Theo CNN, hơn 50% trên tổng số 235 thành viên Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) dự báo tới năm 2022, GDP Mỹ mới có thể tăng trở lại mức trước đại dịch Covid-19. Đa số chuyên gia cũng cho rằng tới tháng 2/2022, thị trường việc làm của Mỹ mới gượng dậy. Có 25% khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kép, nghĩa là nền kinh tế gượng dậy rồi lại lao dốc trước khi phục hồi hoàn toàn.
Nhà kinh tế Mark Zandi thuộc Moody's Analytics nhận định nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn "nằm xa mức bình thường", nghĩa là như giai đoạn trước đại dịch. Dựa trên Chỉ số Trở lại Bình thường, nền kinh tế Mỹ chỉ hoạt động ở mức 78% so với bình thường.
Chỉ số Trở lại Bình thường kết hợp 37 chỉ số khác nhau, bao gồm thống kê của chính phủ (doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp, số đơn đặt hàng, số nhà được xây dựng...) và số liệu từ các công ty tư nhân (số lượt đặt chỗ của OpenTable, số giờ làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ của Homebase, số khoản vay thế chấp của Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp và nhiều chỉ số khác).
Các chuyên gia kinh tế Mỹ cảnh báo nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang suy thoái sâu. Ảnh: CNBC. |
So với những thước đo thông thường như GDP và tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số này cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về cách doanh nghiệp và người tiêu dùng phản ứng với đại dịch.
Tuy vẫn tồi tệ nhưng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh so với những ngày đen tối nhất hồi giữa tháng 4. Vào thời điểm đó, Chỉ số Trở lại Bình thường chỉ đạt mức 59%. Theo chuyên gia Mark Zandi, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi sau khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại. "Nhưng rõ ràng là các bang mở cửa quá nhanh dẫn đến dịch bệnh bùng phát trở lại", ông nhấn mạnh.
Chính quyền Washington tung ra các gói kích thích với quy mô hàng nghìn tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng vì đại dịch. Tuy nhiên, các nhà kinh tế có quan điểm khác nhau về phản ứng của chính phủ. 40% nhà phân tích của NABE cho rằng các gói kích thích là chưa đủ, 37% thấy đủ và số còn lại cho rằng chính phủ đã làm quá nhiều.
Nền kinh tế Mỹ vẫn còn nằm xa mức bình thường. Ảnh: CNN. |
Quốc hội Mỹ vẫn đang thảo luận về gói kích thích kinh tế tiếp theo. Hơn một nửa nhóm chuyên gia kinh tế của NABE tin rằng bảo hiểm thất nghiệp bổ sung và chương trình bảo vệ tiền lương cho các doanh nghiệp nhỏ nên được mở rộng. Hầu hết dự đoán quy mô gói kích thích tiếp theo là 1.000 tỷ USD hoặc hơn.
Ngoài ra, 62% chuyên gia được khảo sát tin rằng một chính quyền của cựu Phó tổng thống Joe Biden - ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ - sẽ có lợi cho tăng trưởng kinh tế Mỹ hơn so với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo giới chuyên gia, chống dịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế và chính sách y tế là ba vấn đề chủ chốt của chính quyền tiếp theo. Thâm hụt ngân sách liên bang đã tăng vọt nhưng các nhà kinh tế cho rằng đó không phải là vấn đề cần quan tâm. Bởi kích thích kinh tế là cần thiết để vượt qua khủng hoảng.