Cửa hàng outlet Việt Nam hết thời
Là loại hình mua sắm đã có từ lâu trên thế giới, những cửa hàng outlet (bán hàng giảm giá) mới xuất hiện ở TP.HCM đã có xu hướng biến mất dần hoặc không còn giữ đúng nghĩa của outlet.
Outlet ở TP.HCM nằm rải rác ở một số nơi chứ không tập trung trong một trung tâm thương mại. Mỗi cửa hàng outlet có thể chỉ gồm một hoặc vài nhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới, tùy theo nhà phân phối tại Việt Nam. Hàng hóa ở đây là những hàng giá rẻ, hàng đã qua mùa, lỗi mốt, hàng trưng bày hoặc hàng chỉ còn một hay một vài size. Hầu hết sản phẩm được giảm khoảng 10-30%, một số giảm 50% và một vài cái được giảm 70% (rất hiếm).
Chỉ chưa đầy 3 năm, các cửa hàng outlet hầu như đã biến mất khỏi TP.HCM. |
Tồn tại chỉ khoảng chưa đầy hai năm, một loạt các cửa hàng outlet biến mất như nhãn hiệu NineWest trên đường Nguyễn Trãi, của Esprit trên đường Phạm Hồng Thái, Del Amo outlet trên đường Nguyễn Huệ, Q.1, Elle outlet trên đường Cao Thắng… Thậm chí, trung tâm Premium Outlet nằm trong một tòa nhà cao tầng trên đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình xuất hiện từ cuối năm 2010 với các sản phẩm trong và ngoài nước cũng ngưng hoạt động hoàn toàn.
Hiện chỉ còn vài cửa hàng như outlet của Adidas, Puma trên đường Pasteur, Q.3 nhưng lại bán luôn cả hàng mới, chứ không chỉ bán riêng hàng giảm giá. Cửa hàng outlet Hoàng Phúc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai có hàng hóa của nhiều nhãn hiệu nhưng các cửa hàng chính của Hoàng Phúc vẫn liên tục có chương trình giảm giá đến 50% nên để mua hàng giảm giá của Hoàng Phúc, bạn không nhất thiết phải đến cửa hàng outlet.
Theo một số người chuyên “săn” hàng outlet ở nước ngoài, sở dĩ hàng outlet Việt Nam không thu hút được khách hàng vì các cửa hàng nằm rời rạc, không tập trung, ít người biết đến. Dù từng ghé qua thì nhiều khách hàng cũng khó quay lại vì hàng hóa không đa dạng, hạn chế về cả mẫu mã lẫn kích cỡ…
Theo Phụ nữ TP.HCM