Dữ liệu của Factset cho biết tỷ giá hối đoái hiện ở mức 119 RUB/USD. Đáng chú ý, tỷ giá hối đoái vài ngày trước đó chỉ ở mức 84 RUB/USD. Như vậy, giá trị đồng RUB đã giảm gần 30% so với USD.
Sau khi Nga chính thức đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào ngân hàng Nga, các khoản nợ công, Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Trong động thái mới nhất, hôm 26/2, Mỹ và các nước phương Tây nhất trí cắt một số ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT. Đây là hệ thống kết nối hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo giới phân tích, tình trạng đồng RUB trượt giá đã nằm trong kịch bản. Trong trường hợp giá trị đồng nội tệ vượt ngoài tầm kiểm soát, Ngân hàng Trung ương Nga có thể sớm tăng lãi suất và bán vàng.
“Nếu bán vàng, Nga sẽ giao dịch với những chính phủ có mối quan hệ thân thiện. Nhưng khả năng này đang thu hẹp dần. Với tôi, đồng RUB có thể chưa chạm đáy, không ngoại trừ khả năng tình hình sẽ chuyển biến tiêu cực”, Bipan Rai, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại CIBC Capital Markets, nhận xét.
Tỉ giá quy đổi USD sang ngoại tệ thuộc nhóm G10 chênh lệch lớn. Ảnh: Bloomberg. |
Ở chiều hướng ngược lại, giá trị đồng USD đang vượt trội so với hầu hết ngoại tệ trên thế giới. Xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục thúc đẩy nhu cầu dự trữ USD. Dự trữ tại các kho bạc Mỹ thời gian qua cũng tăng mạnh.
Trong Nhóm 10 đơn vị tiền tệ (G10 - nhóm tiền tệ phổ biến, có thanh khoản cao và được giao dịch nhiều nhất), đồng NOK của Na Uy và đồng SEK của Thụy Điển đã giảm 2%. Bên cạnh đó, nội tệ của Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhóm các thị trường mới nổi đang bị bán tháo gần đây.
“USD là vua, mang lại tính thanh khoản và trú ẩn an toàn. Khi khó khăn xuất hiện, bạn cần tìm chỗ ẩn nấp”, Rodrigo Catril, chiến lược gia tiền tệ tại National Australia Bank, cho biết.
Đồng USD đã tăng 0,6% vào ngày 28/2, mức tăng này trong tuần trước là 0,4%. Trước các động thái trừng phạt Nga của phương Tây, giới đầu tư đang đẩy mạnh hoạt động trú ẩn do áp lực lạm phát.
“Chúng ta vẫn đang ở trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng. Thị trường sẽ còn đối mặt với khoảng thời gian dài biến động. Bất kỳ rủi ro nào cũng có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn cho đến khi một giải pháp giải quyết khủng hoảng được đưa ra”, Win Thin, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co, nhận xét.
Diễn biến giá của RUB khiến nhiều người dân Nga lo lắng. Bất chấp tỉ giá hối đoái tại ngân hàng cao hơn 1/3 lần so với phiên đóng cửa hôm 25/2, người dân Nga vẫn quyết định xếp hàng dài ở các điểm rút và đổi tiền.