Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kim Jong-un ‘dụng kế’ dò xét Tập Cận Bình

Phẫn nộ với nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ, Triều Tiên thề thử hạt nhân lần 3. Song động thái đó còn hướng tới mục đích chính là để dò xét phản ứng của tân Chủ tịch Trung Quốc.

Kim Jong-un ‘dụng kế’ dò xét Tập Cận Bình

Phẫn nộ với nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ, Triều Tiên thề thử hạt nhân lần 3. Song động thái đó còn hướng tới mục đích chính là để dò xét phản ứng của tân Chủ tịch Trung Quốc.

Những tuyên bố và động thái khiêu khích của Triều Tiên gần đây không chỉ nhắm vào Mỹ và Hàn Quốc mà còn tân Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.

Lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un gần đây lặp lại hành động quen thuộc, đe dọa Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải gánh những hậu quả thảm khốc vì luôn phản đối chương trình hạt nhân của nước này. Bình Nhưỡng những ngày này không ngừng tuyên bố, sẽ thử hạt nhân lần 3 nếu nghị quyết trừng phạt Triều Tiên được thông qua.

Thậm chí, báo chí Hàn Quốc cảnh báo, lãnh đạo Kim Jong-un đã đặt Triều Tiên trong tình trạng thiết quân luật và yêu cầu các binh sĩ tiền tuyến “sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh”. Báo Hàn Quốc trích dẫn nguồn tin Chính phủ tiết lộ, Kim Jong-un đã đưa ra một mệnh lệnh bí mật yêu cầu, “trong khoảng thời gian từ 29-30/1 phải hoàn thành công tác chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân” và sẽ tiến hành vụ thử sớm.

Tuy nhiên, “chính sách bên bờ vực chiến tranh” của Bình Nhưỡng lần này không chỉ nhằm mục đích dọa Mỹ mà còn “gánh sứ mệnh” chính là để thử phản ứng của tân Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.

Thực tế, Triều Tiên đã bị kích động bởi Nghị quyết 2087, được 15 quốc gia nhất trí, bao gồm Nga và đặc biệt là Trung Quốc, đồng minh số 1 của Bình Nhưỡng.

Nghị quyết 2087 kêu gọi thắt chặt và tăng cường việc kiểm soát các giao dịch tài chính quốc tế đồng thời đóng băng tài sản của 6 tổ chức của nước này. Nghị quyết cũng áp đặt các lệnh cấm xuất cảnh nhắm vào 4 cá nhân của Triều Tiên đồng thời cam kết sẽ “còn hành động mạnh tay hơn nữa” nếu Triều Tiên tiếp diễn vi phạm các lệnh trừng phạt.

Do đó, "sự trở mặt" của Triều Tiên còn mang hàm ý thể hiện phản kháng trước “sự phản bội” của Trung Quốc và Nga. Hai đồng minh ruột của Triều Tiên đã thuận theo dự thảo mới lên án và thắt chặt trừng phạt Triều Tiên của Mỹ với điều kiện, sẽ không áp đặt thêm bất cứ lệnh trừng phạt mới nào được áp đặt dù cho phép mở rộng các lệnh trừng phạt hiện có.

Ngoài ra, “thái độ phản kháng” của Bình Nhưỡng lúc này cũng còn xuất phát từ việc Trung Quốc gần đây bắt đầu có những động thái “ve vãn” Hàn Quốc, đối thủ số 1 của Triều Tiên. Trong bối cảnh căng thẳng với Nhật Bản ngày càng leo thang, giới lãnh đạo Trung Quốc, trong đó, tiêu biểu là tân Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương tăng cường liên lạc với Seoul, động thái hiếm có từ trước tới nay, nhấn mạnh các lập trường chung chống lại Tokyo trên phương diện lịch sử.

Thế khó xử của Trung Quốc

Chấp thuận thông qua Nghị quyết 2087 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với nội dung thắt chặt các biện pháp trừng phát đối với Triều Tiên, khiến đồng minh ruột bất ngờ phẫn nộ, Trung Quốc khiến cộng đồng thế giới cảm giác, cuối cùng dường như họ cũng sử dụng biện pháp rắn để kiềm chế tham vọng hạt nhân cũng như "sự ngỗ ngượ"c của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc mới đây nhấn mạnh, mối bận tâm lớn nhất của họ là sự ổn định của khu vực. Do đó, việc Triều Tiên phản ứng với nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc bằng cách dọa gây chiến, thử hạt nhân lần 3 hay tuyên bố không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân dễ dàng biến họ trở thành mối đe dọa cho an ninh khu vực.

Nếu Bình Nhưỡng kiên quyết thử hạt nhân, điều đó sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và sự ổn định của bán đảo Triều Tiền.

Trong một bài bình luận mới đây, thời báo Hoàn Cầu, thuộc sự quản lý của Đảng Cộng Sản Trung Quốc công khai chỉ trích Bình Nhưỡng phản ứng ngỗ ngược trong khi Bắc Kinh cố hết sức “mặc cả” nhằm làm nhẹ bớt lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc muốn áp dụng với họ. Báo Hoàn Cầu còn nhấn mạnh, nếu Triều Tiên còn tiếp tục thử hạt nhân, Trung Quốc sẽ không ngần ngại cắt giảm ủng hộ và viện trợ dành cho họ”. Do gần như dựa hòa toàn vào viện trợ lương thực và nhiên liệu của Trung Quốc, do đó, Triều Tiên chắc chắn không thể thể xem nhẹ lời cảnh báo trên.

Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không ngừng leo thang, động thái khiêu khích của Triều Tiên dường như lại mang đến cho Trung Quốc một cơ hội tốt, cái cớ tốt để thực hiện chiến lược mềm dẻo, linh hoạt mà không làm tổn hại tới “bất cứ lợi ích cốt lõi nào” của họ.

Suốt thời gian qua, tranh chấp lãnh thổ Điếu Ngư/Senkaku đã khiến quan hệ Trung- Nhật rơi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ năm 1945 tới nay. Ngoài ra, quan hệ Trung - Philippines cũng “căng như dây đàn” bởi tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Quá phẫn nộ với những yêu sách của Trung Quốc, Philippines đã gửi đơn yêu cầu Liên Hiệp Quốc đứng ra giải quyết tranh chấp.

Không có gì phải nghi ngờ khi với cả hai vụ tranh chấp lãnh thổ với láng giềng, Trung Quốc chắc chắn sẽ không thỏa hiệp. Tuy nhiên, có vẻ như không muốn mang thêm điều tiếng, Bắc Kinh chấp nhận thông qua Nghị quyết 2087 của Liên Hiệp Quốc để lên án và trừng phạt Triều Tiên như muốn chứng tỏ, họ thực lòng muốn phấn đấu cho hòa bình của khu vực.

Ngoài ra, động thái trên cũng góp phần giúp con rồng châu Á củng cố vai trò và quyền lực. Cụ thể, thái độ khiêu khích của Triều Tiên có thể thúc đẩy tăng cường quan hệ Trung - Hàn, từng bị đóng băng sau vụ Bắc Kinh “bênh” đồng minh ruột, từ chối lên án Bình Nhưỡng về vụ đánh chìm tàu Hải quân Cheonan của Seoul năm 2010. Ngoài ra, Triều Tiên càng tỏ ra hiếu chiến và khiêu khích, càng khiến Mỹ cố tìm cách liên lạc với Trung Quốc để cùng đối phó với họ. Do đó, theo ông Zhu Feng, một học giả của Đại học Bắc Kinh, đó là “nền tảng mới để quan hệ Trung - Mỹ trở nên gần gũi hơn”.

Tuy nhiên, ông Zhu cũng vẫn nhấn mạnh, Trung Quốc chắc chắn không muốn “dồn Triều Tiên vào chân tường” bởi dù sao Bình Nhưỡng vẫn là đồng minh ruột của họ. Theo một báo cáo, Trung Quốc cung cấp một nửa nhu cầu về thực phẩm và năng lượng choTriều Tiên. Mỗi năm, Bắc Kinh viện trợ cho Bình Nhưỡng khoảng 400.000 tấn lương thực, thực phẩm các loại, tùy theo nhu cầu và 500.000 tấn dầu thô.

Trung Quốc có thể không chấp nhận và quan ngại quá trình hạt nhân hóa của Triều Tiên nhưng không đời nào muốn chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. Đơn giản, Triều Tiên được xem là đồng minh ruột truyền thống, “song kiếm hợp bích” cùng với Trung Quốc chống lại liên minh Mỹ - Hàn. Chưa kể, nếu chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, Trung Quốc cũng không tránh được bất ổn khi chắc chắn phải đối mặt với dòng người tị nạn từ láng giềng tràn sang.

Ngoài ra, nếu kịch bản Triều Tiên sụp đổ xảy ra, Trung Quốc cũng sẽ buộc phải chấp nhận viễn cảnh các lực lượng Mỹ sẽ hiện diện thường xuyên hơn trên một vùng biên giới rộng lớn hơn của họ. Đó rõ ràng còn là mối đe dọa đáng sợ hơn nhiều cho sự ổn định và tồn vong của Trung Quốc. Nói cách khác, Bình Nhưỡng có giá trị địa chính trị rất lớn đối với Bắc Kinh. Đối với con rồng châu Á, việc “đỡ đầu” Bình Nhưỡng luôn luôn là “cái giá không lớn nhưng lợi ích lại rất nhiều”.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm