Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Tài chính: Bắt buộc xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán xăng dầu

Bộ Tài chính nhấn mạnh quy định về lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện.

Doanh nghiệp xăng dầu lo lỗ lớn nếu xuất hóa đơn từng lần. Ảnh: Việt Linh.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Theo đó, cơ quan quản lý đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quán triệt đầy đủ, kịp thời quan điểm, nhận thức về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Đặc biệt là quy định về lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

"Đây là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện tại địa phương", văn bản của Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan địa phương phối hợp với cơ quan thuế thành lập các đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu để nắm bắt việc triển khai, khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán.

"Cùng với đó, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện", Bộ lưu ý.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Công Thương, cơ quan quản lý thị trường phối hợp giám sát chặt chẽ, kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đặc biệt là quy định về hoá đơn, chứng từ.

Theo cơ quan quản lý, việc thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu sẽ tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Theo đó sẽ ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu…

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cây xăng phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế ngay trong tháng 12.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết việc phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bán ngay trong tháng 12 là khó khả thi. Theo chủ một doanh nghiệp xăng dầu ở Lâm Đồng cho biết phải tốn hơn 420 triệu đồng chi phí đầu tư ban đầu để thiết lập hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu từ cột bơm xăng đến cơ quan thuế.

"Đặc thù kinh doanh bán lẻ xăng dầu là bán trực tiếp cho người dân sử dụng, hầu hết không có nhu cầu lấy hóa đơn. Mặt khác, đa số lượt bán thường có giá trị bình quân khoảng 10.000-50.000 đồng. Trong khi đó, một hóa đơn điện tử có chi phí 500-700 đồng sẽ gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp", ông phân tích.

Chưa kể, theo vị này, nếu buộc phải xuất hóa đơn điện tử đúng quy chuẩn phải có thông tin khách hàng sẽ dẫn đến việc ảnh hưởng thời gian, công việc của khách.

Hiện, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là hai đơn vị thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu còn lại mặc dù đã thực hiện hóa đơn điện tử nhưng chưa thực hiện được việc lập hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Doanh nghiệp xăng dầu lo lỗ nặng khi phải xuất hóa đơn mỗi lần bán

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết việc phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bán ngay trong tháng 12 là khó khả thi.

Năm chật vật của ngành bán lẻ công nghệ, hàng nghìn nhân viên mất việc

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn do sức cầu tiêu dùng suy yếu, nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ công nghệ buộc phải thu hẹp kinh doanh, cắt giảm nhân sự.

Doanh nghiệp vận tải thủy phải giảm 95% kế hoạch lợi nhuận vì khó khăn

Do tình hình kinh doanh khó khăn, tàu phải nằm chờ không dài ngày nên Công ty Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng muốn điều chỉnh giảm 95% kế hoạch lợi nhuận.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm