Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

USD trượt giá, vị thế đồng tiền quốc tế có bị đe dọa?

Theo CNBC, đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu với mức giá còn có thể trượt dài trong tương lai. Tuy nhiên, vị thế là đồng tiền dự trữ thế giới sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

Các nền kinh tế vật lộn để vượt qua đại dịch khiến đồng bạc xanh mất giá liên tục. Nhiều người đặt câu hỏi vị thế đồng tiền thanh toán quốc tế của USD liệu có bị lấn áp bởi đồng NDT và EURO?

Trên thực tế, khi đại dịch mới bùng phát vào đầu tháng 3, tỷ giá đồng bạc xanh tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 3 năm khi nhà đầu tư đổ xô tìm nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn.

USD truot gia,  vi the dong tien quoc te co lung lay? anh 1

Chật vật đối phó với đại dịch Covid 19, chính phủ Mỹ tung ra ồ ạt các gói cứu trợ kinh tế và hạ sâu lãi suất khiến đồng USD rớt giá thê thảm. Ảnh: CNBC.

Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ và nhiều quốc gia vẫn chật vật thoát khỏi sự sụp đổ kinh tế do đại dịch với mức hồi phục vô cùng chậm chạp. Khi mức thâm hụt ngân sách gia tăng, triển vọng lãi suất tuột dốc của Mỹ trong tương lai lâu dài mang đến tác động tiêu cực đến đồng USD.

Chỉ số USD index tiếp tục lao xuống mức thấp nhất trong 27 tháng qua vào tuần trước, chỉ còn 92,477. Hồi tháng 3, chỉ số này vẫn đang ở ngưỡng 102 trước khi trượt dài trong các tháng sau đó. Hiện, chỉ số USD index được niêm yết ở mức 93,16.

"Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tương đối vượt trội so với khu vực đồng EURO và Nhật Bản, ít nhất là trong vài năm tới khi tác động của đại dịch Covid-19 đang chững lại. Thêm vào đó, quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ EUR mới của Liên minh châu Âu (EU) cũng khiến giới đầu tư phấn khởi và gia tăng niềm tin vào đồng EURO như một lựa chọn thay thế”, chuyên gia Patrik Schowitz của JPMorgan Asset Management nhận định.

Chuyên gia về quản lý tài sản đa quốc gia còn phân tích: “Việc cắt giảm lãi suất, thu hẹp lợi thế khiến đồng USD cũng trở thành kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Điều này sẽ khiến dòng vốn đổ vào các loại tiền tệ tích trữ khác. Trong khi thị hiếu đầu tư mang tính chất chu kỳ này khó có thể đảo ngược nhanh chóng, kịch bản xấu cho đồng USD có thể tiếp diễn lâu dài và mức trượt giảm còn nghiêm trọng hơn”.

Chung quan điểm này, viện đầu tư BlackRock cũng cho rằng sự suy yếu của đồng USD duy trì dài hơi bởi các yếu tố không thuận lợi với đồng bạc xanh tiếp diễn.

“Triển vọng đồng USD như một phương án trú ẩn đầu tư có thể duy trì. Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn còn đầy những kịch tính và cần được quan sát thêm”, chiến lược gia của BlackRock viết trong một báo cáo.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia cũng lo ngại liệu vị thế đồng USD có thể lung lay trong rổ tiền tệ quốc tế. Nhà kinh tế học cao cấp của công ty nghiên cứu Capital Economics, Jonas Goltermann lo ngại đồng USD đang bị “phóng đại nghiêm trọng”.

Vị này cho hay sự rớt giá liên tục có thể là hệ quả khi vị thế đồng bạc xanh trong dự trữ ngoại hối toàn cầu lao dốc. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, tỷ trọng USD trong tổng dự trữ toàn cầu đã giảm từ 64,7% trong quý I/2017 xuống khoảng 62% trong quý I/2020, so với mức 60% trong năm 2019.

Tuy nhiên, ông Goltermann chỉ ra rằng động thái gây nên sụt giảm của chỉ số USD index từ tháng 3 đến nay không hề do sự thay đổi trong trạng thái ngoại hối các quốc gia. Việc lãi suất liên tục giảm đáy và khu vực EU tung ra các phương pháp kích thích kinh tế mới là nguyên nhân gây tác động tiêu cực đến đồng USD. Động thái sau còn khiến dòng vốn chuyển dịch “đáng kể” sang đồng EURO. Kể từ tháng 6, đồng USD trượt giá 6,6% so với đồng tiền chung EU.

Ngược lại, Goltermann còn cho rằng đại dịch góp phần “củng cố” vai trò của đồng USD như một loại tiền tệ quốc tế chủ chốt.

“Hơn cả, vị thế của đồng USD của Mỹ vẫn vững vàng dù điều kiện toàn cầu biến đổi phức tạp. Đồng tiền của hai khu vực kinh tế lớn nhất thế giới chỉ sau Mỹ là EU lẫn Trung Quốc vẫn chưa thể vươn lên trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Trong khi đồng EURO khó phát huy ưu thế do mối liên kết chính trị còn yếu và đồng NDT còn chịu các ràng buộc kiểm soát của chính phủ Trung Quốc - cả hai vẫn chỉ giữ vai trò vô cùng hạn chế với tư cách là đồng tiền dự trữ ngoại hối”, Goltermanm lý giải.

Sven Schubert, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Vontobel Asset Management vẫn cho rằng đồng NDT và EURO là những ứng cử viên tiềm năng nhất có thể soán ngôi đồng bạc xanh trong những thập kỷ tới. Nhưng phải thừa nhận rằng hiện tại cả hai đồng tiền vẫn chưa thể là “đối trọng đáng kể” trong bối cảnh 50% hợp đồng thương mại toàn cầu vẫn được tính theo USD, trong dù Mỹ chỉ chiếm 12% giá trị thương mại toàn cầu.

Schubert cho rằng “Không thể phủ nhận mức độ phủ sóng rộng của thị trường tài chính Mỹ. Các ngân hàng trung ương có khuynh hướng duy trì dự trữ ngoại hối bằng USD, các giao dịch quan trọng được thực hiện bằng USD và hầu hết hợp đồng thương mại vẫn được định giá bằng USD và EUR”.

An Chi

Bạn có thể quan tâm