Nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong chuyến xuất ngoại đầu tiên từ khi nắm quyền, âm thầm đến Bắc Kinh trên một chuyến tàu bí mật để hội đàm cùng Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc.
Chuyến thăm không chính thức của ông Kim Jong Un, chỉ được xác nhận khi ông đã rời Bắc Kinh, được nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không thể bị gạt ra khỏi tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nâng cao vị thế đàm phán của Bình Nhưỡng trong bối cảnh 2 cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều và Mỹ - Triều sắp diễn ra.
Phải bước qua cửa Trung Quốc
Sáng 28/3, Tân Hoa xã công bố thông tin chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới Trung Quốc, nơi ông và Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm và dành cho nhau những lời chào đón hết sức nồng ấm của "tình đồng chí và trách nhiệm".
Trong bối cảnh những đồn đoán về sự rạn nứt quan hệ song phương, hình ảnh cái bắt tay mạnh mẽ và những màn nâng ly chúc tụng giữa hai lãnh đạo là thông điệp cho thấy quan hệ Trung - Triều đã trở lại đúng quỹ đạo. Đây cũng là lời nhắn không thể rõ ràng hơn tới Washington: bất cứ bước đi nào về vấn đề Triều Tiên cũng phải "qua cửa" Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Hôm 28/4, Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter rằng ông vừa được ông Tập thông báo kế hoạch gặp gỡ thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ không có gì thay đổi, thông điệp đáng ra Washington phải nhận được từ Bình Nhưỡng.
"Tôi nhận được tin nhắn từ Chủ tịch Tập Cận Bình rằng cuộc gặp giữa ông ấy và Kim Jong Un diễn ra rất tốt đẹp. Ông Kim rất trông đợi vào cuộc gặp sắp tới với tôi", Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Adam Mount, giám đốc Dự án Defense Posture từ Liên hiệp Khoa học Mỹ, nhận định Bắc Kinh đang khẳng định tầm quan trọng của mình và tìm cách định hình chương trình nghị sự cho các cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng sắp tới.
"Chia rẽ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là lợi thế lớn cho chiến dịch gây sức ép của Tổng thống Trump. Bằng cách khôi phục quan hệ Trung - Triều, Bắc Kinh sẽ giảm vị thế của Washington trong đàm phán và loại bỏ sức nặng của những đe dọa sử dụng vũ lực của Mỹ trong tương lai", ông Mount nhận định.
Chiến thuật ngoại giao của Triều Tiên
Chuyên gia quân sự Ni Lexiong từ Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang lợi dụng mối bất hòa gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ để nhận được lợi ích và nhượng bộ từ cả hai phía.
Từ trước đến nay, ông Kim Jong Un được truyền thông quốc tế miêu tả là một nhà lãnh đạo cứng rắn và có chút liều lĩnh. Chuyến công du ngoại giao đầu tiên của ông Kim, với điểm đến là Trung Quốc, càng khẳng định phương Tây không thể coi thường vị thế của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Lãnh đạo Trung - Triều duyệt đội danh dự. Ảnh: KCNA/Reuters. |
"Chúng ta đang chứng kiến chiến lược ngoại giao được xây dựng khéo léo bài bản của Triều Tiên trên cấp độ thế giới, với điểm khởi đầu là ở Bắc Kinh", chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên Jean Lee từ Trung tâm Wilson, Washington, nhận định.
Vài tháng trước, thái độ lạnh nhạt với Trung Quốc cùng những màn lên gân đấu khẩu với Tổng thống Trump giúp ông Kim có thêm thời gian và lý do cần thiết để thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Nay, khi chương trình vũ khí đã được Bình Nhưỡng đánh giá là đủ hoàn thiện để tạo ra mối đe dọa với phương Tây, ông Kim có thể tự tin ngồi vào bàn đàm phán cùng các nhà lãnh đạo khu vực và thế giới, với vị thế ngang hàng của những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng phá thế cô lập
Trong vài năm ngắn ngủi cầm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã không ít lần khiến Bắc Kinh, đồng minh quan trọng nhất của mình, nổi giận.
Năm 2016, Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm trung đúng thời điểm Trung Quốc đăng cai hội nghị thượng đỉnh G-20, khiến dư luận quốc tế chuyển mối quan tâm từ Bắc Kinh sang Bình Nhưỡng. Khi Trung Quốc cử một quan chức cấp cao tới Triều Tiên nhằm cải thiện quan hệ năm 2017, ông Kim thậm chí còn không gặp đại diện từ Bắc Kinh.
Mỹ nhiều lần kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng về kinh tế đối với Triều Tiên để gây sức ép về các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là duy trì sự ổn định tại bán đảo Triều Tiên và tránh các động thái có thể khiến chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ.
Bắc Kinh lo ngại khi tình huống xấu nhất xảy ra, hàng triệu người tị nạn sẽ đổ về biên giới nước này, cùng viễn cảnh quân đội Mỹ sẽ tiến sát sông Áp Lục như lịch sử từng xảy ra tháng 10/1950.
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump ngày càng đề cập nhiều hơn tới giải pháp quân sự về vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc buộc phải mạnh tay hơn với các lệnh trừng phạt kinh tế. Bắc Kinh thận trọng siết chặt các lệnh trừng phạt, tiến hành kiểm tra các tàu chở hàng nghi buôn lậu hàng hóa vào Triều Tiên, đồng thời cắt đứt các hoạt động xuất khẩu chủ chốt của Triều Tiên, gồm hải sản và lao động.
Những nỗ lực đó của Trung Quốc góp một phần đưa nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngồi vào bàn đàm phán.
Ông Kim và ông Tập dự tiệc chiêu đãi. Ảnh: KCNA/Reuters. |
"Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, việc nối lại quan hệ với Trung Quốc trở thành một yêu cầu thiết yếu đối với Triều Tiên", Cheong Seong Chang, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên từ Viện nghiên cứu Sejong, Hàn Quốc, nhận định.
Trước mắt, giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua là chỉ dấu cho thấy cuộc gặp thượng định giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ diễn ra như được mong đợi. Ông Kim Jong Un sẽ ngồi vào bàn đàm phán với vị thế lớn hơn, bởi có được sự ủng hộ, ít nhất là về mặt chính trị, từ Trung Quốc.
"Chuyến thăm Bắc Kinh là bước đột phá trong bối cảnh Triều Tiên đang bị cô lập ngoại giao", Cai Jian, giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên từ Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đánh giá.
Ông Jian cho rằng với những cái bắt tay nồng ấm cùng Chủ tịch Tập, ông Kim nay có nhiều quân bài để mặc cả hơn trong những cuộc đàm phán sắp tới với phương Tây.