trên truyền hình Nhật Bản.
Một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu quốc gia về Dân số và An ninh xã hội năm 2010 với hơn 6.000 cặp vợ chồng Nhật Bản cho thấy, 70% người được hỏi cho rằng các bà mẹ nên nghỉ làm khi con còn nhỏ. Số lượng cơ sở chăm sóc trẻ cả ngày ở Nhật Bản vào khoảng 166/10.000 người, so với tỷ lệ 210 ở Anh, 365 ở Úc, cũng là một trở ngại cho phụ nữ.
Phân biệt đối xử ngầm
Nhật Bản xếp hạng đầu trong 144 nước về năng lực sáng tạo theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhưng nước này chỉ xếp hạng 87 về sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động, mức thấp nhất trong số nhóm các nước G7.
Một số phụ nữ cảm thấy họ bị phân biệt đối xử trong công việc, tuyển dụng khi họ đã kết hôn hoặc đang mang bầu. Hơn 700 người được hỏi cho rằng trở ngại lớn nhất của phụ nữ khi đi làm là cân bằng giữa công việc và gia đình. Quyết định lập gia đình sẽ khiến phụ nữ khó tìm việc hơn, hơn 72% người được hỏi cho biết.
Yoko Ogata, một nhân viên công ty thương mại cho biết: “Tôi muốn có con nhưng phải trì hoãn vì tôi muốn đạt được sự ghi nhận trong công việc”. Cô đã kết hôn vài năm với một người đồng nghiệp. Sau đám cưới, các đồng nghiệp khuyên cô “hãy làm một người vợ tốt”, hoặc bảo chồng cô “không nên để vợ đi làm”.
Otaga đã được làm phụ trách nhóm và giao vài dự án khi cô 36 tuổi, cô cảm thấy mình đã được ghi nhận cho sự cố gắng của mình. Ngay sau đó cô có bầu. “Tôi đã không biết phải làm gì. Đúng lúc được giao trách nhiệm quản lý các dự án, thì lại có bầu. Tôi lo mọi người nói “đó là lý do không nên tuyển phụ nữ”". Cô đã bị sẩy thai sau khi đi làm về lúc tối muộn ở tuần thứ 7 của thai kỳ.
“Chồng và mẹ chồng tôi đã rất giận dữ và nghi nghờ tôi cố tình để sảy thai”. Chồng cô sau đó đã ly dị với cô và tái hôn với một người đồng nghiệp khác. Ogata hiện 46 tuổi, vẫn độc thân và chưa có con.
Thay đổi nhận thức
“Khuyến khích phụ nữ đi làm phải là một “kế hoạch dài hơi”. Điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của mọi người”, giám đốc công ty nhân sự Hayls tại Nhật Bản nói.
Theo kế hoạch công bố ngày 31/7, chính phủ Nhật Bản dự kiến tăng tỷ lệ phụ nữ đi làm từ lứa tuổi 25 đến 44 lên 73% vào năm 2020. Đồng thời nâng tỷ lệ phụ nữ đi làm sau khi sinh con lên 50% vào năm 2016 và 55% vào năm 2020.
Theo Goldman Sachs, nếu tỷ lệ phụ nữ đi làm tăng từ 60% lên đến 80% so với nam giới, sẽ có khoảng 8,2 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng thu nhập và tiêu dùng.
Suzuki nghi nghờ việc Nhật Bản đạt được mục tiêu đa số phụ nữ tiếp tục đi làm sau khi sinh con. “Phần lớn các bà mẹ đều chăm sóc các cậu con trai kỹ lưỡng cho đến khi chúng ra trường. Chính họ đã tạo ra hình ảnh phụ nữ như là một bà mẹ cần mẫn trong mắt những người đàn ông tương lai của gia đình".
Theo VnMedia