Kinh doanh outlet ế ẩm ở Hà Nội
Tọa lạc tại những mảnh đất vàng tại trung tâm thương mại hay phố cổ Hà Nội, nhiều cửa hàng outlet vẫn sống bằng chiêu khuyến mại giảm giá truyền thống, thay vì trở thành kênh mua sắm mới.
Vào dịp cuối tuần, những trung tâm outlet có tiếng ở khu vực trung tâm Hà Nội vẫn rất vắng khách. Theo tiết lộ của một nhân viên bán hàng, vào thời điểm outlet mới thịnh hành tại Hà Nội đầu năm 2012, phương thức bán hàng này thu hút được khá nhiều khách hàng bởi tiêu chí "hàng hiệu giá tốt". Nhưng đến nay, thời hoàng kim chưa kịp xuất hiện đã biến mất.
Hiện hầu hết các sản phẩm outlet đều có giá rẻ hơn so với hàng thị trường từ 50% đến 70%. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì khách hàng được hưởng khi rất nhiều cửa hàng dù đã trưng biển outlet vẫn tiếp tục áp dụng những chiêu khuyến mại truyền thống như giảm giá, tặng quà.
Vắng vẻ là tình trạng chung của các cửa hàng outlet, dù tọa lạc tại các trung tâm thương mại hay phố cổ Hà Nội. |
Theo đó, khách hàng có thể hưởng chiết khấu thêm 50%, tương đương với giá bán chỉ còn 15% đến 25% so với giá gốc, hoặc được tặng một sản phẩm có giá bán tương tự hoặc rẻ hơn so với sản phẩm đã mua. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn áp dụng cách tính giá cấp số cộng với tỷ lệ chiết khấu 15% cho sản phẩm thứ 2 và nâng dần lên mức 25% cho sản phẩm kế tiếp.
Theo nhân viên của một cửa hàng bán đồ outlet trên đường Hàng Bún, Hà Nội, các sản phẩm này hầu hết là hãng lỗi mùa (sản phẩm mùa đông được bán vào mùa hè) hoặc thiếu size. Hàng size nhỏ, phù hợp với phần lớn người Việt đều được tung ra bán tại các cửa hàng đồ hiệu với giá cao, trong khi cỡ XL và XXL lại khá phổ biến tại chuỗi cửa hàng outlet.
"Rất nhiều thương hiệu như Zara, Alcado, Nine West... đã tận dụng cách bán hàng này để thu hút lượng khách trong thời gian đầu. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các thương hiệu outlet muốn sống được vẫn phải thực hiện các chiêu khuyến mại truyền thống, như giảm giá, tặng quà, chiết khấu thương mại... Đó là còn chưa kể tới việc nhiều nhà bán lẻ không bỏ hàng cũ để nhập hàng mùa mới, mà gom lại bán trong các dịp giảm giá, khiến nguồn cung cho cửa hàng outlet càng thiếu", người này chia sẻ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho biết, hiện có tới 90% sản lượng của các nhà sản xuất được bán ra thông qua nhà phân phối, trong khi kênh bán trực tiếp lại rất ít ỏi. "Người mua vẫn đánh đồng hàng giảm giá vì lỗi kỹ thuật hoặc kém chất lượng với hàng outlet, dù vốn dĩ bản chất của các sản phẩm này chỉ là lỗi mốt, thiếu size hoặc thiếu màu... nhưng đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, văn hóa tiêu dùng của người Việt là ưa thích dùng hàng xách tay, mặc dù nguồn gốc và chất lượng hàng đôi khi không thể kiểm chứng như sản phẩm outlet. Do đó, nếu chỉ so sánh về giá, dù được bán thấp hơn kênh bán lẻ nhưng vẫn ở mức tính tiền triệu, khách hàng tầm trung sẽ không mấy mặn mà với các cửa hàng, nên tình trạng ế khách vẫn diễn ra thường xuyên".
Thay vì tập trung, những cửa hàng outlet tại Việt Nam lại phát triển tự phát và manh mún. |
Giám đốc của CBRE Việt Nam từng nhận định, muốn thành công, outlet Việt Nam cần có mô hình hoạt động đúng nghĩa, tức là mở ra các trung tâm lớn tại khu vực có mặt bằng cho thuê giá rẻ để tiết kiệm chi phí, và tạo thói quen mua sắm tại các khu vực tập trung cho khách hàng. Đến nay, ở Việt Nam, các trung tâm outlet chỉ có một địa điểm với đủ điều kiện là tại Vincom Long Biên và một cửa hàng lớn tại The Garden, trong khi nhiều hãng lại chọn cách bán outlet tại những địa điểm nhỏ tọa lạc trên những vị trí bất động sản "vàng" của thành phố sẽ làm giảm đi hiệu quả kinh doanh, và khó lòng trụ vững.
Trần Anh
Theo Infonet