Theo Nikkei, trong ngày 13 và 17/5, tình trạng mất điện trên diện rộng đột ngột xảy ra tại nhiều địa phương ở Đài Loan. "Tôi đang nói chuyện với khách hàng thì đột nhiên tòa nhà văn phòng tối om. Điều hòa và WiFi tắt ngóm, tôi quyết định về nhà sớm", một giám đốc làm việc tại Công viên Khoa học Neihu ở Đài Bắc kể.
"Trên đường về, tôi thấy đèn giao thông cũng không hoạt động”, giám đốc này cho biết. Công viên Khoa học Neihu ở Đài Bắc là nơi rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu Đài Loan có văn phòng.
Đợt cắt điện ngày 13/5 ảnh hưởng tới hơn 4 triệu hộ gia đình trên đảo Đài Loan (24 triệu dân). Công ty điện lực Taipower giải thích lỗi do con người gây ra tại nhà máy điện Hsinta ở phía nam thành phố Cao Hùng làm sập 4 máy phát điện. Sự cố kéo tổng nguồn cung cấp điện của Đài Loan xuống mức báo động.
Mất điện trên diện rộng xảy ra ở Đài Loan ngày 13 và 17/5. Ảnh: EPA. |
Sản xuất khó khăn
Cảnh mất điện tái diễn 4 ngày sau đó. Hơn 659.000 hộ gia đình rơi vào cảnh phải ăn bữa tối trong bóng tối. Taipower cho biết do thời tiết nóng hơn bình thường, nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh, nguồn cung thiếu hụt.
“Nhu cầu sử dụng điện vào lúc 14h09 phá vỡ kỷ lục tháng 5 và nhu cầu lúc 19h30 tối cao hơn rất nhiều so với bình thường”, Taipower khẳng định. Cuối tuần trước, thành phố Đài Bắc hứng chịu một đợt mất điện quy mô nhỏ.
Hai vụ mất điện không gây ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Tuy nhiên, các nhà sản xuất chip như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) và United Microelectronics Corp cảnh báo việc sụt giảm điện áp đột ngột có thể ảnh hưởng đến sản xuất.
Việc Đài Loan duy trì sản xuất là rất quan trọng trong thời điểm cả thế giới thiếu hụt chip. Các vấn đề chính trị và dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung chip, trong khi nhu cầu hàng điện tử tăng vọt khi hình thức làm việc tại nhà trở nên phổ biến. Câu hỏi hiện tại là liệu cơ sở hạ tầng điện của Đài Loan có đủ sức duy trì hoạt động sản xuất chip hay không.
Tình trạng mất điện có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan. Ảnh: AFP. |
Quý I năm nay, kinh tế Đài Loan tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính quyền Đài Loan khẳng định vùng lãnh thổ này có thể đạt mức tăng trưởng hơn 5% trong cả năm 2021 nếu “mọi hoạt động sản xuất công nghiệp được bảo toàn”.
Vấn đề là sự cố điện liên tiếp xảy ra khi Đài Loan chật vật đối phó với tình trạng số ca mắc Covid-19 gia tăng. Nhà chức trách nâng mức báo động trên toàn đảo, yêu cầu tất cả trường học đóng cửa hai tuần, buộc các doanh nghiệp áp dụng một số phương án dự phòng như chia nhân viên thành hai nhóm và mở rộng làm việc tại nhà.
Ngày 25/5, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cho biết đang xem xét việc gia hạn cảnh báo cấp độ 3 trong hai tuần sau khi số ca nhắc Covid-9 tăng lên 3.000 chỉ trong 9 ngày.
Hạn hán trầm trọng
Một vấn đề khác là tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng. Đài Loan trải qua đợt hạn hán gay gắt nhất trong hơn 5 thập kỷ qua và đây là yếu tố có thể cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cơ quan Kinh tế Đài Loan cho biết sẽ thực hiện phương án tiết kiệm nước mới trong tháng 6 nếu hòn đảo không đủ lượng nước mưa cần thiết.
Trong các thành phố bị ảnh hưởng bởi hạn hán có Tân Trúc, nơi TSMC và United Microelectronics đặt trụ sở chính. Thành phố Đào Viên - trung tâm của các nhà máy sản xuất bảng mạch in - cũng có tên trong danh sách hạn chế sử dụng nước.
Nhà chức trách cũng có kế hoạch hạn chế nguồn cung nước với các công ty công nghiệp lớn ở Đại Nam và Cao Hùng, nơi TSMC đặt nhà máy tiên tiến nhất. Một số thành phố trực thuộc trung ương như Đài Trung ngừng cấp nước cho các khu dân cư 2 ngày một tuần kề từ đầu tháng 4.
"Họa vô đơn chí", một giám đốc doanh nghiệp chip than thở với Nikkei. “Chúng tôi đối mặt với hàng loạt khủng hoảng, từ thiếu nước, thiếu điện đến thiếu vaccine chống Covid-19. Thứ duy nhất không thiếu là các đơn đặt hàng. Nhưng chúng tôi sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu nếu không đủ nguồn nước và điện”, ông nói.
Hạn hán ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các nhà máy chip Đài Loan. Ảnh: Taiwannews. |
Hãng chip nhớ Powertech Technology - trụ sở tại Tân Trúc - sẽ bị ảnh hưởng vì chính sách ngừng cấp nước hai ngày mỗi tuần từ tháng 6. CEO Evan Tseng cho biết công ty tích trữ nước dưới tầng hầm và sẽ chuyển một phần cho các nhà máy.
"Chúng tôi chỉ phục vụ cơm hộp bento trong canteen và bỏ món súp hoặc mì để tiết kiệm nước. Ít nhất, vào thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường”, ông Tseng nói.
Người phát ngôn TSMC nói kế hoạch hạn chế tiêu thụ nước không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhưng công ty sẽ “huy động các xe tải chở nước” cho các nhà máy. Hồi tháng 4, TSMC cảnh báo tình trạng thiếu chip toàn cầu có thể kéo dài đến hết năm 2022 do nhu cầu tăng vọt.
Họa vô đơn chí
Một giám đốc công ty chip Đài Loan
Giới quan sát nhận định các vấn đề về nguồn nước và điện cho thấy những lỗ hổng lớn trong cơ sở hạ tầng cơ bản của Đài Loan, một trong những nguồn cung cấp chip tiên tiến quan trọng nhất thế giới.
Chuyên gia Lin Faa-Jeng thuộc Đại học Trung Ương nhận định Taipower không lường trước được những tác động của biến đổi khí hậu và phản ứng chậm chạp. Giáo sư Chen Chao-shun thuộc Đại học I-Shou cho rằng Taipower cần cải thiện toàn bộ hệ thống điện.
Về vấn đề nguồn nước, chuyên gia Wu Ray-shyan, Phó chủ tịch Đại học Trung ương, cho biết trên thực tế, Đài Loan không thiếu nước mưa đến mức như Israel. "Vấn đề của Đài Loan là không đủ khả năng để dự trữ nguồn nước trong mùa mưa bão", ông giải thích.
Chuyên gia Wu nhận định về dài hạn Đài Loan cần quy hoạch cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn. “Lần cuối cùng Đài Loan xây dựng một cơ sở hạ tầng lớn cho các nhà máy điện hoặc hồ chứa nước là là năm 1994. Một cơ sở hạ tầng lớn mất 10-20 năm từ khi lập kế hoạch cho đến khi hoàn thành thi công. Những gì Đài Loan cần bây giờ là quy hoạch phát triển dài hạn", ông nhấn mạnh.