Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế Nga vật lộn với lệnh trừng phạt

Nga sở hữu kho dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD, tuy nhiên các chuyên gia nhận định chính quyền Moscow chỉ còn tiếp cận được 50% nguồn lực này.

Theo CNN, chính phủ Nga đang cố gắng ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính sau khi đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tổng thống Vladimir Putin vừa phải tổ chức các cuộc họp với các cố vấn kinh tế hàng đầu nhằm tìm ra giải pháp khắc phục khủng hoảng.

Đồng nội tệ nước này (RUB) hiện ở mức thấp kỉ lục so với USD, buộc Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất cơ bản lên 20%, mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Moscow phải đóng cửa trong 2 ngày 28/2 và 1/3.

Vì làn sóng đổ xô rút tiền mặt, chi nhánh châu Âu của ngân hàng lớn nhất nước Nga đối mặt nguy cơ bị sụp đổ. Các chuyên gia quốc tế cảnh báo GDP Nga có thể sụt giảm 5%.

Kinh te Nga chao dao anh 1

Người dân Nga xếp hàng dài để rút tiền mặt. Ảnh: PBS.

Bờ vực khủng hoảng

Hôm 26/2, Mỹ, Canada cùng các nước phương Tây nhất trí trục xuất một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT, hệ thống nhắn tin liên ngân hàng gồm 11.000 thành viên trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Việc phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt từ cuối tuần qua khiến hàng loạt ngân hàng Nga trượt tới bờ vực khủng hoảng”, Liam Peach, chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại Capital Economics, nhận định.

Chính phủ của Tổng thống Putin đã dành 8 năm để chuẩn bị đối phó với nguy cơ cấm vận bằng cách xây dựng kho dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 630 tỷ USD, bao gồm ngoại tệ và vàng. Song, việc bị đóng băng tài sản đang đẩy “nền kinh tế pháo đài” của ông Putin vào tình trạng tồi tệ chưa từng có.

“Chúng tôi sẽ chặn giao dịch và đóng băng tất cả tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga để ngăn hoạt động tài trợ cho cuộc chiến”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.

Kinh te Nga chao dao anh 2

Giá trị đồng nội tệ Nga lao dốc mạnh. Ảnh: CNN.

Tương tự, chính quyền Mỹ tuyên bố cấm các giao dịch bằng USD với Ngân hàng Trung ương Nga. “Nói một cách đơn giản, chiến lược của chúng tôi là đảm bảo nền kinh tế Nga đi lùi chừng nào Tổng thống Putin còn đưa quân vào Ukraine”, một quan chức Washington nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Peach, ít nhất 50% kho dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD đang nằm ngoài phạm vi tiếp cận của chính quyền Moscow.

“Điều này là cần thiết để hỗ trợ khả năng ổn định tài chính, giá cả cũng như bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân khỏi xu hướng mất giá”, Ngân hàng Trung ương Nga thông tin về việc tăng lãi suất và những biện pháp hỗ trợ khác.

Ngón đòn SWIFT phát huy tác dụng

Nga là nước xuất khẩu dầu và khí đốt hàng đầu thế giới nhưng nhiều lĩnh vực khác phụ thuộc mạnh vào hoạt động nhập khẩu. Tình trạng đồng RUB trượt giá sẽ khiến hàng hóa mua vào với giá cao hơn, thúc đẩy lạm phát.

Việc phương Tây cấm vận hệ thống ngân hàng Nga và loại Nga khỏi SWIFT còn khiến hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này gặp khó khăn. Công ty lọc dầu Phần Lan Neste mới đây cho biết họ đã thay thế nguồn cung cấp dầu thô của Nga sang đơn vị khác.

“Nga đã chuẩn bị kế hoạch đối phó lệnh trừng phạt bài bản trong thời gian dài, bao gồm cả những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất mà chúng ta đang phải đối mặt. Vì vậy, luôn có kế hoạch được thực hiện mỗi khi vấn đề phát sinh”, Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho biết.

Giới phân tích cảnh báo các biện pháp trừng phạt liên tiếp của phương Tây có thể kích động người tiêu dùng Nga ồ ạt rút tiền ra khỏi ngân hàng và tích trữ tiền mặt.

Kinh te Nga chao dao anh 3

Đồng RUB đã trượt giá gần 30% so với phiên đóng cửa cuối tuần trước. Ảnh: Russia Direct.

“Các biện pháp trừng phạt nhắm vào hệ thống tài chính nội địa sẽ kích hoạt làn sóng rút tiền mặt, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất hoặc sử dụng dự trữ ngoại hối. Chúng tôi tin rằng họ cần thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, ngăn chặn làn sóng rút tiền và giảm nhu cầu ngoại hối”, Viện Tài chính Quốc tế nhận định.

Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước Nga, là một trong những tổ chức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh trừng phạt. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết Sberbank Europe, gồm các chi nhánh ở Áo và Croatia, đang bị thất thoát dòng tiền gửi do khủng hoảng.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào hệ thống tài chính nội địa sẽ kích hoạt làn sóng rút tiền mặt

Viện Tài chính Quốc tế

Tại London, giá cổ phiếu Sberbank đã giảm gần 70%, cổ phiếu của công ty khí đốt khổng lồ Gazprom cũng lao dốc 37%. Ngoài ra, cổ phiếu của nhà cung cấp dịch vụ Internet Yandex cùng 7 công ty Nga khác đã bị đình chỉ giao dịch trên Nasdaq.

Ngân hàng Trung ương Nga tuần trước đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để nâng giá trị đồng RUB. Hôm 25/2, cơ quan này cho biết đang tăng lượng tiền dự trữ cho các máy ATM để đáp ứng như cầu rút tiền mặt tăng mạnh.

Hôm 28/2, chính phủ Nga yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu đổi 80% doanh thu ngoại tệ lấy đồng RUB. Giới phân tích cho rằng đây là biện pháp giảm áp lực cho đồng nội tệ Nga.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng tạm thời yêu cầu các công ty môi giới ngăn nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu. Chính phủ Moscow đồng thời cấm các khoản vay ngoại hối và chuyển khoản ngân hàng của Nga kiều ở nước ngoài từ ngày 1/3.

Nga chuẩn bị gì cho các lệnh trừng phạt kinh tế?

Nga đang sở hữu kho dự trữ ngoại hối quốc tế trị giá 630 tỷ USD. Đây có thể là biện pháp giúp chính phủ nước này duy trì hoạt động chi tiêu trước các lệnh trừng phạt.

Ngọc Phương Linh

Bạn có thể quan tâm