Kim Jong-un muốn một cuộc chiến tranh hủy diệt?
Chỉ sau một năm nắm quyền, Kim Jong-un đã tạo ra các mối đe dọa liên tiếp gồm thử tên lửa, hạt nhân và các động thái khiêu khích. Nguyên soái Kim dường như muốn kích hoạt một cuộc chiến thực sự.
Lãnh đạo trẻ Kim Jong-un (phải) và các quan chức quân đội Triều Tiên. |
Các mối đe dọa tăng dần
Một tuần trở lại đây, Bán đảo Triều Tiên chìm trong tình trạng căng thẳng đỉnh điểm khi Triều Tiên đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu, cắt đứt đường dây liên lạc nóng với láng giềng Hàn Quốc, tuyên bố chấm dứt hiệp ước đình chiến nhằm phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn cũng như tỏ rõ thái độ cực đoan trước việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân hôm 12/2 của nước này.
Rõ ràng, chỉ một thời gian ngắn cầm quyền, Chính phủ Kim Jong-un đã hết lần này đến lần khác khiến cả thế giới giật mình và quan ngại với các động thái khiêu khích liên tục, ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt và gay gắt hơn.
Nguyên soái trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên vào cuối tháng 12/2011 ngay sau cái chết đột ngột của Cố Chủ tịch Kim Jong-il. Trong khi giới quan sát quốc tế vẫn còn mơ hồ về nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên, tháng 3 năm ngoái, ông Kim Jong-un xuất hiện với "màn chào hỏi” ấn tượng bằng tuyên bố phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo vào tháng 4 gây chấn động.
Dù Triều Tiên khẳng định, sứ mệnh tháng 4 nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Chủ tịch Kim Nhật Thành, người sáng lập ra đất nước, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không ngừng cáo buộc đây là vụ thử tên lửa tầm xa trá hình và viện mọi áp lực hòng ngăn chặn kế hoạch của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối và cảnh báo gay gắt của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế, tháng 4/2012, Triều Tiên phóng tên lửa. Vụ phóng thất bại và các thành phần tên lửa Triều Tiên cuối cùng rơi xuống biển.
Sau sự thất bại của sứ mệnh tháng 4, tháng 8/2012, Nguyên soái Kim Jong-un thân chinh tới thăm một đơn vị quân đội, từng được cho là đã thực hiện cuộc pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc và kêu gọi binh sĩ phải luôn sẵn sàng đương đầu với “cuộc chiến thiêng liêng” chống lại láng giềng. Đồng thời, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh, các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn trên báo đảo Triều Tiên là “cuộc diễn tập xâm lược”.
Lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một đơn vị quân đội và trò chuyện với các tướng lĩnh cấp cao. |
Tiếp đó, tháng 10/2012, Bình Nhưỡng mạnh mẽ tuyên bố, họ đã phát triển thành công tên lửa có khả năng tấn công vào lục địa Mỹ. Tháng 12/2012, ông Kim Jong-un lại làm dư luận thế giới dậy sóng khi công bố kế hoạch phóng tên lửa tầm xa. Chỉ 2 ngày sau khi chính phủ Bình Nhưỡng thông báo trì hoãn kế hoạch phóng bởi sự cố kỹ thuật, tên lửa Triều Tiên bất ngờ rời bệ phóng ở bờ biển phía Tây xa xôi của đất nước. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố, vụ phóng tên lửa đã thành công.
Trong khi cộng đồng thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng thì tiếp đó, tháng 1/2013, Triều Tiên thông báo kế hoạch thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mới, trong đó nhấn mạnh, đây là một phần trong giai đoạn đối đầu quyết liệt khác với kẻ thù không đội trời chung Mỹ - Hàn. Mối đe dọa thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên đến trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vừa thông qua dự thảo mở rộng trừng phạt nước này sau sứ mệnh phóng vệ tinh tháng 12 được 2 ngày.
Nói là làm, ngày 12/2, Triều Tiên thực sự tiến hành một vụ thử hạt nhân lần 3 dưới lòng đất. Bình Nhưỡng nhấn mạnh, vụ thử hạt nhân lần này hướng đến mục đích “bảo vệ an ninh và chủ quyền của đất nước, chống lại các hành động thù địch mạnh mẽ” của hai kẻ thù không đội trời chung Mỹ và Hàn Quốc.
“Vụ thử hạt nhân là biện pháp đầu tiên của chúng tôi, trong đó, vẫn thể hiện sự kiềm chế tối đa của chúng tôi... Nếu Mỹ vẫn tiếp tục xử sự một cách đầy thù địch với Triều Tiên, làm tình hình trở nên căng thẳng và phức tạp hơn, chúng tôi sẽ không tránh khỏi việc phải viện đến biện pháp thứ 2 hoặc thứ 3 mạnh mẽ hơn nhiều”, truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố.
Chẳng bao lâu sau, kế hoạch tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn và việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tiếp tục thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần 3 lại tiếp tục khiêu khích và chọc giận Bình Nhưỡng. Chính phủ Kim Jong-un lập tức đe dọa khởi động tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Mỹ và Hàn Quốc mà bắt đầu bằng đe dọa hủy bỏ thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên năm 1953, cắt đường dây liên lạc điện thoại trực tiếp với láng giềng tại làng Panmunjom.
Ngày 8/3, Bình Nhưỡng tăng gấp đôi áp lực đe dọa với tuyên bố vô hiệu hóa tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triề Tiên. Một trong những tướng lĩnh hàng đầu của nước này tuyên bố, tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng.
Bình Nhưỡng đang mưu tính điều gì?
Giới quan sát quốc tế nhấn mạnh, mức độ căng thẳng tại khu vực Đông Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến xấu đi trong những tuần tới. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên đang có kế hoạch tập trận quân sự quy mô lớn, đáp trả Mỹ - Hàn cũng như phô trương sức mạnh quân sự và không loại trừ khả năng họ sẽ tiến hành thử tên lửa liên lục địa.
Quân đội Triều Tiên diễn tập quân sự tại địa điểm và thời gian không xác định. Bức ảnh được hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đăng tải hôm qua. |
Động thái tới thăm một số đơn vị quân đội gần đây của Nguyên soái trẻ Kim Jong-un cũng làm dấy lên quan ngại Bình Nhưỡng có thể kích hoạt các hành động khiêu khích tồi tệ tương tự như năm 2010, khi họ pháo kích đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Hàn Quốc, làm 4 người thiệt mạng.
Giới phân tích nhấn mạnh, có 3 lý do để chính quyền Kim Jong-un tiếp tục màn đe dọa, khiêu khích. Đầu tiên là, Bình Nhưỡng dường như tin rằng, phần còn lại của thế giới đang cố chọc giận họ. Bình Nhưỡng tin rằng, họ có quyền sỡ hữu vũ khí hạt nhân, tên lửa liên lục địa, đơn giản giống như kẻ thù không đội trời chung của họ, Mỹ có quyền làm vậy.
Thứ 2, mới lên cầm quyền được hơn một năm, lãnh đạo trẻ Kim Jong-un luôn không ngừng muốn chứng tỏ với người dân của mình rằng, chế độ có khả năng bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa thù địch từ bên ngoài. Giáo sư Trung Quốc Shi Yinhong nhấn mạnh, mục tiêu của vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên chính là “nhằm mục đích củng cố danh tiếng của lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trước quân đội và người dân trong nước”.
Cuối cùng, Bình Nhưỡng muốn thử các giới hạn của những thay đổi gần đây trong bối cảnh chính trị của khu vực khi mà 3 quốc gia láng giềng của họ bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có lãnh đạo mới. Trong khi đó, tại Mỹ cũng có sự thay đổi quan trọng về nhân sự khi Thượng nghị sĩ John Kerry đã thay thế bà Hillary Clinton để giữ chức Ngoại trưởng.
Hàn Quốc đã sẵn sàng đấu với Triều Tiên?
Giữa bối cảnh căng thẳng đỉnh điểm trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, một câu hỏi cấp bách là Hàn Quốc sẽ phản ứng thế nào nếu Triều Tiên thực sự tấn công quân sự. Trước đó, Seoul đã bị chỉ trích là phản ứng quá yếu ớt, để Triều Tiên lấn lướt trong vụ pháo kích đảo Yeonpyeong trong năm 2010.
Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết sẽ không lặp lại phản ứng tương tự một lần nữa. Tướng Kim Yong-hyun, thuộc Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc tuyên bố: “Nếu Triều Tiên tiếp tục chỉ ra các động thái khiêu khích đe dọa đến an toàn tính mạng và cuộc sống của người dân của chúng tôi, quân đội của chúng tôi sẽ trừng phạt không khoan nhượng nguồn gốc các động thái khiêu khích đó, các lực lượng thực hiện cũng như chỉ huy việc này”.
Tân Tổng thống Park Geun-hye cũng có vẻ ít lạc quan trước các nguy cơ đến từ láng giềng Triều Tiên khi thừa nhận: “Tình hình an ninh hiện tại của chúng tôi cực kỳ nghiêm trọng và nhạy cảm”. Trong khi đó, giới quân đội Hàn Quốc cũng cảnh báo một cuộc tấn công hạt nhân chắc chắn sẽ dẫn đến sự hủy diệt đối với Triều Tiên.
Giới phân tích nhấn mạnh, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục chỉ ra các động thái khiêu khích thì một cuộc đụng độ quân sự nguy hiểm trên bán đảo Triều tiên là không thể tránh khỏi. Họ bình luận, có thể dễ dàng nhận thấy, có sự khác biệt quan trọng giữa bối cảnh hiện nay với hồi 2010.
Cách đây 3 năm, trong vụ pháo kích đảo Yeonpyeong các lực lượng Hàn Quốc đã bị bất ngờ do đó, không kịp phản ứng trước sự khiêu khích của Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện nay các lực lượng vũ trang nước này đã được đặt trong tình trạng cảnh giác và báo động cao độ, sẵn sàng đối phó với bất cứ động thái nào của Triều Tiên.
“Hiện có một mối bận tâm sâu sắc ở Hàn Quốc và trong giới hoạch định chính sách Mỹ rằng, Triều Tiên có thể theo thói quen kích hoạt một cuộc tấn công tại vùng biển phía Tây hoặc dọc theo khu vực phi quân sự DMZ, chọc giận Hàn Quốc. Khu vực sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng đỉnh điểm. Hàn Quốc chắc chắn sẽ không phản ứng nhẹ nhàng như vụ pháo kích đảo Yeonpyeong hồi năm 2010”, ông Daniel Sneider, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Stanford bình luận.
Trung Quốc có từ bỏ đồng minh ruột?
Vụ thử tên lửa và hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng cũng như các tuyên bố đầy khiêu khích của họ mới đây diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang bước vào giai đoạn chuyển giao chính trị quan trọng, do đó được cho là đã “làm khó” đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc bao gồm tân Chủ tịch Tập Cận Bình và tân Thủ tướng Lý Khắc Cường. Với việc Trung Quốc, láng giềng và đồng minh ruột duy nhất của Triều Tiên ủng hộ các biên pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, một số nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh có thể đang xem xét lại lập trường của họ đối với Bình Nhưỡng.
Paul Haenle, Giám đốc của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua có trụ sở ở Bắc Kinh bình luận, các động thái khiêu khích, đe dọa và ngỗ ngược của “đứa trẻ hư” Triều Tiên đang phá hoại hình ảnh quốc tế của Trung Quốc và đẩy các nhà lãnh đạo của nước này vướng vào các căng thẳng phức tạp và đang gia tăng trong khu vực.
“Thông qua các mối quan hệ với các chuyên gia và các quan chức Trung Quốc, tôi cho rằng, mối quan ngại về ông Kim Jong-un và khả năng lãnh đạo đất nước của ông ta đang gia tăng tại Bắc Kinh”, ông Haenle chia sẻ.
“Tôi không mong để thấy sự quay ngoắt 180 độ trong chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Tôi cũng không mong kịch bản Bắc Kinh công khai bỏ rơi đồng minh ruột. Những gì tôi chờ đợi để thấy là Bắc Kinh sẽ thay đổi lập trường, quay trở về giai đoạn cuối thời Bush khi họ ra các điều kiện cho Bình Nhưỡng để đổi lấy viện trợ và sự ủng hộ của họ nhằm để ngăn chặn các động thái khiêu khích, gây mất ổn định của đồng mình ruột”, ông Heanle nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, khi Trung Quốc “gật đầu” đồng ý thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, đây là động thái “làm Bình Nhưỡng tổn thương và tổn thương rất lớn”.
Tuy nhiên, không ít nhà phân tích vẫn giữ quan điểm cho rằng, không nên kỳ vọng quá nhiều vào lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Bắc Kinh có thể “bật đèn xanh” cho các lệnh trừng phạt mới đối với đồng minh ruột. Tuy nhiên, đó chỉ là trên giấy tờ còn trên thực tế, họ có ý định thực thi chúng hay không thì không ai dám chắc.
Bắc Kinh có không ít lý do quan trọng để tiếp tục “chứa chấp” đồng minh ngang bướng. Có thể Bắc Kinh cảm thấy chung sống với đồng minh như Bình Nhưỡng thật sự không dễ dàng song họ thừa tỉnh táo để nhận ra rằng, nếu mất đi đồng minh ruột, chế độ của họ cũng sẽ lung lay. Nếu chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, Bắc Kinh chắc chắn đối mặt với cơn ác mộng khủng khiếp bao gồm các vấn đề liên quan đến phổ biến vũ khí hạt nhân, thảm họa nhân đạo đến từ dòng người tị nạn Triều Tiên ồ ạt vượt biên sang Trung Quốc.
Chưa hết, sự sụp đổ của Bình Nhưỡng còn dẫn đến hậu quả, quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc có thể di chuyển về phía Bắc, thống nhất bán đảo Triều Tiên, đe dọa an ninh Trung Quốc. Đây là điều Trung Quốc rõ ràng muốn tránh. Như vậy, bất chấp những động thái ngỗ ngược của Triều Tiên, Trung Quốc sẽ vẫn che chở, bảo vệ đồng mình ruột.
Phương Đăng
Theo Infonet