Mới có khoảng 1/3 cây xăng ở Hà Nội xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tại hội nghị phổ biến hướng dẫn thực hiện quy định xuất hóa đơn từng lần bán hàng đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu do Cục Thuế TP Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Tiến Trường, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết đến thời điểm 30/11, có hơn 240 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thuộc Cục Thuế TP quản lý với hơn 450 cửa hàng và gần 2.000 cột bơm.
"Trong đó, hiện có gần 150 cửa hàng áp dụng được thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng", ông Trường cho biết.
Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Vũ Mạnh Cường nhấn mạnh việc doanh nghiệp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn là quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế. "Việc chuyển đổi khi lập hóa đơn điện tử là yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp để thực hiện đúng quy định của pháp luật", ông nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp đi đầu trong việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán, ông Lê Quang Huy, Phó giám đốc Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình, cho biết lợi ích của việc xuất hóa đơn điện tử trong từng lần bán giúp các đơn vị kiểm soát, kiểm tra dữ liệu một cách minh bạch, nhanh chóng. Đối với khách hàng, sẽ kiểm soát được hàng đã mua.
"Qua quá trình thực hiện, công ty nhận thấy cần xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ giai đoạn đầu, từ công tác chuẩn bị hạ tầng đến việc đào tạo và tuyên truyền cho nhân viên và khách hàng", ông nói.
Theo Nghị định 123/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử, đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Bộ Tài chính cho biết đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn điện tử đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh thì hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu (không cần thông tin người mua).
Bên cạnh đó, việc lập hóa đơn điện tử là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng hóa đơn đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra).
"Do đó, hoạt động này không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định", cơ quan quản lý đánh giá.
Trước đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã gửi đơn kiến nghị phản ánh họ gặp khó khăn về nhân lực và kêu lãng phí khi phải bỏ hoặc thay mới các thiết bị để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý. Ước tính, mỗi cửa hàng xăng dầu sẽ phải chi khoảng 400 triệu đến 1 tỷ đồng để trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng khi áp dụng quy định mới.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Znews tại Tủ sách kinh tế