Liên quan đến vấn đề thực hiện xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Tài chính với UBND TP.HCM ngày 15/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành kiến nghị TP cần đẩy nhanh tiến độ triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và xuất hóa đơn bán hàng.
"Đây là 2 nội dung đang được ngành thuế triển khai rộng trên các lĩnh vực. TP.HCM và Hà Nội là 2 trung tâm kinh tế lớn, nếu triển khai được đồng bộ, ngoài việc thu thuế 1-2% từ các lĩnh vực này, quan trọng hơn là thực hiện hiệu quả công tác quản lý thuế", ông Thành nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hiện nay các tỉnh quanh TP.HCM đã triển khai hóa đơn điện tử xăng dầu đồng bộ tới các doanh nghiệp như Long An.
Trước băn khoăn về chi phí đầu tư và xuất hóa đơn xăng dầu theo từng lần bán lên đến vài trăm triệu thậm chí đến 1 tỷ đồng, ông Thành cho biết khi làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ kĩ thuật, kinh phí đầu tư thực tế rất thấp chứ không lên tới 400-600 triệu đồng hay 1 tỷ đồng như một số bộ ngành băn khoăn.
"Mỗi hóa đơn xuất ra chỉ mất khoảng 40-60 đồng. Hơn nữa, người tiêu dùng đa số không lấy hóa đơn, nên cũng không nhất thiết phải in ra", lãnh đạo Tổng cục Thuế nói.
Theo cơ quan thuế, mỗi hóa đơn điện tử xuất theo từng lần bán chỉ tốn khoảng 40-60 đồng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng cũng cho biết hiện nay ngành thuế đã triển khai quyết liệt bản đồ số về giá đất, bất động sản, hộ kinh doanh.
Tại Hà Nội, trong số hơn 450 cửa hàng xăng dầu do Cục Thuế TP quản lý, mới có gần 150 cửa hàng thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Đầu tháng 12, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã gửi đơn kiến nghị phản ánh họ gặp khó khăn về nhân lực và kêu lãng phí khi phải bỏ hoặc thay mới các thiết bị để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý. Ước tính, mỗi cửa hàng xăng dầu sẽ phải chi khoảng 400 triệu đến 1 tỷ đồng để trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng khi áp dụng quy định mới.
Bộ Công Thương cũng cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu.
Bộ này tính toán trường hợp mỗi cửa hàng có 4 cột bơm xăng, chi phí cho thiết bị in khoảng 3 triệu đồng một cột bơm thì cần đầu tư 12 triệu đồng. Với 17.000 cửa hàng bán lẻ hiện nay, chi phí này khoảng hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra còn chi phí trang bị chip đồng bộ, kết nối máy tính để xuất hóa đơn theo từng cột bơm nhiên liệu.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...