Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kình ngư khuyết tật Võ Thanh Tùng: Xuân mới tậu nhà, cưới vợ

Bước vào đời với đôi chân tật nguyền nhưng bằng ý chí, nghị lực của bản thân, vận động viên Võ Thanh Tùng đã lập nên những thành tích thể thao hiển hách.

Tại Đại hội thể thao khuyết tật châu Á 2014, Võ Thanh Tùng đã đoạt 5 HCV ở cả 5 nội dung đăng ký (50 m tự do, 100 m tự do, 200 m tự do, 50 m bơi ngửa và 50 m bơi bướm) cùng việc phá một kỷ lục châu Á. Thành tích này giúp kình ngư người An Giang về nhất trong cuộc bầu chọn vận động viên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc 2014. Đó cũng là bệ phóng giúp anh đổi đời, xây dựng một cuộc sống mới.

Nhảy xuống nước ra huy chương

Võ Thanh Tùng sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Anh là con trai duy nhất nhưng gặp hoàn cảnh không may khi mới lên 2 tuổi. Cơn sốt bại liệt ác tính ập đến làm đôi chân của anh teo lại, buộc phải gắn bó với chiếc xe lăn từ sớm. Sống lênh đênh trên sông nước, lại có bố làm nghề chài lưới nên Thanh Tùng biết bơi từ rất sớm. Với anh đó là một kỹ bắt buộc để sinh tồn.

Thanh Tùng với thành tích chói sáng tại Đại hội thể thao khuyết tật châu Á 2014. Ảnh: V.H/Thể thao Văn hoá.
Thanh Tùng với thành tích chói sáng tại Đại hội thể thao khuyết tật châu Á 2014. Ảnh: V.H/Thể Thao & Văn Hóa.

Thấy cháu bơi giỏi, người chú ruột đã giới thiệu Thanh Tùng về Cần Thơ sinh hoạt cùng những người có cùng hoàn cảnh. Bước ngoặt cuộc đời đến với Thanh Tùng vào năm 2005 khi anh tình cờ nghe được một cuộc thi bơi trên loa phóng thanh của Sở VH-TT& DL Cần Thơ dành cho người khuyết tật. Khoác lên mình chiếc áo mỏng, quần cộc, không có đồ bơi chuyên dụng, Thanh Tùng khiến các HLV của Cần Thơ há hốc mồm khi bơi như “rái cá”, không có đối thủ ở cuộc thi.

“Thầy Bùi Thanh Tâm khi thấy tôi bơi giỏi quá đã động viên, thuyết phục tôi vào đội tuyển của tỉnh thi giải toàn quốc. Hôm sau, thầy mua cho tôi đồ chuyên dụng, kiếng bơi rồi dọa “nếu không bơi tốt” sẽ không được đi Hà Nội. Nghe được đi ra Thủ đô tôi mừng lắm, nên tập luyện cật lực trong hơn 20 ngày sau đó. Kết quả, tôi đoạt 2 HCV, 1 HCB. Đây là bước ngoặt quyết định để tôi quyết tâm đi theo thể thao chuyên nghiệp”, Thanh Tùng bồi hồi nhớ lại.

Võ Thanh Tùng khoe bộ ảnh cưới mới chụp trong căn nhà mới. Những ngày này anh đang tất bật đi phát thiệp mừng cho họ hàng, bạn bè.
Võ Thanh Tùng khoe bộ ảnh cưới mới chụp trong căn nhà mới. Những ngày này anh đang tất bật đi phát thiệp mừng cho họ hàng, bạn bè.

 

Không chỉ đột phá trở thành vận động viên đẳng cấp cao ở môn bơi, Thanh Tùng nỗ lực trang bị cho mình hành trang nghề nghiệp để bước vào đời. Nhằm đỡ đần kinh tế cho gia đình, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh theo học trung cấp điện tử. Sau đó, anh quyết định học lên Đại học Công nghệ thông tin phân hiệu ở Cần Thơ, chuyên ngành điện tử viễn thông. Ít người biết rằng, ngoài tài năng bơi, Thanh Tùng còn kiếm sống bằng nghề sửa điện thoại.

Không có đối thủ ở trong nước từ năm 2005 đến 2009 nhưng Thanh Tùng không có tên trong danh sách đội tuyển bơi khuyết tật Việt Nam. Phải nhờ đến sự tác động của người quen trên Tổng cục TDTT, kình ngư xuất sắc này mới chuyển về khoác áo cho TP HCM, chiếm suất cứng tại ĐTQG từ đó đến nay. Dưới sự dìu dắt của HLV Đổng Quốc Cường, Thanh Tùng cải thiện đáng kể về thành tích, trở thành niềm hy vọng chính của thể thao khuyết tật Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Nói đâu xa, tại Đại hội thể thao khuyết tật châu Á 2014, kình ngư này chỉ đặt mục tiêu giành 2 HCV nhưng xuất sắc đoạt thêm 3 HCV ngoài dự kiến.

 

Võ Thanh Tùng được thưởng hơn 700 triệu đồng: Với thành tích đoạt 5 HCV, phá 1 kỷ lục tại Đại hội thể thao khuyết tật châu Á, Võ Thanh Tùng nhận được hơn 700 triệu đồng tiền thưởng từ Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản TP HCM. Số tiền này một phần anh dùng để mua nhà mới, một phần anh tiết kiệm, hùn vốn kinh doanh cùng vợ. Mới đây, anh cũng nhận được quyết định tập trung dài hạn từ Tổng cục để chuẩn bị cho Paralympic 2016, nhận được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày.


 

 Mối tình trên “Chuyến xe miền Tây”

Cũng như sự nghiệp, chuyện tình duyên của Thanh Tùng cũng gắn liền với 2 chữ “tình cờ”. Năm 2011, trong cùng một chuyến xe xuôi về miền Tây, anh vô tình gặp với Trúc Phương. Lúc đó, anh trở về nhà sau một chuyến tập huấn kéo dài còn Trúc Phương lên TP HCM lấy hàng cho cửa hàng quần áo ở Cần Thơ. Không quen biết từ trước, nhưng nhờ lối nói chuyện có duyên, thông minh, Thanh Tùng đã chiếm được tình cảm của cô chủ cửa hàng thời trang nhỏ cùng quê.

Thanh Tùng trong căn nhà nhỏ trị giá 280 triệu đồng mà anh mới mua lại.
Thanh Tùng trong căn nhà nhỏ trị giá 280 triệu đồng mà anh mới mua lại.

 

Như lời bài hát Chuyến xe miền Tây: “Trên chuyến xe năm nào, xuôi về miền Tây, tôi có quen một người em gái. Mái tóc buông bờ vai, ánh mắt say hồn ai, lòng tôi chưa mờ phai..”, cuộc gặp gỡ ấy như là định mệnh gắn kết cuộc đời của kình ngư này với Trúc Phương. Thời gian về sau, chiếc điện thoại trở thành cầu nối duyên tình của đôi trẻ. Trúc Phương xinh đẹp, lại giỏi giang nên không thiếu người theo đuổi nhưng cô khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên của Thanh Tùng. Cô tin vào sự lựa chọn bằng trái tim của mình.

Họ yêu nhau từ lúc nào không rõ, chỉ biết rằng kình ngư này đã may mắn khi có được tấm chân tình ở thời điểm khó khăn nhất. Tình yêu giúp họ vượt qua được giông bão cuộc đời, định kiến của không ít người để tạo dựng bến bờ hạnh phúc. Sau thành tích tại giải châu Á, Thanh Tùng trích một ít từ tiền thưởng mua lại căn nhà nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, TP Cần Thơ với giá trên 280 triệu đồng để làm tổ ấm cho mình. Đây là căn nhà thứ hai anh mua được từ năm 2010. Căn còn lại ở cùng căn hẻm, anh để lại cho mẹ và chị gái làm chốn mưu sinh.

Những hình ảnh trong bộ ảnh cưới của anh cùng vợ Trúc Phương.
Những hình ảnh trong bộ ảnh cưới của anh cùng vợ Trúc Phương.

Sau Tết Nguyên đán, Thanh Tùng sẽ rước nàng về dinh bằng đám cưới ấm cùng cùng bạn bè, người thân ở quê nhà An Giang và Cần Thơ. Vốn là người chu toàn, kình ngư này đã sớm chuẩn bị cho cuộc sống sau hôn nhân. “Tôi sẽ tiếp tục công việc dạy bơi, sửa điện thoại tại nhà để kiếm thu nhập, còn vợ sẽ bán quần áo tại Ô Môn, Cần Thơ. Một khoản còn lại từ tiền thưởng, chúng tôi sẽ để dành để lo cho tương lai”, Thanh Tùng cho biết.

Là người lạc quan, không suy nghĩ về những thứ quá xa xôi, viển vông, Thanh Tùng luôn biết cách cân bằng cuộc sống, hài lòng với hạnh phúc mình đang có. Nhưng trong sự nghiệp, anh đặt quyết tâm rất cao. Mục tiêu của kình ngư này trong năm 2016 là phấn đấu đoạt huy chương tại Paralympic 2016, thành tích chưa vận động viên khuyết tật nào của Việt Nam làm được. 

Những thành tích, bằng khen luôn được anh treo trang trọng ở căn nhà mới.
Những thành tích, bằng khen luôn được anh treo trang trọng ở căn nhà mới.

Thanh Tùng cùng HLV Đổng Quốc Cường trên bục nhận huy chương.
Thanh Tùng cùng HLV Đổng Quốc Cường trong lễ vinh danh những vận động viên khuyết tật tiêu biểu.
Căn nhà nhỏ mà Thanh Tùng vừa mới mua được từ tiền thưởng sau thành tích ở giải châu Á vừa qua.
Căn nhà nhỏ mà Thanh Tùng vừa mới mua được từ tiền thưởng sau thành tích ở giải châu Á vừa qua.

 

Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm