Theo Bloomberg, các hoạt động kinh doanh tại Hong Kong đang chao đảo vì sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Những quy định giãn cách xã hội mới sẽ kìm hãm doanh thu của các nhà hàng và cửa hiệu. Những chuyến bay chở mọi thứ từ cherry Australia đến thịt bò Wagyu bị cắt giảm có thể đẩy chi phí tăng cao, từ đó làm gia tăng lạm phát.
Cathay Pacific Airways Ltd. đã hủy hàng trăm chuyến bay. Sức chứa hàng hóa có thể giảm xuống dưới 20% so với mức trước đại dịch. Trong vòng 3 tuần, chi phí hậu cầu có khả năng tăng 40%. Các nhà nhập khẩu cho rằng giá trái cây sẽ gia tăng 10%.
Hong Kong thắt chặt các quy định để đối phó với sự gia tăng của biến thể Omicron. Ảnh: Reuters. |
Chiến lược "Zero-Covid"
Với chiến lược "Zero-Covid" (đưa số ca nhiễm mới về 0), Hong Kong đã đóng cửa các quán bar, phòng gym và rạp chiếu phim.
Chuỗi cung ứng vốn đã gián đoạn giờ đứt gãy hoàn toàn. Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi tình trạng chậm trễ trong việc giao những mặt hàng chủ lực như sữa chua, hải sản, phô mai cao cấp.
Làn sóng Omicron khiến thành phố chao đảo. Hong Kong có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Do lo ngại về biến thể mới, chính quyền thành phố đã rút lại chính sách miễn cách ly đối với phi hành đoàn.
Điều đó có nghĩa là Cathay buộc phải cắt giảm các chuyến bay chở hàng. Trong tháng 1, hãng sẽ chỉ hoạt động ở mức 20% công suất so với trước đại dịch do thiếu nhân lực.
Hong Kong đã rút lại chính sách miễn cách ly đối với phi hành đoàn. Thành phố cũng cấm các chuyến bay chở khách từ 8 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và Australia. Ảnh: Reuters. |
Hong Kong cũng cấm các chuyến bay chở khách từ 8 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và Australia, làm giảm khả năng vận chuyển hàng hóa.
Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng gián đoạn. Những nhà cung cấp có thể thiếu hụt mọi thứ, từ cà tím đến tôm hùm. Nguồn cung hoa từ châu Âu cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng có khả năng cạn kiệt.
Lĩnh vực bán lẻ và nhà hàng của Hong Kong chỉ mới bắt đầu phục hồi sau nhiều tháng bị hạn chế. Nhưng giờ, ngành công nghiệp này có thể bỏ lỡ mùa chi tiêu cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán.
Doanh thu từ cả hai lĩnh vực này đạt 326 tỷ HKD (42 tỷ USD) trong 3 quý đầu năm ngoái, sau khi thành phố nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội. Con số này thấp hơn gần 30% so với cùng kỳ năm 2018, trước khi một loạt cuộc biểu tình diễn ra ở Hong Kong giáng đòn lên nền kinh tế.
Nỗi ác mộng hậu cần
Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách vượt qua cơn ác mộng hậu cần. Ông Richard Poon - Giám đốc điều hành On Kee Dry Seafood - cho biết các đơn hàng bào ngư đóng hộp và ốc xà cừ đã mắc kẹt ở Australia.
"Nguồn cung sẽ ngày càng thắt chặt. Chúng tôi lo rằng không còn hàng để bán cho khách hàng", ông chia sẻ.
Ông Elmond Cheung - Phó chủ tịch điều hành chuỗi siêu thị City Super Group - cho biết chi phí vận chuyển sẽ còn “dao động hơn nữa”. Nguyên nhân là nhu cầu vận chuyển qua đường hàng không vẫn ở mức cao.
Trước đó, công ty cũng phải đối mặt với các vấn đề về vận tải đường biển như thời gian giao hàng lâu và chi phí tăng cao. "Những yếu tố này khiến giá bán lẻ tăng hai con số", ông Cheung thừa nhận.
Ông Jacques Derreumaux - đồng sáng lập Cheese Club and WHAT’sIN, dịch vụ giao hàng cung cấp phô mai Pháp, trái cây tươi và rau quả - tiết lộ ông phải thay đổi kế hoạch vận chuyển bằng đường hàng không. Bởi những chuyến bay chở khách từ Pháp đã bị cấm.
Nguồn cung sẽ ngày càng thắt chặt. Chúng tôi lo rằng không còn hàng để bán cho khách hàng
Ông Richard Poon, Giám đốc điều hành On Kee Dry Seafood
"Nếu tình trạng gián đoạn đối với vận chuyển bằng đường hàng không tiếp tục kéo dài, tất cả nhà nhập khẩu sẽ gặp vấn đề lớn", ông than thở.
Các quy tắc chống dịch nghiêm ngặt của Hong Kong tương đồng với chiến dịch "Zero Covid" của Trung Quốc đại lục. Nhưng khác với đất nước 1,4 tỷ dân, thành phố 7,4 triệu dân phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Điều này làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của mục tiêu đưa số ca nhiễm mới về 0.
Theo ông Michael Li tại Hiệp hội Nhà xuất khẩu và nhập khẩu Trung Quốc tại Hong Kong, việc hạn chế đi lại sẽ dẫn đến giá bán lẻ tăng đột biến.
Ông Li dự đoán thời gian giao hàng sẽ lâu hơn và chi phí vận chuyển có thể tăng khoảng 30%. Chẳng hạn, theo ông Li, người tiêu dùng thành phố có thể chứng kiến giá hoa tươi tăng 20-30%. Bởi Hong Kong thường nhập khẩu hoa từ châu Âu.
Giá tại các nhà hàng Nhật Bản cũng có thể tăng vọt. Bởi họ thường sử dụng những nguyên liệu hải sản cao cấp. "Có nhiều dấu hiệu cho thấy chuỗi hậu cần hàng không đang sụp đổ", ông Gary Lau - Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận và Tiếp vận Hong Kong - bình luận.